Liên tục trong những ngày qua, ở các địa phương ven biển như Ninh Hải, Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, rộ lên tình trạng đánh bắt con Artemia, cách gọi của người dân địa phương là con "ạc," loại nhuyễn thể giàu dinh dưỡng được một số hộ dân đầu tư nuôi, dùng làm thức ăn cho loại ốc hương và tôm giống nuôi.
Việc nhiều người dân tự ý đổ xô đi vớt không những làm thất thoát tài sản của người nuôi, mà còn dẫn đến xung đột, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Tại cánh đồng muối của Xí nghiệp muối Tri Hải, thuộc địa bàn xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, ngày nào cũng thế, từ 15 giờ đến 18 giờ, rất đông người dân ồ ạt cầm vợt, xô xuống các ao tích nước biển đưa vào ruộng làm muối để vớt con "ạc" bán cho các chủ trại nuôi ốc hương, tôm giống, với giá 60.000 đồng/kg...
Trung bình mỗi lần, một người có thể vớt được từ 4kg đến 5kg con "ạc", có thu nhập từ 200.000 đến 300.000 đồng. Nhiều người dân ở thôn Phương Cựu 1 cho rằng, con "ạc" là loại nhuyễn thể sinh sôi tự nhiên, việc người dân đi vớt đem bán là lẽ thường tình, không gây ảnh hưởng đến ai.
Tuy nhiên, trên thực tế, người dân đã tự ý xâm phạm vào các ao nuôi của một số hộ dân để vớt "ạc" đem bán, bất chấp sự ngăn cản từ người nuôi.
Anh Trần Bá Hà (sinh 1984), ở thôn Phương Cựu 1, xã Phương Hải lo lắng nói: "Tôi là nhân viên bảo vệ của Xí nghiệp muối Tri Hải, thấy ao chứa nước biển đưa vào làm muối có khả năng nuôi con "ạc" nên tôi đã xin lãnh đạo xí nghiệp muối để nuôi. Xí nghiệp đã cho những người bảo vệ như chúng tôi hợp đồng ao nuôi trong vòng một năm với số tiền 80 triệu đồng/năm.
Gia đình tôi đã đầu tư gần 40 triệu đồng để làm, mua giống về nuôi. Tính từ ngày thả nuôi, cứ 5 ngày là tổ chức thu vớt bán. Tuy vậy qua hai vụ thả nuôi, gia đình chẳng thu hoạch được gì, bởi người dân địa phương đã ngang nhiên xuống ao vớt, bất chấp sự ngăn cản của chúng tôi."
Ông Đỗ Duy Hà - Trưởng Công an xã Phương Hải cho biết nghề vớt con "ạc" đã có khoảng 7 năm nay và là nghề của người dân nghèo tại địa phương.
Kể từ khi Xí nghiệp muối Tri Hải cho nhân viên hợp đồng nuôi, người dân đã không còn nơi đi vớt "ạc" mưu sinh nữa. Để có tiền chi tiêu gia đình, khi chiều về, nhiều người dân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em ở các thôn trong xã lại ra đồng muối cặm cụi tìm "ạc" vớt bán.
Trước đây, người dân chỉ đi vớt bên ngoài, nhưng do giá "ạc" tăng cao nên họ đã ồ ạt đi vớt, kể cả ở nơi đã được xí nghiệp cho hợp đồng nuôi. Vì lẽ đó, nhiều vụ xung đột, gây thương vong đã xảy ra giữa người dân với người nuôi.
Trao đổi với phóng viên, ngày 20/2, ông Trần Văn Đông - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Hải cho biết, để tránh tình trạng mất an ninh trật tự, huyện đã trực tiếp đến địa bàn chỉ đạo chính quyền xã Phương Hải phối hợp với công an huyện xuống tận các thôn để tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu, đồng thời yêu cầu các chủ nuôi "ạc" phải xây dựng hàng rào, tăng cường bảo vệ, xây dựng biển cấm đánh bắt tại vùng nuôi, tránh xảy ra tình trạng mất của, dẫn đến xung đột.
Lãnh đạo huyện Ninh Hải cũng đã yêu cầu các xí nghiệp muối đóng trên địa bàn cần có phương án cụ thể trong việc tổ chức hợp đồng giao cho hộ dân nuôi "ạc," nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Việc người dân ồ ạt đánh bắt, vớt con "ạc" để bán cho các trại nuôi tôm giống, ốc hương..., không chỉ diễn ra tại khu vực của Xí nghiệp muối Tri Hải, xã Phương Hải; Xí nghiệp muối Đầm Vua, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải mà còn diễn ra ở cả khu vực làm muối của một số địa phương ven biển của huyện Thuận Nam./.
Việc nhiều người dân tự ý đổ xô đi vớt không những làm thất thoát tài sản của người nuôi, mà còn dẫn đến xung đột, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Tại cánh đồng muối của Xí nghiệp muối Tri Hải, thuộc địa bàn xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, ngày nào cũng thế, từ 15 giờ đến 18 giờ, rất đông người dân ồ ạt cầm vợt, xô xuống các ao tích nước biển đưa vào ruộng làm muối để vớt con "ạc" bán cho các chủ trại nuôi ốc hương, tôm giống, với giá 60.000 đồng/kg...
Trung bình mỗi lần, một người có thể vớt được từ 4kg đến 5kg con "ạc", có thu nhập từ 200.000 đến 300.000 đồng. Nhiều người dân ở thôn Phương Cựu 1 cho rằng, con "ạc" là loại nhuyễn thể sinh sôi tự nhiên, việc người dân đi vớt đem bán là lẽ thường tình, không gây ảnh hưởng đến ai.
Tuy nhiên, trên thực tế, người dân đã tự ý xâm phạm vào các ao nuôi của một số hộ dân để vớt "ạc" đem bán, bất chấp sự ngăn cản từ người nuôi.
Anh Trần Bá Hà (sinh 1984), ở thôn Phương Cựu 1, xã Phương Hải lo lắng nói: "Tôi là nhân viên bảo vệ của Xí nghiệp muối Tri Hải, thấy ao chứa nước biển đưa vào làm muối có khả năng nuôi con "ạc" nên tôi đã xin lãnh đạo xí nghiệp muối để nuôi. Xí nghiệp đã cho những người bảo vệ như chúng tôi hợp đồng ao nuôi trong vòng một năm với số tiền 80 triệu đồng/năm.
Gia đình tôi đã đầu tư gần 40 triệu đồng để làm, mua giống về nuôi. Tính từ ngày thả nuôi, cứ 5 ngày là tổ chức thu vớt bán. Tuy vậy qua hai vụ thả nuôi, gia đình chẳng thu hoạch được gì, bởi người dân địa phương đã ngang nhiên xuống ao vớt, bất chấp sự ngăn cản của chúng tôi."
Ông Đỗ Duy Hà - Trưởng Công an xã Phương Hải cho biết nghề vớt con "ạc" đã có khoảng 7 năm nay và là nghề của người dân nghèo tại địa phương.
Kể từ khi Xí nghiệp muối Tri Hải cho nhân viên hợp đồng nuôi, người dân đã không còn nơi đi vớt "ạc" mưu sinh nữa. Để có tiền chi tiêu gia đình, khi chiều về, nhiều người dân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em ở các thôn trong xã lại ra đồng muối cặm cụi tìm "ạc" vớt bán.
Trước đây, người dân chỉ đi vớt bên ngoài, nhưng do giá "ạc" tăng cao nên họ đã ồ ạt đi vớt, kể cả ở nơi đã được xí nghiệp cho hợp đồng nuôi. Vì lẽ đó, nhiều vụ xung đột, gây thương vong đã xảy ra giữa người dân với người nuôi.
Trao đổi với phóng viên, ngày 20/2, ông Trần Văn Đông - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Hải cho biết, để tránh tình trạng mất an ninh trật tự, huyện đã trực tiếp đến địa bàn chỉ đạo chính quyền xã Phương Hải phối hợp với công an huyện xuống tận các thôn để tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu, đồng thời yêu cầu các chủ nuôi "ạc" phải xây dựng hàng rào, tăng cường bảo vệ, xây dựng biển cấm đánh bắt tại vùng nuôi, tránh xảy ra tình trạng mất của, dẫn đến xung đột.
Lãnh đạo huyện Ninh Hải cũng đã yêu cầu các xí nghiệp muối đóng trên địa bàn cần có phương án cụ thể trong việc tổ chức hợp đồng giao cho hộ dân nuôi "ạc," nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Việc người dân ồ ạt đánh bắt, vớt con "ạc" để bán cho các trại nuôi tôm giống, ốc hương..., không chỉ diễn ra tại khu vực của Xí nghiệp muối Tri Hải, xã Phương Hải; Xí nghiệp muối Đầm Vua, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải mà còn diễn ra ở cả khu vực làm muối của một số địa phương ven biển của huyện Thuận Nam./.
Công Thử (TTXVN)