Dấu ấn hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều trong lịch sử châu Á

Tờ Straitstimes mới đây đăng bài của Giáo sư Huge White, Đại học quốc gia Australia, bình luận về những dấu ấn lịch sử của hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim.
Dấu ấn hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều trong lịch sử châu Á ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp ở Singapore ngày 12/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ Straitstimes mới đây đăng bài của Giáo sư Huge White, Đại học quốc gia Australia bình luận về những dấu ấn lịch sử của hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim.

Nội dung cụ thể như sau:

Lịch sử sẽ nhìn lại hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6/2018 như thế nào? Liệu nó có xứng đáng có một chương riêng trong lịch sử của châu Á thế kỷ thứ 21?

Không dễ để trả lời câu hỏi trên. Hội nghị này có thể nói là cuộc gặp “kỳ lạ” nhất giữa hai nhà lãnh đạo quốc gia kể từ thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gặp Mikhail Gorbachev vào năm 1986, khi hai bên đối đầu trong Chiến tranh Lạnh bất thình lình đồng ý gặp nhau và từ bỏ vũ khí hạt nhân, làm chấn động cả thế giới lúc bấy giờ.

[Mỹ, Triều Tiên thúc đẩy hiện thực hóa kết quả cuộc gặp cấp cao]

Kể từ thời đó chúng ta cũng chưa bao giờ chứng kiến việc một cuộc gặp cấp cao liên quan đến những vấn đề cực kỳ quan trọng của thế giới lại diễn ra theo một cách tự do và ngẫu hứng đến như vậy. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của nó không phải ở việc phân tích ngôn ngữ cơ thể, các thông tin hay lời nói được phát biểu.

Bối cảnh tổng quát

Chúng ta phải nhìn rộng ra hơn nữa vì bối cảnh đóng vai trò hết sức quan trọng trong ngoại giao. Bối cảnh diễn ra trước và sau hội nghị tại Singapore cũng rất lạ lùng giống như cách mà hội nghị này diễn ra.

Ông Trump đến Singapore sau khi bỏ giữa chừng cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7), khi thương mại và các vấn đề khác giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây truyền thống và Nhật Bản đã gây nên những chia rẽ hết sức rõ ràng.

Đây là thời điểm vài tuần sau khi ông Trump đã lên tiếng thách thức các đồng minh và chỉ trích chính sách ngoại giao của ông Obama, khi quyết định rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran.

Ngay sau khi trở về Mỹ từ Singapore, ông Trump đã ngay lập tức bắt đầu leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Những cuộc tranh luận kéo dài nhiều tháng qua có vẻ như đã trở thành một cuộc chiến thương mại thực sự giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với những hậu quả không thể lường trước được.

Ngay lúc đó, Nhà Trắng lại bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh khác, lần này là với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong khi đó, tại Mỹ, dường như việc phản đối chính sách và kiểu điều hành bất ổn của Chính phủ Trump đã lên tới đỉnh điểm khi lo ngại về việc đối xử với trẻ em tại biên giới Mỹ đã buộc Donald Trump phải lùi một bước.

Tất cả những diễn biến này đang diễn ra tại thời điểm nước Mỹ đang sắp tiến hành cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới khi mà cử tri Mỹ sẽ lần đầu tiên đưa ra đánh giá chính thức về cách điều hành chính phủ của ông Trump, người mà không ai nghĩ sẽ trúng cử vào tháng 11/2016. Đảng Cộng hoà của ông Trump đang đứng trước nguy cơ sẽ mất quyền kiểm soát ở Quốc hội.

Do đó chúng ta phải nhìn nhận kết quả của cuộc gặp tại Singapore trong bối cảnh rộng hơn về việc ông Trump đang đưa Mỹ theo hướng nào, với tư cách là một cường quốc cùng với vai trò chiến lược của Mỹ tại châu Á. Tất cả những điều này đang thực sự bị đe dọa.

Viễn cảnh tốt và xấu

Trong một vài tháng tới, chúng ta có thể dự tính một kịch bản tốt và xấu. Kịch bản tốt là nếu tất cả theo tính toán của ông Trump thì Triều Tiên sẽ cam kết giảm và loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và các cuộc đàm phán sẽ phải giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng được hưởng gì từ việc này.

Bắc Kinh đang thực sự bị đe dọa bởi chính sách thuế quan của ông Trump và sẽ phải có những hành động đáng kể để đáp lại những lo ngại của Washington như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, Iran nhiều khả năng sẽ phải từ bỏ việc có thể trở thành bá chủ tại khu vực Trung Đông. Các đồng minh của Mỹ tại châu Âu và NAFTA cuối cùng có thể sẽ phải thừa nhận những chỉ trích của ông Trump về chính sách an ninh và thương mại là chính đáng và sẽ phải nhượng bộ.

Ông Trump có thể sẽ thành công trong việc thuyết phục ông Putin không nên thách thức tình hình tại châu Âu. Và chính sách hạn chế người nhập cư rất khắc nghiệt của nước Mỹ cuối cùng đã có thể ngăn chặn việc nhập cư bất hợp pháp tại đất nước này.

Nhưng một kịch bản xấu cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Cuộc khủng hoảng niềm tin tại Mỹ về vấn đề nhập cư sẽ trở nên sâu sắc hơn. Ông Putin sẽ ngày càng gây áp lực lên các nước lân cận.

Các đối tác thương mại của Mỹ tại Bắc Mỹ và châu Âu sẽ thách thức các áp lực mà ông Trump đưa ra về thương mại và sẽ không còn đi theo sự dẫn dắt của Mỹ liên quan tới các vấn đề an ninh. Iran sẽ củng cố vị trí tại Trung Đông.

Bắc Kinh sẽ đáp trả lại từng bước đối với Washington trong một cuộc chiến thương mại leo thang và làm cho kinh tế của hai cường quốc và toàn cầu thụt lùi. Triều Tiên thì cũng tỏ rõ rằng trên thực tế nước này chưa bao giờ có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Không khó để có thể nhìn ra rằng kịch bản nào sẽ đúng hơn với tình hình thực tế trong một vài tháng tới. Rất có thể kế hoạch của ông Trump và Mỹ sẽ đi chệch hướng, trong đó bao gồm cả kế hoạch liên quan tới Triều Tiên. Hãy nhìn tình hình sau cuộc gặp với Kim.

Những người ủng hộ ông Trump đánh giá cao nỗ lực tiếp cận với một nước đối địch, nhưng việc tuyên bố cuộc gặp này đã đạt được nhiều thành tựu là quá sớm, và việc phải nhượng bộ đáng kể cũng sẽ làm cho việc duy trì áp lực lên Bình Nhưỡng trong thời gian tới là rất khó khăn.

Chưa bao giờ có khả năng là ông Kim sẽ hoàn toàn tháo dỡ và từ bỏ các chương trình hạt nhân và vũ khí tên lửa vì chúng quá quan trọng đối với an ninh và vị thế của Triều Tiên, và thực tế chính chúng mới là lý do ông Kim đã có một cuộc gặp với ông Trump.

Kể từ cuộc gặp, ông Kim sẽ có nhiều tự tin để kết hợp giữa chiến thuật trì hoãn nhằm đánh lạc hướng áp lực quốc tế trong khi vẫn có thể hưởng lợi từ các hỗ trợ kinh tế và duy trì chương trình hạt nhân.

Điều này sẽ có hậu quả khôn lường đối với vị thế của Mỹ tại châu Á. Hàn Quốc, mặc dù rất mong muốn xây dựng đà quan hệ với Triều Tiên, sẽ vẫn phải học cách sinh sống với một nước láng giềng luôn trang bị vũ khí hạt nhân.

Điều này có nghĩa là Hàn Quốc cũng sẽ phải hướng về Bắc Kinh để nhận sự bảo trợ trong việc đối đầu với Triều Tiên hoặc buộc phải xây dựng lực lượng hạt nhân của riêng mình. Cách nào đi chăng nữa thì vai trò của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên cũng sẽ bị giảm sút kể cả khi Mỹ không rút quân khỏi đây.

Tác động đối với Nhật Bản còn lớn hơn vì liên minh Mỹ-Nhật là một nền tảng không thể thay thế được đối với ví trí chiến lược của Mỹ tại châu Á.

Tokyo rõ ràng là tỏ ra kinh ngạc khi ông Trump sẵn sàng bỏ cuộc tập trận với Hàn Quốc và bị làm bẽ mặt bởi việc ông Trump từ chối đưa vấn đề công dân của Nhật Bản bị Triều Tiên giam giữ hàng thập kỷ ra bàn thảo trong cuộc gặp với ông Kim.

Niềm tin của Nhật Bản vào Mỹ như là một người giám hộ an ninh đã bị đặt dưới áp lực nhiều năm qua, và những gì ông Trump thể hiện tại Singapore đã làm dấy lên thêm nhiều nghi ngờ từ phía Nhật Bản trong việc có thể dựa vào Mỹ trong các tính toán chiến lược.

Và dĩ nhiên tất cả những điều này đều là tin tốt lành cho Trung Quốc trong việc làm lung lay vị thế của Mỹ tại châu Á. Bất cứ điều gì có lợi cho Trung Quốc trong ván bài ngoại giao tại châu Á cũng đều không có lợi cho Mỹ.

Dù viễn cảnh nào xảy ra, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng hội nghị tại Singapore sẽ vẫn còn được nhắc đến trong nhiều năm nữa, như là một dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử châu Á thế kỷ thứ 21./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục