Vòng đàm phán TTIP không dễ dàng

Đàm phán TTIP, FTA giữa EU và Mỹ không dễ dàng

EU và Mỹ đang trong tiến trình thảo luận nhằm tiến tới hiệp định TTIP, hiệp định FTA song phương có thể là lớn nhất trong lịch sử.

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang trong tiến trình thảo luận nhằm tiến tới Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương có thể là lớn nhất trong lịch sử.

Vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra thuận lợi, song tiến trình thương lượng gần đây đã gặp trục trặc do vụ đóng cửa Chính phủ Mỹ và sau đó là việc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) bị cáo buộc nghe lén điện thoại của các nhà lãnh đạo châu Âu. Trong khi hai bên còn không ít bất đồng về các nội dung thương lượng, những vụ việc này có thể sẽ khiến tiến trình đàm phán thêm phức tạp.

Đàm phán bị hủy bỏ, có cơ bị phá hỏng

Cuộc đàm phán đầu tiên về TTIP đã diễn ra trong tháng Bảy năm nay tại Washington (Mỹ), vòng đàm phán thứ hai dự kiến bắt đầu vào ngày 7/10 vừa qua tại Brusseles (Bỉ) và vòng đàm phán thứ ba sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, ngay trước khi các nhà thương thuyết bước vào các cuộc đàm phán về các vấn đề chủ chốt nhằm đạt một thỏa thuận vào cuối năm tới, vòng đàm phán thứ hai đã bị hủy, do việc Chính phủ Mỹ bị đóng cửa đã khiến nước này không thể cử đoàn đàm phán đến tham dự đầy đủ. Theo kế hoạch, cuộc đàm phán sẽ được nối lại vào tháng 12 tới, nhưng hiện vẫn chưa có thông báo về thời điểm cụ thể.

Tuy nhiên, đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman khẳng định bất chấp sự cố trên, Chính phủ Mỹ luôn coi TTIP là một ưu tiên và tin tưởng một khi quá trình đàm phán hoàn thành, đây sẽ là thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Ủy viên thương mại châu Âu Karel De Gucht nhận định sự trì hoãn đàm phán là hết sức đáng tiếc, song cũng nhấn mạnh cả EU và Mỹ đều cam kết nỗ lực hoàn tất tiến trình này, đồng thời tiến tới thỏa thuận thương mại và đầu tư đầy tham vọng. Ông Gucht nêu rõ hai bên hy vọng sẽ xóa bỏ được những bất đồng sâu sắc liên quan đến hệ thống các quy định để có thể đạt thỏa thuận trước tháng 11/2014, khi Ủy ban châu Âu (EC) bầu Chủ tịch mới.

Sau khi bị hoãn vì phía Mỹ, tiến trình đàm phán TTIP lại có nguy cơ bị phá hỏng vì nghi án nghe lén điện thoại của NSA đối với các nhà lãnh đạo châu Âu. Ủy viên EU phụ trách tư pháp Viviane Reding khẳng định hai bên khó có thể đạt được những thỏa thuận như FTA khi không tin cậy lẫn nhau. Bà cũng kêu gọi cần có biện pháp mạnh mẽ và thống nhất trong EU với vấn đề an ninh dữ liệu.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz thậm chí yêu cầu đình chỉ các cuộc đàm phán FTA với Mỹ. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh thông tin Mỹ nghe lén điện thoại di động của bà nếu đúng sẽ làm xấu đi quan hệ Đức-Mỹ và kêu gọi hai bên cần gây dựng lại lòng tin sau vụ việc này.

Chuyến thăm của bà Reding hôm 29/10 vừa qua đến Mỹ diễn ra trong bầu không khí ảm đạm do những tiết lộ mới nhất về việc NSA thu thập nhiều dữ liệu tại Tây Ban Nha và Pháp. Trước sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng này, bà nhấn mạnh không có chuyện các đối tác do thám nhau nên phía Mỹ phải hành động ngay lập tức để lấy lại lòng tin.

Bà đã nêu ra câu hỏi liệu vấn bảo mật dữ liệu cá nhân trên mạng Internet có còn được gạt ra ngoài các cuộc thảo luận về TTIP như tại vòng đàm phán đầu tiên hồi tháng Bảy vừa qua hay không. Vấn đề này giờ đây cũng là một trong những chủ đề rất dễ gây “trật bánh” cho các cuộc thương thảo khi cần được xử lý thấu đáo nhằm bảo vệ các dữ liệu của người châu Âu khi đăng nhập các trang mạng khổng lồ của Mỹ như Google, Facebook hay Twitter.

Trước nguy cơ bùng phát một đám cháy do vụ nghe lén, trong cuộc thảo luận ngày 29/10 vừa qua, Mỹ đã chủ động khoanh vùng ngọn lửa bằng cách tách bạch giữa đàm phán TTIP với việc dàn xếp vụ bê bối.

Theo người phát ngôn (giấu tên) của Cơ quan đại diện thương mại Mỹ phụ trách đàm phán với châu Âu, các cuộc thảo luận về hoạt động giám sát của NSA sẽ được tách ra khỏi đàm phán thương mại. Để bảo vệ TTIP, người phát ngôn này cũng nhấn mạnh hiệp ước sẽ góp phần tăng đầu tư song phương, tạo thêm việc làm và tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của hai khối.

Ngay từ trước khi các cuộc thương lượng TTIP được bắt đầu, các cáo buộc về chương trình nghe lén của NSA đã đe dọa gây sóng gió cho quan hệ EU-Mỹ, khiến các cuộc đàm phán có nguy cơ lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại lan rộng liên quan đến vụ việc này, hai bên đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên về một loạt chủ đề cùng quan tâm, vạch ra nhiều tham vọng cũng như cách tiếp cận khác nhau nhằm đạt được những kết quả tốt nhất trong 20 lĩnh vực thuộc TTIP, tạo khuôn khổ cho các cuộc thảo luận tiếp theo trong tương lai về vấn đề này, nhất trí với mục tiêu đạt thỏa thuận vào cuối năm 2014.

Thách thức trong hợp nhất quy định

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán TTIP vốn đã có những khó khăn ngay cả khi không có tranh cãi về chuyện gián điệp. Các cuộc thương lượng về hiệp định này vốn không tập trung vào vấn đề thuế quan bởi mức thuế xuất-nhập khẩu đã tương đối thấp là 3-5%, mà nhằm mục đích chính là tìm kiếm các quy định chung về thương mại và đầu tư.

Ở Mỹ và EU hiện đang tồn tại hai bộ quy định khác nhau mà chính hai bên đã đặt ra để cản trở sự thâm nhập hàng hóa và dịch vụ của bên kia. Với TTIP, EU và Mỹ đang nỗ lực kết nối hai hệ thống quy định và tiêu chuẩn rất chặt chẽ của mỗi bên, từ đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động thương mại-đầu tư. Tuy nhiên, việc giảm bớt những khác biệt trong hệ thống quy định giữa hai bên rõ ràng là rất phức tạp, nếu không nói là thách thức lớn nhất với các nhà đàm phán TTIP.

Trước hết, mỗi bên đều có những cái lý riêng để bảo vệ quy định của mình trong một số lĩnh vực. Vấn đề khó khăn nhất cho EU là lĩnh vực nông nghiệp khi mà sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và truyền thống ở châu Âu khó có thể cạnh tranh với một nền nông nghiệp công nghiệp hóa, cơ giới hóa tối đa với những kỹ thuật hiện đại về hạt giống biến đổi gen của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ muốn EU giảm bớt các rào cản đối với các sản phẩm biến đổi gen đã cản trở nông dân Mỹ trong nhiều năm qua.

Ngược lại, dư luận Mỹ rất nhạy cảm với việc tự do hóa lĩnh vực mua sắm công, nhất là việc cho phép cho những đơn vị nhỏ lẻ địa phương tham gia đấu thầu. Trong khi đó, mối quan tâm lớn của EU là được miễn trừ các điều khoản trong đạo luật "Buy American" (khuyến khích người Mỹ mua hàng hóa trong nước sản xuất) đối với các dự án công trình công cộng.

Bên cạnh đó, hai bên đang có những bất đồng về một trong những vấn đề then chốt nhất của hiệp định là các quy định trong lĩnh vực tài chính. EU muốn đây phải là vấn đề trung tâm của thỏa thuận, trong khi Mỹ phản đối do lo ngại sẽ mất kiểm soát đối với lĩnh vực này.

Ông Froman cho rằng vấn đề này nên được giải quyết một cách riêng rẽ, không nên đưa vào các cuộc thương lượng về thương mại. Hiện quan hệ tài chính giữa EU và Mỹ có quy mô lớn, chiếm khoảng 60% lĩnh vực ngân hàng thế giới.

Các nhà đầu tư EU đang nắm 2.700 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu Mỹ, trong khi người Mỹ cũng sở hữu chừng đó cổ phiếu và trái phiếu của châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ và các nước châu Âu đang quản lý các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và các giao dịch bằng các cách thức khác nhau.

Các nhà đàm phán sẽ không dễ dàng để có được quyết định sẽ giữ lại những quy định riêng của mỗi bên trong lĩnh vực nào và sẽ hợp nhất các quy định trong lĩnh vực nào. Các quan chức châu Âu lo ngại về việc nới lỏng những quy định vốn khắt khe trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm và hóa chất và nhấn mạnh rằng hai bên phải chấp nhận việc duy trì các quy định hiện hành trong một số lĩnh vực.

Phía Mỹ đã bác bỏ quan điểm này và lên tiếng ủng hộ một lối tiếp cận song phương và cởi mở hơn, với những quy định có thể áp dụng rộng rãi. Vấn đề là trong khi các quy định của Mỹ thường dựa trên những phân tích về mặt tiết kiệm chi phí, EU thường tính đến các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn những mối đe dọa với sức khỏe, môi trường và người tiêu dùng.

Dù vậy, đại diện thương mại Mỹ lạc quan rằng Mỹ và EU có thể vượt qua được trở ngại lớn nhất đối với thương mại tự do là sự khác biệt về quy định. Ông nói những khác biệt như vậy trong nhiều thập niên đã tạo nên những rào cản không đáng có, làm tăng chi phí, cản trở thương mại và đầu tư và tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Ủy viên phụ trách thương mại của EU cho rằng hai bên cần đạt được sự nhất trí chung về các quy định trong nhiều lĩnh vực để có thể thống nhất hai hệ thống quy định, giúp các doanh nghiệp của cả hai bên hoạt động hiệu quả hơn ở cả hai bờ Đại Tây Dương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục