Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Nhiều nguy cơ đổ vỡ

Đòn áp thuế bổ sung mới nhất của Mỹ nhằm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể làm đổ vỡ cuộc gặp cuối tháng 9 giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Nhiều nguy cơ đổ vỡ ảnh 1Sản phẩm hạnh nhân nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại một siêu thị ở Trung Quốc ngày 5/7/2018. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Dự kiến vào cuối tháng 9 này, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhằm thảo luận biện pháp giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, đòn áp thuế bổ sung mới nhất của Mỹ nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể làm đổ vỡ cuộc gặp sắp tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Mỹ đã kết thúc cuộc trưng cầu ý kiến về việc áp thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi áp thuế bổ sung đối với toàn bộ 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đầu tiên.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không lập tức thực hiện biện pháp áp thuế bổ sung, thậm chí Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin còn chủ động mời phía Trung Quốc trở lại bàn đàm phán thương mại (Bắc Kinh cũng xác nhận việc này), đã làm dấy lên nhiều hy vọng.

Thông tin của tờ Wall Street Journal cho biết cuộc đối thoại giữa Lưu Hạc và Mnuchin dự kiến sẽ diễn ra tại Washington từ ngày 27-28/9 tới. Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, Lưu Hạc có thể sẽ gặp Trump.

Tuy nhiên, hy vọng vừa lóe lên đã bị dập tắt. Ngày 17/9, Trump viết trên trang Twitter cá nhân rằng biện pháp thuế quan giúp Mỹ giành ưu thế mặc cả trên bàn đàm phán. Ngay ngày hôm sau, chính quyền Mỹ quyết định sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc kể từ ngày 24/9 tới, và sau đó kể từ ngày 1/1/2019 sẽ nâng lên mức 25%.

Có thể nói, đây là một chiêu thức quen thuộc mà phía Mỹ hay thực hiện kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang: Trước đàm phán thường tuyên bố gia tăng biện pháp trừng phạt để gây sức ép với đối phương.

Gần đây nhất là trước cuộc gặp giữa Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn và Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass (từ ngày 22-23/8), phía Mỹ đe dọa sẽ nâng mức áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc từ 10% lên 25%.

[Căng thẳng leo thang, Trung Quốc hủy vòng đàm phán thương mại với Mỹ]

Trên thực tế, đàm phán thương mại Mỹ-Trung dù có diễn ra cũng rất khó để lạc quan về khả năng thành công. Theo chuyên gia về Trung Quốc và khu vực châu Á, ông Naomi Wilson thuộc Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin Mỹ, đó là do hiện nay Văn phòng Đại diện thương mại, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ không có chung mục tiêu và sách lược đối với Trung Quốc.

Ngoài ra, Trump từng tuyên bố “từ chối đàm phán với Trung Quốc” và nay thuộc cấp của Trump lại chủ động mời phía Trung Quốc trở lại bàn đàm phán.

Vì vậy, một số nhà quan sát cho rằng động thái này là nhằm tạo lợi thế trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào đầu tháng 11 tới, đồng thời cũng cho thấy Washington đã thử tìm cách nối lại kênh giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nhưng Bắc Kinh không nhượng bộ nên phía Mỹ đành phải áp dụng biện pháp thuế quan.

Đàm phán đương nhiên sẽ tốt hơn không đàm phán. Tuy nhiên, theo nghiên cứu viên Steve Moore thuộc Quỹ Di sản Mỹ, kinh tế Mỹ đang có nhiều biểu hiện tốt và Washington gần như chắc chắn đạt được thỏa thuận thương mại mới với một số đối tác lớn như Liên minh châu Âu (EU), Mexico, Canada...

Cho nên, so với 3 tháng trước, Mỹ có lợi thế hơn nhiều trong đàm phán thương mại với Trung Quốc. Và như vậy, sức ép đối với Trung Quốc sẽ tăng. Vấn đề là Bắc Kinh có chịu đáp ứng yêu cầu của Washington hay không?

Liên quan tới việc này, tờ Economic Journal ngày 18/9 dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định rằng nếu phía Mỹ đưa ra bất cứ biện pháp áp thuế bổ sung mới nào đối với Trung Quốc, Bắc Kinh không thể không đưa ra biện pháp trả đũa cần thiết.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhấn mạnh: Leo thang tranh chấp thương mại không phù hợp với lợi ích của bất cứ bên nào, chỉ có đối thoại trao đổi trên cơ sở bình đẳng, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau mới là con đường đúng đắn để giải quyết vấn đề kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Trung Quốc cho biết thêm rằng nếu phía Mỹ áp thuế bổ sung mới đối với hàng hóa của Trung Quốc, phía Trung Quốc không những có thể từ chối tham gia đàm phán thương mại cấp cao Trung-Mỹ sắp tới mà còn lên kế hoạch hạn chế bán một số thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng cho các hãng chế tạo Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục