Đánh giá tiềm lực quân sự của Trung Quốc qua triển lãm hàng không

Theo đánh giá của AFP, Trung Quốc vẫn lạc hậu hơn so với Mỹ khi xét về đầu tư và công nghệ vũ khí, song giới chuyên gia nhấn mạnh quốc gia này đang thu hẹp khoảng cách.
Đánh giá tiềm lực quân sự của Trung Quốc qua triển lãm hàng không ảnh 1Mẫu FC-31 tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc. (Nguồn: Aviacionline)

Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 13 đã khai mạc ngày 28/9 ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, miền Nam nước này.

Cuộc triển lãm hàng không lớn nhất của Trung Quốc này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy mạnh các nỗ lực tới thời hạn 2035 là tái trang bị quân đội sẵn sàng cho chiến tranh hiện đại.

Theo đánh giá của AFP, Trung Quốc vẫn lạc hậu hơn so với Mỹ khi xét về đầu tư và công nghệ vũ khí, song giới chuyên gia nhấn mạnh quốc gia này đang thu hẹp khoảng cách.

Hệ thống phòng thủ trên biển quy mô

Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 28/9, Trung Quốc đã trưng bày một hệ thống phòng thủ trên biển tích hợp được sản xuất trong nước tại cuộc triển lãm. Các chuyên gia nhận định hệ thống này có thể đáp ứng một loạt những yêu cầu trong phòng thủ trên biển.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin từ đại diện Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) tại triển lãm cho biết đây là lần đầu tiên hệ thống này, bao gồm tên lửa YJ-18E mới nhất, được trưng bày trước công chúng.

Theo CASIC, hệ thống tên lửa YJ-18E sử dụng một cơ chế kết hợp năng lực tên lửa hành trình cận âm và siêu thanh, cho thấy những lợi thế ở cả hai mặt: tầm xa của các tên lửa cận âm và khả năng tấn công giai đoạn cuối của các tên lửa siêu thanh.

[Trung Quốc chuẩn bị ra mắt thủy phi cơ lớn nhất thế giới]

Tên lửa này có khả năng tấn công các con tàu cùng đội hình cỡ trung bình và cỡ lớn, với nguy cơ bị phát hiện thấp, đồng thời nó cũng có thể tấn công các con tàu nhỏ và những mục tiêu cố định trên mặt đất. Tên lửa có thể bay ở các độ cao cực thấp. Hệ thống dẫn đường cũng có thể được điều chỉnh cho phù hợp để thực hiện các cuộc tấn công chính xác chống lại nhiều mục tiêu trên biển hoặc trên đất liền, cũng như các vụ phóng từ các thiết bị cơ động và tàu thủy.

Hệ thống phòng thủ trên biển tích hợp bao gồm các tên lửa YJ-12E và CM-802B, cả hai loại tên lửa đều có thể được ứng dụng trên nhiều nền tảng. Tên lửa YJ-12E chủ yếu được sử dụng để tấn công các con tàu cỡ trung bình và cỡ lớn cũng như những mục tiêu có giá trị cao, trong khi tên lửa CM-802B có thể tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào những con tàu từ nhiều góc độ.

Bên cạnh đó còn phải kể đến các tên lửa như CM-708UNB và CM-103. CM-708UNB là tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm trong khi hệ thống tên lửa CM-103 có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau thông qua việc thay đổi các thiết bị tìm kiếm khác nhau.

Nhà cung cấp tiềm năng?

CH-6, một mẫu máy bay không người lái với sải cánh dài 20,5 mét, là một trong số các vũ khí nội địa được công bố tại triển lãm lần này. Theo hãng tình báo nguồn mở Janes, đây là mẫu máy bay do thám và cũng có thể mang vũ khí để tấn công.

Cầm Vĩnh Minh, Tổng giám đốc hãng sản xuất máy bay không người lái Aerospace CH UAV nói với phóng viên AFP: “Máy bay không người lái bay hoạt động ở độ cao 10.000 mét, nhưng nó có thể bay cao tới 15.000 mét… Thời gian bay cũng dài hơn (so với các mẫu trước đó)... nó có thể thực hiện những nhiệm vụ trong thời gian dài hơn, với hiệu quả cao hơn mà không có bất kỳ giới hạn thời gian nào."

Một số vũ khí mới được giới thiệu lần này còn có máy bay không người lái tầm cao WZ-7 phục vụ trinh sát biên giới và tuần tra hàng hải, cũng như máy bay chiến đấu J-16D có khả năng gây nhiễu thiết bị điện tử. Truyền thông nhà nước cho biết cả hai loại vũ khí này đều đã được phiên chế cho lực lượng không quân Trung Quốc.

Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình nói: “Các vũ khí này sẽ đóng vai trò quan trọng ở cả Eo biển Đài Loan và Biển Đông."

Nhà phân tích của Janes Kelvin Wong cho rằng Trung Quốc “rõ ràng đang thể hiện họ có thể là nhà cung cấp tiềm năng” các loại thiết bị bay không người lái với giá thành tương đối dễ chịu. Trong khi đó, Mỹ và các nước châu Âu lại tỏ ra chần chừ trong việc cung cấp những thiết bị này ngoài phạm vi một nhóm các đối tác có chọn lọc.

Máy bay không người lái của Trung Quốc đã tham gia tác chiến tại Trung Đông và được bán cho các khách hàng ở nhiều khu vực khác.

James Char, một chuyên gia quân sự Trung Quốc làm việc tại Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, cho rằng nhìn từ buổi triển lãm, có thể thấy mẫu J-16D đã cải thiện đáng kể năng lực tác chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Phần đầu cánh có một cụm thiết bị tác chiến điện tử được thiết kế để gây nhiễu các thiết bị điện từ, và được so sánh với mẫu máy bay EA-18G Growler do Mỹ sản xuất.

Ông Char nói: “Điều này mang lại lợi thế cho quân đội Trung Quốc khi tác chiến điện tử trên không trước các mục tiêu có năng lực phòng không."

Lời khẳng định “tự lực tự cường”

Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 28/9, trong ngày khai mạc Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 13 đã diễn ra nhiều màn trình diễn trên không rực rỡ, nổi bật là hai chiếc máy bay chiến đấu tàng hình J-20 lần đầu ra mắt với động cơ sản xuất trong nước.

Đại tá Lý Cát Khoan, chỉ huy màn bay trình diễn của các máy bay J-20, cho biết trong cuộc họp báo cùng ngày tại triển lãm rằng các động tác nhào lộn trên không mà J-20 thực hiện lần này thể hiện hiệu suất vượt trội của máy bay ở độ cao thấp và tốc độ cao, thực hiện những cú xoay khó và dưới những góc bay lớn.

Đại tá Lý Cát Khoan nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên J-20 trình diễn trước công chúng sau khi nó được lắp động cơ sản xuất trong nước".

Ông Tống Trung Bình cho rằng việc chuyển sang sử dụng động cơ Trung Quốc có nghĩa là J-20 hiện được sản xuất hoàn toàn trong nước. Điều này sẽ góp phần đáng kể vào việc sản xuất hàng loạt và nâng cao hiệu suất của loại máy bay này.

Dương Vĩ, nhà thiết kế chính của J-20, cũng cho biết trong một cuộc họp báo ngày 28/9 rằng màn trình diễn bay cùng ngày chỉ là một "màn trình diễn khiêm tốn" vì những chiếc J-20 đã không thể hiện hết khả năng của chúng.

Tuy nhiên, Trương Học Phong, một chuyên gia quân sự Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng hai chiếc J-20 đã trình diễn một số thao tác thực tiễn nhất trong các tình huống chiến đấu thực tế, vì những động tác này sẽ cho phép máy bay khóa mục tiêu tốt hơn bằng các tên lửa.

Chuyên gia Trương Học Phong nhấn mạnh các động cơ sản xuất trong nước có thể tạo lực đẩy mạnh hơn cho J-20, giúp máy bay này cơ động trong chiến đấu và cả trong hành trình siêu thanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục