"Dân nghèo cần được tiếp cận dịch vụ ngân hàng"

Chủ tịch WB nêu rõ cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng.
Nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 19/4 cho biết 3/4 số dân nghèo trên thế giới hiện chưa tiếp cận các dịch vụ ngân hàng chủ yếu do chi phí cao, khoảng cách xa về địa lý và các thủ tục giấy tờ liên quan đến mở tài khoản ở ngân hàng.

Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch WB Robert B. Zoellick nêu rõ cung cấp các dịch vụ tài chính cho 2,5 tỷ người nghèo chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời tạo nhiều cơ hội cho người dân thoát khỏi đói nghèo.

Người dân nghèo sẽ có tương lai ổn định hơn một khi được tạo điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.

Nghiên cứu của WB nhấn mạnh những người nghèo không tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng buộc phải phụ thuộc vào những người cho vay lãi suất cao, gặp khó khăn khi muốn bắt đầu công việc kinh doanh hoặc không được bảo hiểm tai nạn từ các biến cố.

Do đó, việc phổ quát tài chính hoặc các dịch vụ ngân hàng thích hợp có thể chuyển đổi được sẽ giúp người nghèo xây dựng tương lai an toàn hơn.

Ngoài ra, khả năng tiết kiệm và vay mượn cho phép họ sử dụng tốt hơn nguồn tài sản, khởi nghiệp kinh doanh, đầu tư vào giáo dục cũng như thụ hưởng lãi suất tín dụng hợp lý.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng nhấn mạnh phụ nữ đặc biệt khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ tài chính. Chỉ 37% số phụ nữ các nước đang phát triển có tài khoản ngân hàng trong khi con số này đối với nam giới là 46%.

Trên toàn cầu, chỉ có 22% số người trưởng thành cho biết có tiền tài khoản tiết kiệm gửi ngân hàng trong 12 tháng qua.

Trong số người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng trên toàn cầu, chỉ có 43% sử dụng tài khoản để tiết kiệm, 61% sử dụng chỉ để nhận lương từ chủ thuê lao động, chính phủ hoặc người thân làm việc ở nơi khác gửi về.

Hầu như rất ít người trưởng thành ở các nước đang phát triển sử dụng các sản phẩm tài chính chính thức để quản lý rủi ro.

Hơn 11% người trưởng thành ở các nước đang phát triển có nợ chưa trả do các nhu cầu y tế hoặc tình trạng khẩn cấp nhưng hơn 80% trong số này chỉ sử dụng nguồn tín dụng không chính thức./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục