Cuộc đua đến TPP

Đàm phán TPP: Cuộc đua "vượt chướng ngại vật"

Có thể thấy, câu hỏi khi nào các bên có thể về đích trong “cuộc đua vượt chướng ngại vật” hướng về đích chung là TPP vẫn để ngỏ.
Ngày 22/8 tới, vòng đàm phán thứ 19 về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ bắt đầu ở Brunei. Đây sẽ là vòng đàm phán chính thức đầu tiên có sự tham gia của các nhà thương thuyết Nhật Bản.

Mặc dù các nước tham gia đàm phán đã đặt mục tiêu đạt được một thỏa thuận tổng thể về TPP vào cuối năm nay nhưng phần lớn các chuyên gia phân tích cho rằng các bên khó có thể “về đích” đúng thời hạn đó do những bất đồng trong hàng loạt các vấn đề đang trở thành “các chướng ngại vật” trên con đường hướng tới TPP.

Bên cạnh đó, sự tham gia của Nhật Bản một mặt sẽ tạo ra động lực mới cho cuộc đàm phán, nhưng mặt khác có thể sẽ khiến quá trình đàm phán trở nên phức tạp hơn.

Điểm xuất phát


Tháng 6/2005, bốn quốc gia gồm Brunei, Chile, New Zealand và Singapore đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPSEP hay P4), với mục tiêu tự do hóa hơn nữa các nền kinh tế trong khu vực. Đây là một hiệp định thương mại toàn diện, bao trùm hàng loạt các vấn đề như thương mại hàng hóa, các quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, kiểm dịch động thực vật, các rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực thương mại, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, mua sắm công của Chính phủ và chính sách cạnh tranh. Đáng chú ý, TPSEP kêu gọi giảm 90% loại thuế ở các nước thành viên vào đầu năm 2006 và giảm tất cả các loại thuế thương mại xuống 0% vào năm 2015.

Tháng 1/2008, Mỹ đã quyết định đàm phán với các nước thành viên TPSEP về việc tự do hóa thương mại trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Và ngày 22/9 năm đó, Đại diện Thương mại Mỹ Susan C. Schwab đã thông báo Mỹ sẽ bắt đầu thương lượng với các nước thành viên TPSEP về TPP. Cũng trong năm 2008, Australia, Việt Nam và Peru đều thông báo sẽ tham gia đàm phán để gia nhập TPSEP.

Sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức vào tháng 1/2009, cuộc thương lượng về TPP trên cơ sở mở rộng TPSEP, vốn ban đầu dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2009, đã bị hoãn lại. Tuy nhiên, trong chuyến thăm châu Á đầu tiên vào tháng 11/2009, Tổng thống Obama đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với TPP.

Ngày 14/12/2009, Đại diện Thương mại Mỹ lúc đó là Ron Kirk đã thông báo với Quốc hội rằng Tổng thống Obama có kế hoạch tham gia các cuộc đàm phán về TPP, với “mục tiêu xây dựng một hiệp định khu vực tổng thể và tiêu chuẩn cao.” Và ngày 15/3/2010, vòng đàm phán chính thức đầu tiên về TPP đã được tổ chức tại Australia, với sự tham gia của 4 nước thành viên ban đầu của TPSEP, Mỹ, Australia, Việt Nam và Peru.

[Đàm phán TPP: Nhiều khó khăn vẫn còn phía trước]

Ban đầu, Việt Nam tham gia cuộc đàm phán này với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11/2010, tại cuộc họp cấp cao các nước tham gia đàm phán TPP bên lề Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 18 tại Nhật Bản, cùng với Malaysia, Việt Nam đã tuyên bố tham gia đàm phán TPP với tư cách thành viên chính thức.

Sau đó, Canada và Mexico đều lần lượt trở thành thành viên đàm phán chính thức. Trước khi vòng đàm phán thứ 18 về TPP kết thúc ở Malaysia hôm 23/7, Nhật Bản đã trở thành thành viên chính thức thứ 12 của cuộc đàm phán nhằm xây dựng một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới này. Các nước tham gia đàm phán TPP hiện chiếm gần 40% GDP toàn cầu và khoảng 1/3 thương mại thế giới.

Những chướng ngại vật

Tại vòng đàm phán thứ 18 ở Malaysia, các bên tham gia đã nhất trí về lịch trình gồm 4 giai đoạn cho các cuộc thương lượng nhằm xóa bỏ các hàng rào thuế quan, với mục tiêu đạt được thỏa thuận cơ bản về vấn đề này vào cuối tháng 10/2013. Theo lịch trình này, tất cả các nước tham gia đàm phán TPP trừ Nhật Bản cần phải đặt 75% dòng thuế của họ lên bàn thương lượng trước ngày 16/8. Con số này nâng lên 90% trước ngày 30/8, 95% trước ngày 20/9 và 100% trước cuối tháng 10.

Bên cạnh đó, các bên về cơ bản nhất trí kết thúc các cuộc đàm phán song phương về việc xóa bỏ thuế trước ngày 20/9 để tập trung vào các cuộc đàm phán đa phương. Họ đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận cơ bản về vấn đề vào tháng 10/2013 và ký kết một thỏa thuận tổng thể về TPP vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, rất khó có thể hoàn tất các công việc theo lịch trình đó khi mà các bên vẫn còn bất đồng lớn trong nhiều vấn đề như tiếp cận thị trường, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và thương mại điện tử.

Trong số các vấn đề vẫn chưa được giải quyết, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan vẫn là vấn đề gai góc nhất hiện nay. Theo nhật báo Nikkei, tại vòng đàm phán thứ 19, tất cả các nước tham gia đàm phán TPP sẽ đưa ra đề xuất xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Đây là lần đầu tiên tất cả các nước thành viên cùng kêu gọi dỡ bỏ thuế quan tại một cuộc họp kể từ khi cuộc đàm phán này bắt đầu vào năm 2010.

Đáng chú ý, mặc dù nhiều người kỳ vọng sự tham gia của Nhật Bản sẽ tạo ra động lực mới cho cuộc đàm phán nhưng theo một số chuyên gia phân tích, điều này có thể sẽ khiến quá trình đàm phán về TPP trở nên phức tạp hơn. Nguyên nhân là Nhật Bản và một số nước chủ chốt trong tiến trình TPP, nhất là Mỹ, có những bất đồng lớn về mặt quan điểm. Chẳng hạn, mặc dù Nhật Bản muốn các nước khác, trong đó có Mỹ, xóa bỏ hàng rào thuế quan cho việc xuất khẩu ôtô và các hàng hóa chế tạo khác của nước này nhưng Tokyo lại kiên quyết bảo hộ 5 mặt hàng nông sản (gồm thịt bò và thịt lợn, gạo, lúa mỳ, các sản phẩm sữa và đường) do sức ép từ khu vực nông nghiệp trong nước.

Kết quả thăm dò gần đây của nhật báo Nikkei cho thấy chỉ có 24,4% trong tổng số 500 doanh nghiệp nông nghiệp trên khắp nước Nhật ủng hộ việc nước này tham gia đàm phán TPP, trong khi tỷ lệ phản đối lên tới 41,2%. Vì vậy, trước khi Nhật Bản tham gia đàm phán TPP, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua nghị quyết kêu gọi Chính phủ tiếp tục bảo hộ 5 mặt hàng đó và không lưỡng lự khi rời bàn đàm phán nếu cuộc đàm phán này thay đổi theo hướng khác.

Tuy nhiên, tại vòng đàm phán thứ 18, ý định bảo hộ 5 mặt hàng nhạy cảm về mặt chính trị đó của Nhật Bản đã vấp phải phản ứng từ các nước khác. Các nước này cho rằng tất cả các mặt hàng đều phải đặt lên bàn thương lượng và quy tắc phi thuế quan của TPP không cho phép tồn tại những ngoại lệ.

Về phần mình, ngành công nghiệp ôtô của Mỹ không muốn mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Vì vậy, trong lúc Nhật Bản chuẩn bị tham gia đàm phán TPP, các hãng chế tạo ôtô lớn của Mỹ đã tăng cường các hoạt động vận động hành lang nhằm tăng áp lực lên Chính phủ Mỹ để duy trì thuế suất đánh vào ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Hội đồng Chính sách Ôtô Mỹ - một tổ chức vận động hành lang đại diện cho ba “ông lớn” trong ngành ôtô Mỹ là General Motors Co., Ford Motor Co., và Chrysler Group LLC - đã kêu gọi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cần phải duy trì mức thuế đánh vào ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản trong ít nhất từ 25 đến 30 năm.

Trong nỗ lực thu hẹp các bất đồng, hai tuần trước vòng đàm phán đa phương thứ 19 về TPP, trong các ngày từ 7 và 9/8, các quan chức thương mại Nhật Bản và Mỹ đã tổ chức vòng đàm phán song phương đầu tiên về TPP tại Tokyo. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp này, hai bên đều thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, Đại sứ phụ trách ngoại giao kinh tế kiêm Trưởng đoàn đàm phán của Nhật Bản Takeo Mori cho biết cuộc họp này bao trùm tất cả các vấn đề mà hai bên đã nhất trí đặt lên bàn đàm phán. Hai bên cần phải làm thêm rất nhiều việc trước khi hai bên có thể tiến tới một thỏa thuận.

Về phần mình, quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ kiêm Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ Wendy Cutler, thừa nhận “có rất nhiều công việc đầy thách thức đang chờ đợi ở phía trước chúng tôi.”

Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman tuyên bố Nhật Bản vẫn còn một chặng đường dài phải đi trước khi nước này có thể tuyên bố mở cửa các thị trường của họ. Trong danh sách dài các vấn đề còn bất đồng giữa hai nước, ông Froman đặc biệt nhấn mạnh việc mở cửa ngành ô tô là một trong những vấn đề hóc búa nhất. Ông nói: “Tại thời điểm này, tất cả các doanh nghiệp nước ngoài mới chỉ giành được 6% thị phần của thị trường ô tô của Nhật Bản. Vì vậy, tôi nghĩ mọi người đều tin rằng còn một chặng dài ở phía trước trước khi chúng ta có thể nói thị trường Nhật Bản đã mở cửa.”

Đáng chú ý, bất đồng giữa Nhật Bản và Mỹ không còn dừng lại ở việc bảo hộ 5 mặt hàng nông sản hay ngành công nghiệp ôtô mà còn lan rộng sang một số lĩnh vực khác. Chẳng hạn, trong lĩnh vực bảo hiểm, bà Cutler cho biết phía Mỹ từ lâu đã quan ngại rằng các công ty bảo hiểm tư nhân và Công ty Bảo hiểm Bưu điện Nhật Bản - một công ty con của Tập đoàn Bưu điện Nhật Bản - sẽ không thể cạnh tranh bình đẳng với nhau.

Bà Cutler đưa ra phát biểu này ngay cả khi tháng trước, Công ty Bảo hiểm Bưu điện Nhật Bản thông báo rằng họ sẽ mở rộng hợp tác kinh doanh với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Gia đình của Mỹ (Aflac) để tăng mạnh số lượng các đại lý bán bảo hiểm chuyên xử lý các hợp đồng bảo hiểm ung thư của Aflac ở Nhật Bản và cùng phát triển các sản phẩm bảo hiểm cho bệnh nhân ung thư.

Trước những bất đồng lớn đó, hãng tin Kyodo News dẫn lời các quan chức Nhật Bản cho biết các nhà thương thuyết của hai nước vẫn chưa xác định thời điểm cho cuộc gặp sắp tới bởi vì, hai bên cần thời gian để xem xét những gì mà họ đã thảo luận tại cuộc gặp vừa qua.

Khi nào sẽ về đích?

Mặc dù thừa nhận sự tham gia của Nhật Bản sẽ làm phức tạp thêm quá trình thương lượng về TPP và chương trình nghị sự của TPP là “đầy tham vọng” nhưng phát biểu với phóng viên hôm 9/5, Đại diện Thương mại Mỹ Froman vẫn tin tưởng rằng các bên sẽ kết thúc cuộc đàm phán về TPP trước thời điểm cuối năm 2013.

Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vậy. Bà Rebecca Fatima Sta Maria, quan chức cao cấp về thương mại của Malaysia, gần đây nhận định các bên sẽ khó đạt được thỏa thuận cơ bản về TPP vào tháng 10/2013 theo như kế hoạch.

Nhật báo Nikkei cho biết mặc dù khởi động từ tháng 3/2010 nhưng đến cuối tháng 7/2013, các bên tham gia đàm phán mới kết thúc đàm phán về 5 trong số 29 chương trong dự thảo hiệp định về TPP (gồm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, hợp nhất các tiêu chuẩn, viễn thông, phát triển, các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và hoàn tất đàm phán về cơ bản 9 chương khác. Hiện tại, các cuộc đàm phán về tiếp cận thị trường, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và thương mại điện tử vẫn đang bị bế tắc.

Cũng cần phải nói thêm rằng trong quá khứ, các bên tham gia đàm phán về TPP đã từng không thực hiện được mục tiêu tương tự. Tháng 10/2011, các nhà lãnh đạo của các nước tham gia đàm phán về TPP (lúc đó có 9 nước) đã thông qua đề xuất của Tổng thống Obama về việc đặt mục tiêu kết thúc các cuộc đàm phán trước tháng 11/2011. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng vẫn kéo dài cho đến nay.

Trong bối cảnh đó, có thể thấy, khi nào các bên có thể về đích trong “cuộc đua vượt chướng ngại vật” hướng về đích chung là TPP vẫn là câu hỏi còn để ngỏ./.

Thanh Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục