Nhiều người trong chúng ta sử dụng mạng xã hội hàng ngày - chúng ta kiểm tra Facebook để xem những gì bạn bè đăng lên, hoặc di chuyển qua Instagram để xem họ ăn trưa với những món ăn gì.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy người trẻ dành ngày càng nhiều thời gian cho việc sử dụng mạng xã hội, thì nguy cơ họ bị cô lập về mặt xã hội càng cao.
[Nghiên cứu gây sốc: Facebook đang khiến con người trở nên đố kỵ]
Theo một bài báo mới đăng trên Tạp chí Y học Dự phòng Mỹ (American Journal of Preventative Medicine), những người đăng nhập vào các mạng xã hội hơn hai giờ mỗi ngày có khả năng bị cô lập với xã hội gấp đôi so với những người chỉ truy cập dưới 30 phút.
Cuộc nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh, với sự tham gia của 1.787 người trưởng thành ở Mỹ từ 19 đến 32 tuổi. Họ được hỏi về thời gian và tần suất dành cho 11 trang truyền thông xã hội phổ biến: Facebook, YouTube, Twitter, Google Plus, Instagram, Snapchat , Reddit, Tumblr, Pinterest, Vine và LinkedIn.
Để đo sự cô lập với xã hội của họ, các nhà khoa học đã sử dụng một công cụ được gọi là Hệ thống thông tin Đo lường kết quả Bệnh nhân (PROMIS), giúp mọi người tham gia khảo sát báo cáo các chức năng, triệu chứng, hành vi và cảm xúc của chính họ.
Nhìn chung, những người đăng nhập thường xuyên vào mạng xã hội báo cáo rằng họ có cảm giác bị suy giảm về mặt tiếp xúc xã hội, giảm sự tương tác với người khác, và các mối quan hệ kém hoàn thiện hơn.
Những người tham gia đã truy cập vào các kênh truyền thông xã hội khác nhau 58 lần trở lên mỗi tuần có tỷ lệ cảm giác bị cô lập về mặt xã hội gấp khoảng ba lần so với những người truy cập ít hơn 9 lần mỗi tuần.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều lý do để giải thích lý do khiến xảy ra hiện tượng trên. Dành nhiều giờ truy cập mạng xã hội mỗi ngày chắc chắn sẽ để lại ít thời gian hơn để chúng ta nói chuyện với những người khác trong thế giới thực. Ngoài ra, việc nhìn thấy bạn bè đang tìm kiếm hạnh phúc hoặc chia sẻ thành công cá nhân có thể khiến bạn cảm thấy ghen tị. Bên cạnh đó, trong thực tế, nhiều người trong chúng ta chỉ đăng những trải nghiệm tích cực trên truyền thông xã hội, nó cho thấy một cái nhìn méo mó về cuộc sống thực.
Tiến sỹ Brian A. Primack, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phương tiện truyền thông, Công nghệ and Sức khỏe của Bệnh viện Nhi Pittsburgh (Pennsylvania, Mỹ), và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết vấn đề này rất quan trọng để nghiên cứu các vấn đề về sức khỏe tâm thần và cô lập với xã hội đang rất phổ biến ở trẻ vị thành niên.
"Chúng ta vốn là những sinh vật xã hội, nhưng cuộc sống hiện đại có xu hướng chia nhỏ chúng ta thay vì đưa chúng ta lại với nhau," ông nói. "Mặc dù dường như truyền thông xã hội mang lại cơ hội để lấp đầy khoảng trống xã hội đó, nhưng tôi nghĩ rằng nghiên cứu này cho thấy nó không phải là giải pháp mà mọi người mong đợi"./.