Đánh giá 'tiến triển kép' trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ

Quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn đang "trở lại quỹ đạo bình thường" trong bối cảnh chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden đang đảo ngược các chính sách liên quan của chính quyền ông Donald Trump.
Đánh giá 'tiến triển kép' trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ ảnh 1Binh sỹ Hàn Quốc và Mỹ tham gia một cuộc tập trận chung tại Pocheon, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 65km về phía đông bắc, ngày 26/4/2017. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo trang tin Asia Times, ngày 8/3, Mỹ và Hàn Quốc đã khởi động cuộc tập trận chung mùa Xuân chỉ vài giờ sau khi hai nước công bố đạt được nhất trí trên mặt nguyên tắc một thỏa thuận mới về chia sẻ chi phí cho lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK), vốn từng bị trì hoãn từ lâu.

Diễn biến “kép” này là tín hiệu cho thấy quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn đang "trở lại quỹ đạo bình thường" trong bối cảnh chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden đang đảo ngược các chính sách liên quan của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Trước đó, cựu Tổng thống Trump đã tạm dừng một số cuộc tập trận vì lý do chi phí và nhằm để ngỏ không gian đối thoại với Triều Tiên - quốc gia thường có hành vi "lên án" các cuộc tập trận chung.

[Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết hỗ trợ về an ninh đối với Hàn Quốc]

Hơn nữa, các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí đã bị đóng băng trong hơn một năm qua sau khi chính quyền ông Trump yêu cầu Seoul tăng đáng kể đóng góp chi phí cho USFK trong năm 2020.

Câu hỏi đặt ra là liệu Triều Tiên sẽ phản ứng như thế nào đối với cuộc tập trận trên.

Một số chuyên gia tin rằng một chế độ đang bị "bủa vây" bởi hàng loạt vấn đề nội bộ sẽ không chủ động làm chính quyền mới của Mỹ phải phẫn nộ.

Một câu hỏi khác là liệu các vấn đề song phương có quy mô lớn hơn, liên quan đến lập trường của Seoul đối với cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, có được quản lý một cách khéo léo giống như thành quả của các động thái quân sự mới đây hay không.

Tập trận trở lại

Cuộc tập trận chung năm nay được giới hạn trong phạm vi huấn luyện Bộ Chỉ huy hỗn hợp (CCPT) mô phỏng trên máy tính, dự kiến kéo dài tới ngày 18/3, trong đó "giảm tối đa quân số" và không tiến hành tập trận "trên thực địa."

Tập trận chung mùa Xuân là cuộc diễn tập lớn nhất hàng năm do quân đội Mỹ và Hàn Quốc tiến hành trên bán đảo Triều Tiên, các cuộc tập trận nhỏ hơn diễn ra trong suốt thời gian còn lại của năm.

Tập trận diễn ra dưới hai hình thức: mô phỏng trên máy tính và trực tiếp trên thực địa với sự tham gia của các lực lượng không quân, hải quân và lục quân.

Triều Tiên luôn cáo buộc các cuộc tập trận là hành vi diễn tập chuẩn bị xâm lược. Do đó, các cuộc tập trận và phản ứng của Triều Tiên luôn đẩy khu vực vào tình trạng gia tăng căng thẳng.

Theo thông lệ, cuộc tập trận mùa Xuân được tổ chức hàng năm, nhưng đã không diễn ra trong 2 năm gần đây để tránh ảnh hưởng tiêu cực tới diễn biến đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều năm 2019 và cũng vì diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 năm 2020.

Việc không tổ chức tập trận đã làm dấy lên sự chỉ trích trong giới bảo thủ và một số sỹ quan quân đội đã nghỉ hưu ở cả hai bờ Thái Bình Dương do lo ngại rằng điều này có thể làm suy yếu khả năng hiệp đồng tác chiến.

Nhấn mạnh tính chất "tối giản" của các cuộc tập trận năm nay về cả quy mô và số lượng binh sỹ, Seoul đã công khai kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-joo kêu gọi "Triều Tiên thể hiện một cách tiếp cận khôn ngoan và linh hoạt."

Vấn đề hiện nay là liệu Triều Tiên sẽ đáp trả bằng một động thái khiêu khích quân sự như phóng thử tên lửa hay sẽ tung ra các "đòn" khoa trương thực lực.

Trong bối cảnh chính quyền Biden đang đánh giá lại chính sách đối với các vấn đề Triều Tiên, quá trình này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 6 và với một loạt các vấn đề nội bộ cần phải giải quyết, các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ giữ im lặng.

Dan Pinkston, chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Troy có trụ sở tại Seoul, nói với Asia Times: "Nếu tôi là thành viên trong Bộ Chính trị của Bình Nhưỡng, khi thức dậy vào mỗi buổi sáng, điều đầu tiên tôi quan tâm không phải là những gì Joe Biden đang làm, mà là những thách thức do dịch COVID-19 đặt ra, các lệnh trừng phạt kinh tế và tình trạng kinh tế kiệt quệ hiện nay. Tôi không nghĩ rằng Triều Tiên đang tìm kiếm một rắc rối nào từ bên ngoài mà lẽ ra có thể tránh được. Tôi cho rằng họ quan tâm hơn đến tình trạng thiếu ngoại hối, lương thực và nhiên liệu."

Thiết lập lại liên minh

Mỹ và Hàn Quốc cũng thông báo rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc chia sẻ chi phí cho 28.500 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc, chấm dứt cuộc đàm phán bế tắc kéo dài hơn một năm qua.

Thỏa thuận là kết quả của ba ngày thảo luận trực tiếp tại Washington. Theo đó, Hàn Quốc đồng ý gia tăng phần đóng góp chia sẻ chi phí cho USFK.

Chi tiết về khoản đóng góp của Hàn Quốc không được tiết lộ, song sẽ sớm được công bố vì thỏa thuận mới sẽ phải trình quốc hội thông qua.

Đây có thể chỉ là bước đi thủ tục vì đảng Dân chủ của Tổng thống Moon Jae-in hiện chiếm đa số tuyệt đối trong quốc hội.

Thỏa thuận này dường như đã chấm dứt một giai đoạn không mấy dễ chịu đối với một liên minh có lịch sử hình thành từ năm 1953, khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc.

Trước đó, chính quyền ông  Trump cho rằng các đồng minh của Mỹ đã không đóng góp đủ phần chi phí của chính họ và yêu cầu gia tăng đột ngột khoản chi này vào năm 2019 (mà trước đây chưa đến 1 tỷ USD).

Báo cáo từ các nguồn tin chưa được xác nhận của Mỹ cho rằng ông Trump yêu cầu chi phí cho năm 2020 cao gấp 5 lần so với năm trước đó. Các cuộc đàm phán đã không đi tới hồi kết trong hơn một năm qua.

Sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, việc hai bên đạt được thỏa thuận về chia sẻ chi phí quân sự là điều có thể dự đoán từ trước.

James Kim, nhà quan sát chính trị từ Viện nghiên cứu chính sách ASAN có trụ sở tại Seoul, cho biết: "Tôi nghĩ rằng không có gì đáng ngạc nhiên bởi những tuyên bố của Tổng thống Biden đã cho thấy ông coi trọng và mong muốn thúc đẩy mối quan hệ song phương."

Nhật Bản và Mỹ trước đó đã đồng ý gia hạn một năm đối với thỏa thuận hiện có về hỗ trợ tài chính cho 37.000 binh sỹ Mỹ đồn trú trên lãnh thổ nước này. Theo đó, Tokyo đồng ý chi 1,86 tỷ USD trong năm 2021.

Triển vọng khó khăn

Nhưng ngay cả khi các vấn đề quân sự cấp bách đã được giải quyết, vẫn còn những trở ngại khác trên con đường xây dựng mối quan hệ nồng ấm giữa Seoul và Washington.

Bất chấp lo ngại về các hành vi và chính sách không chính thống của Trump đối với các đồng minh, với mong muốn tìm cách cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng, Moon Jae-in vẫn ủng hộ mạnh mẽ đường lối ngoại giao thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ của cựu Tổng thống Mỹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Biden có thể gặp nhà lãnh dạo Kim bằng cách nào và trong hoàn cảnh nào.

Sau khi chính quyền mới đã định hình chính sách với Triều Tiên, một câu hỏi nữa được đặt ra là liệu Washington có sẵn sàng đáp ứng mong mỏi của Moon Jae-in về việc tham gia các hoạt động kinh tế ở khu vực phi quân sự hay không, bởi lẽ điều này đòi hỏi miễn trừ một phần các lệnh trừng phạt.

Một vấn đề nữa là lập trường quá thận trọng của Seoul đối với Bắc Kinh.

Chuyên gia Kim nhận định: "Một vấn đề khác mà Mỹ quan tâm trên mặt trận ngoại giao là yêu cầu Hàn Quốc có lập trường rõ ràng hơn trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Nhật Bản đã phần nào làm được như vậy."

Cả Seoul và Tokyo đều là đồng minh an ninh của Washington và cả hai đều có quan hệ kinh tế ràng buộc với Bắc Kinh - đối tác thương mại hàng đầu của hai nước.

Tuy nhiên, Tokyo đã lên tiếng về vấn đề nhân quyền với Bắc Kinh và phản đối các động thái xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông. Ngược lại, Seoul vẫn kín tiếng hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục