Đánh giá truyền hình: Cần một "thang thước" chuẩn

Muốn phát triển, truyền hình cần đánh giá chất lượng một cách sát đúng. Nhưng thang thước nào để đánh giá đang là băn khoăn chung.
Nằm trong khuôn khổ của Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 31, chiều 19/12, hội thảo Đánh giá và quản lý chất lượng chương trình truyền hình đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Từ đây, những người làm truyền hình cần có một cái nhìn nghiêm túc về hướng phát triển truyền hình Việt Nam trong tương lai gần.

Đánh giá chất lượng gặp nhiều khó khăn

Theo nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng Ban thanh thiếu niên, Đài Truyền hình Việt Nam, đơn vị chủ trì tổ chức hội thảo, hiện nay việc đánh giá chất lượng các chương trình truyền hình gặp rất nhiều khó khăn do chưa có tiêu chí hay hệ thống đánh giá chuyên nghiệp.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình và tiêu chí nào để đánh giá và quản lý chất lượng một chương trình nhằm hạn chế những nhận xét thiếu khách quan và thiên về cảm tính là mục đích của chương trình hội thảo.

Nhà báo Nguyễn Thu Hà, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, hiện nay để đánh giá chương trình truyền hình một cách khoa học, khách quan và chính xác, thông thường người ta sử dụng các phương pháp đánh giá truyền thông như đo rating (tỷ lệ người xem), focused group (nhóm khán giả mục tiêu) hay điều tra khán giả.

Tuy nhiên, những phương pháp này không phải thực hiện hàng ngày và thường do một đơn vị làm dịch vụ chuyên nghiệp thực hiện. Riêng với tin tức thời sự thường được đánh giá theo các tiêu chí như: tính thời sự, liên quan đến lợi ích đông đảo của người dân, tính địa phương, yếu tố hình ảnh, yếu tố lạ, tính nhân văn và đúng định hướng.

Với chủ đề này, hội thảo đã phân tích những khó khăn trong việc đánh giá và quản lý chất lượng chương trình truyền hình, ghi nhận thực tế đánh giá và quản lý chất lượng các chương trình giải trí và nghệ thuật; đánh giá và quản lý chất lượng các chương trình tin tức, bình luận thời sự hiện nay; tham khảo kinh nghiệm của Đài NHK, Nhật Bản và bộ quản trị chất lượng ISAS BCP 9001 cho các doanh nghiệp truyền thông trong lĩnh vực đánh giá và quản lý chất lượng chương trình truyền hình.

Kinh nghiệm từ chuyên gia nước ngoài


Đến từ Ban chương trình, Đài Truyền hình Nhật Bản, NHK, bà Nobuko Shiraishi đã chia sẻ một số kinh nghiệm mà Đài NHK đã thực hiện trong những năm qua để đo lường tác động của một chương trình truyền hình tới khán giả.

Theo đó, đài NKH có rất nhiều phương tiện để điều tra phản ứng của khán giả như đo rating (tỷ lệ người xem), tổ chức các nhóm để thăm dò ý kiến khán giả, thu thập ý kiến người xem qua tổng đài, qua trang web...

Từ các phương tiện này, đài NHK không chỉ có những số liệu định lượng về lượng người xem, khung giờ vàng, nhóm tuổi, giới tính, vị trí địa lý của khán giả mà còn có những dữ liệu định tính như ấn tượng, tỷ lệ hài lòng, tình cảm... của khán giả của với chương trình. Các chương trình được đánh giá hết sức khách quan qua đánh giá của khán giả theo từng tiêu chí như tính thời sự, cách thể hiện, chủ đề, tính thiết thực...

Các số liệu này được cập nhật theo từng quý và được chuyển ngay tới những nhóm sản xuất và những người làm công tác sắp xếp lịch phát sóng nhằm có những thay đổi kịp thời. “Là đài truyền hình công, chúng tôi cố gắng đến được với càng nhiều khán giả càng tốt trong khi vẫn đảm bảo nhu cầu và độ hài lòng của người xem”, bà Nobuko Shiraishi cho biết.

Trong khi đó, trình bày về vấn đề quản lý chất lượng các chương trình truyền hình, thạc sỹ David Balme, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Challenge Optimum, Thụy Sỹ, chuyên gia về kiểm soát chất lượng cho biết, trong bối cảnh truyền thông thế giới đang bị suy giảm niềm tin, nhiều cơ quan và doanh nghiệp truyền thông đã tìm đến bộ quản trị chất lượng ISAS BCP 9001 như một cam kết về chất lượng và một cách để lấy lại lòng tin của khán giả.

“ISAS BCP 9001 trong truyền thông giống như hệ thống ISO ở các ngành công nghiệp khác, bao gồm một tập hợp các tiêu chuẩn để xây dựng chật lượng và hiệu quả trong việc quản trị chất lượng bên trong một doanh nghiệp truyền thông. Hiện nay trên thế giới đang có 50 tổ chức truyền thông áp dụng bộ tiêu chuẩn này trong đó có các Đài truyền hình ở Đông Nam Á như TransTV Jakarta. Những lợi ích từ ISAS BCP 9001 giúp các doanh nghiệp truyền thông kiểm soát tốt hơn hoạt động của mình”, ông David Balme nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận hội thảo, nhà báo Tạ Bích Loan khẳng định, việc ứng dụng phương pháp điều tra và quản lý chất lượng nào còn phụ thuộc vào điều kiện của các Đài truyền hình. “Tuy nhiên, vấn đề là sau cuộc hội thảo này, các đài truyền hình có ngồi lại với nhau, suy nghĩ và hành động hay không. Đây mới thực sự là điều quan trọng vì đánh giá và nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình cần được tạo thành một thói quen”, bà Tạ Bích Loan nhấn mạnh.

Như vậy, vấn đề không chỉ từ một hội thảo mà sau đó các đài cùng nhận thức về nỗi lo trước đòi hỏi, thách thức. Các đài thực ra đang chung một băn khoăn cho phát triển. Vậy phải tìm thang thước đánh giá để nâng cao chất lượng truyền hình. Có vậy, mới mong ngành truyền hình Việt Nam tiến bộ nhanh để có thể sánh cùng bạn bè quốc tế ./.
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục