Đàm phán TPP: Nhiều khó khăn vẫn còn phía trước

Vòng đàm phán thứ 18 về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khép lại vào ngày 25/7 vừa qua. Tại vòng này, các nhóm đàm phán đã thảo luận về các vấn đề đầu tư, những quy định trái với thỏa thuận về đầu tư, cạnh tranh, thâm nhập thị trường, nguồn gốc xuất xứ và những rào cản kỹ thuật đối với thương mại.

Vòng đàm phán đã khép lại với nhiều tiến triển nhưng bên cạnh đó các bên đàm phán vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn.
Vòng đàm phán thứ 18 về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khép lại vào ngày 25/7 vừa qua. Tại vòng này, các nhóm đàm phán đã thảo luận về các vấn đề đầu tư, những quy định trái với thỏa thuận về đầu tư, cạnh tranh, thâm nhập thị trường, nguồn gốc xuất xứ và những rào cản kỹ thuật đối với thương mại.

Bên cạnh đó, các vấn đề dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, tạm nhập, quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, mua sắm chính phủ, luật pháp và những vấn đề về thể chế cũng đã được đưa ra thảo luận.

Trong tuyên bố chung, các nhà đàm phán cho biết tiến triển đã đạt được trong việc giải quyết nhiều vấn đề mang tính chuyên môn và đã thu hẹp được bất đồng về nhiều lĩnh vực. Và mặc dù tiến triển quan trọng đã đạt được, vẫn còn một số vấn đề cần được thảo luận thêm và các bên đàm phán sẽ phải đối phó với nhiều vấn đề khó khăn, nhạy cảm hơn.

Các nhà đàm phán đang thăm dò nhiều lựa chọn khác về các vấn đề khó khăn hơn như sở hữu trí tuệ, môi trường và doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy công việc trong các nhóm đàm phán. Với kế hoạch rõ ràng đối với những vấn đề còn đang dang dở và khó khăn, các nhà đàm phán hy vọng rằng nhiều vấn đề có thể khép lại tại vòng đàm phán tới.

Hơn 650 nhà đàm phán từ các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam tham gia vòng đàm phán thứ 18 đều đưa ra cam kết về thời hạn chót kết thúc đàm phán vào cuối năm 2013.

Các quan chức đang cố gắng để đạt được thỏa thuận vào tháng 10/2013, khi lãnh đạo các nước tham gia đàm phán TPP, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, tham dự Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Indonesia.

Tuy nhiên, do các vấn đề dễ hơn đã được giải quyết nên sẽ khó khăn hơn cho các nhà đàm phán trong việc đạt được đồng thuận ở vòng đàm phán sắp tới diễn ra vào cuối tháng 8/2013 ở Brunei, khi các bên chuyển sang thảo luận các vấn đề có nhiều bất đồng.

TPP đặt ra tiêu chuẩn rất cao ở các lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ, nên cũng là rất khó khăn cho các quốc gia như Malaysia và Việt Nam trong việc thỏa thuận về các điều khoản liên quan đến doanh nghiệp nhà nước vốn đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế.

Đánh giá về triển vọng của TPP, các chuyên gia cho rằng xét về mức độ sâu sắc và tính phức tạp của đàm phán TPP, hiệp định này sẽ khó có khả năng được ký vào cuối năm nay.

Nhật Bản bước vào đàm phán

Vòng đàm phán mới nhất có sự tham dự của các quan chức Nhật Bản - đối tác thứ 12 đàm phán TPP. Các quan chức Nhật Bản chỉ được tham dự các cuộc thảo luận vào ngày 23/7 sau khi Mỹ hoàn tất thủ tục trong nước để cho phép Nhật Bản tham gia - thời điểm mà hầu hết các cuộc họp của các nhóm thảo luận đã kết thúc.

Sự tham gia của Nhật Bản làm tăng tầm quan trọng của TPP vì với việc có thêm nước này, TPP trở thành một khối với thị trường với hơn 790 triệu dân, có tổng GDP là 27.000 tỷ USD, đóng góp 40% GDP toàn cầu và chiếm khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, việc Nhật Bản tham gia cũng làm tăng tính phức tạp của các cuộc đàm phán bởi việc tham gia TPP đồng nghĩa Nhật Bản phải mở cửa các ngành không có tính cạnh tranh, nhưng nước này hiện vẫn không nhượng bộ trong một số vấn đề như việc duy trì mức thuế cao đánh vào một số sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu.

Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Ed Fast đã hoan nghênh Nhật Bản trở thành thành viên mới của TPP. Theo Bộ trưởng Ed Fast, sự tham gia của Nhật Bản, nền kinh tế lớn, có vai trò quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sẽ tạo ra các cơ hội thương mại và đầu tư quan trọng cho tất cả các nước tham gia đàm phán TPP.

Một cựu quan chức Chính phủ Malaysia, nước chủ nhà của vòng đàm phán mới nhất, cho rằng Nhật Bản muốn rằng những lợi ích từ việc tham gia TPP sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đất nước. Dù TPP sẽ gây khó khăn cho chính sách bảo hộ kinh tế, nhất là bảo hộ nông nghiệp của Nhật Bản nhưng TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nước này. Chính sách phục hồi kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Abenomics) sẽ được kích thích thêm khi Nhật Bản gia nhập TPP.

Tuy nhiên, điều bất lợi cho Nhật Bản là những quy tắc mới của 15 trong số 21 lĩnh vực đàm phán đã được hoàn tất nên cuộc đàm phán lần này chỉ để lại cơ hội đàm phán trong sáu lĩnh vực cho Nhật Bản, bao gồm các các vấn đề nan giải mang tính toàn cầu như mua sắm chính phủ hay quyền sở hữu trí tuệ. Những vấn đề Nhật Bản quan tâm nhất như thuế quan đối với hàng nông sản, hàng công nghiệp đã kết thúc. Do đó, việc trở thành thành viên TPP có đảm bảo được lợi ích của ngành nông nghiệp Nhật Bản hay không còn chưa xác định.

Trung Quốc liệu có tham gia?

Giới phân tích nhìn nhận TPP như một phần trong chiến lược "chuyển trọng tâm" sang châu Á của Mỹ. Hiệp định này được coi là một phương tiện nhằm củng cố các lợi ích và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Được xem là một hiệp định quan trọng của thế kỷ 21, TPP bao hàm những tiêu chuẩn cao về tự do thương mại và hài hòa chính sách. Điều này sẽ tạo ra trở ngại lớn đối với sự gia nhập của Trung Quốc và có thể làm mờ nhạt những thành tựu kinh tế của Trung Quốc nếu nước này trở thành thành viên của TPP.

Trung Quốc cũng có lý do để không tham gia TPP trong lúc đang đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm cả 10 nước thành viên ASEAN cùng với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, một hiệp định mà Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng và được coi là đối trọng với TPP.

Một bài báo đăng trên tờ Washington Quarterly của tác giả Guoyou Song, Đại học Fudan tại Thượng Hải và Wen Jin Yuan thuộc Đại học Maryland, cho rằng giới học giả và hoạch định chính sách Trung Quốc xem TPP là công cụ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bài báo cũng đưa ra kết luận rằng Trung Quốc vẫn chưa đóng cửa đối với khả năng gia nhập TPP. Nếu Chính phủ Trung Quốc cảm thấy được nhiều hơn mất thì có thể sẽ vẫn nộp đơn xin tham gia. Các tác giả cũng cho rằng những thỏa thuận thương mại như vậy vừa là thách thức nhưng cũng là một động lực cho Trung Quốc.

Khi Nhật Bản bắt đầu tiến hành đàm phán TPP, việc tham gia hiệp định này có thể sẽ mang lại cho Trung Quốc thêm một diễn đàn nữa để cạnh tranh với Nhật Bản về ảnh hưởng kinh tế trong khu vực. Tất nhiên, cho đến thời điểm này, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là đối tác thương mại và đầu tư lớn của nhau.

Trung Quốc hiện chiếm khoảng 18% khối lượng xuất khẩu của Nhật Bản và 20,7% khối lượng hàng hóa nhập khẩu của nước này. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu ở Trung Quốc, với số vốn đầu tư trong ba tháng đầu năm nay lên tới 2,29 tỷ USD./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục