Sáng 1/10, tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo giám sát về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.
Triển khai công tác giám sát, đánh giá toàn diện tình hình tái cơ cấu nền kinh tế sau 3 năm thực hiện, Đoàn giám sát đã tập hợp được bản báo cáo hết sức công phu lên tới 6.000 trang; đánh giá tổng thể kết quả đã đạt được và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tiếp theo đối với công tác tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát, thời gian qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, nhiều chính sách, văn bản về tái cơ cấu đầu tư công đã được ban hành, bước đầu góp phần khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, thất thoát, lãng phí trong phân bổ, bố trí nguồn vốn và nâng cao hiệu quả công tác đầu tư.
Cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước đang tiếp tục được hoàn thiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước. Sau hơn 2 năm triển khai, số lượng các ngân hàng thương mại yếu kém đã giảm, nợ xấu cơ bản được kiềm chế và bước đầu được xử lý. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng đã được nâng lên. An toàn hệ thống ngân hàng dần được cải thiện.
Tuy nhiên, hiện nay, quy định về đầu tư công tại một số văn bản, chính sách còn chồng chéo, gây khó khăn trong triển khai thi hành; việc triển khai có nơi còn thực hiện chưa nghiêm, chưa chấp hành đầy đủ về bố trí vốn. Tình trạng điều chỉnh quyết định đầu tư dự án còn diễn ra phổ biến, chưa khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản...
Báo cáo thêm tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đề nghị: qua kết quả giám sát, cần tiếp tục đề cao vai trò của lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty đối với nhiệm vụ triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn; trong đó, cần thực hiện đúng quy định doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán đúng thời gian niêm yết.
Giải trình thêm tại buổi làm việc liên quan đến công tác tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong giai đoạn hiện nay tương đối khó khăn do các yếu tố hội nhập quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Theo bà Hồng, trong nhiều năm trước, hệ thống các tổ chức tín dụng đã phát triển mạnh mẽ với nhiều ngân hàng được thành lập mới, kèm theo tăng trưởng tín dụng tăng mạnh, có thời điểm lên đến trên 30% trong thời gian dài dẫn đến nợ xấu ở mức cao.
Do đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định công việc này cần làm thường xuyên, lâu dài và phải tuyệt đối đảm bảo an toàn hệ thống. Song song với tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước tích cực xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp khác nhau, kiên quyết không dùng ngân sách.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phân tích, tái cơ cấu là đổi mới thể chế, vì vậy báo cáo giám sát cần đánh giá kỹ hiệu quả hoàn thiện về chính sách, đổi mới mô hình như việc thành lập VAMC, tái cơ cấu Vinalines, Vinashin.
Ngoài ra, Báo cáo giám sát cần đánh giá trách nhiệm cụ thể của từng cấp, ngành, cơ quan, các bộ, ngành, Chính phủ và cả Quốc hội để rút kinh nghiệm, hoàn thiện những mô hình đem lại hiệu quả thực chất hơn.
Đánh giá cao kết quả giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước góp ý: Báo cáo cần phân tích sâu thêm về nợ đọng xây dựng cơ bản, đầu tư công, trong đó có việc tập trung đầu tư vào các chương trình mục tiêu quốc gia bằng các nguồn ngân sách, trái phiếu và cả nguồn vốn xã hội. Cần đặt trọng điểm công tác tái cơ cấu trong vòng 5-10 năm tới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là Báo cáo Giám sát tối cao của Quốc hội vì vậy phải phân tích đầy đủ kết quả đạt được về tình hình tái cơ cấu, những mặt hạn chế và chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến các hạn chế này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Báo cáo cần đặt ra mục tiêu tái cơ cấu đến 2015 và những năm tiếp theo. Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế tổng thể gắn với xây dựng mô hình phát triển kinh tế thị trường bền vững, hiệu quả cao, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường./.