Đâu là điểm nhấn trong lịch sử của những năm 2010-2019?

Một thập kỷ đang kết thúc. Mười năm đầy biến động sẽ đi vào những cuốn sách lịch sử với những cố gắng lý giải về những nguyên nhân và hậu quả.
Đâu là điểm nhấn trong lịch sử của những năm 2010-2019? ảnh 1Người biểu tình dựng vật cản và đốt phá trên đường phố, làm tê liệt hệ thống giao thông tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 11/11/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Từ "Mùa xuân Arab" đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc), thập kỷ 2010-2019 được đánh dấu bằng sự tăng tốc của các phong trào xã hội, sau khi đã vượt qua khỏi làn sóng chấn động của cuộc khủng hoảng tài chính trước đó. Đây là phân tích của tờ Les Echos.

Một thập kỷ đang kết thúc. Mười năm đầy biến động sẽ đi vào những cuốn sách lịch sử với những cố gắng lý giải về những nguyên nhân và hậu quả.

Trên dòng thời gian sẽ bao gồm các cuộc khủng hoảng - của khu vực sử dụng đồng euro, về làn sóng di cư - và các phong trào xã hội - từ "Mùa xuân Arab" và "Chiếm phố Wall," đến các cuộc biểu tình gần đây ở Hong Kong và Algeria, cũng như của học sinh, sinh viên toàn thế giới vì khí hậu.

[Mùa Xuân Arab năm nay không còn giống năm xưa]

Bên cạnh đó là những cuộc chiến chưa có dấu hiệu kết thúc như xung đột Syria, các cuộc tấn công khủng bố nhất là tại châu Âu, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và một số cú sốc trong bầu cử như việc Anh rời Liên minh châu Âu hay chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vậy đâu là điểm nhấn trong lịch sử của những năm 2010-2019?

Sự tăng tốc của các phong trào xã hội là điểm nhấn quan trọng trong lịch sử của những năm 2010-2019, bà Danielle Tartakowsky, giáo sư lịch sử đương đại tại trường đại học Paris 8 nhận định.

Mỗi phong trào đều gây ngạc nhiên với những đặc điểm "khác biệt và chưa từng có trước đây", nhưng không phong trào nào đủ sức kéo dài hoặc góp phần tạo ra một loại "thỏa hiệp xã hội mới," nhà sử học lưu ý.

Số lượng nhiều, phương cách hoạt động sáng tạo nhưng lại không bền vững. "Các phong trào xã hội này xuất phát từ những vấn đề tương tự nhưng không có bất kỳ yếu tố kết nối nào," bà Danielle Tartakowsky nhận xét.

Những vấn đề đó là sự mất lòng tin đối với bộ máy điều hành, sự bất bình đẳng, sự xuống cấp của các hình thức bảo vệ xã hội…

Đối với ông Pierre Dockès, chuyên gia về lịch sử tư tưởng kinh tế, sự bần cùng hóa của tầng lớp trung lưu và người lao động là động lực của các phong trào này.

"Khi cuộc khủng hoảng tài chính kết thúc vào cuối thập kỷ trước, người ta đã nhận ra cuộc khủng hoảng tiềm ẩn của chủ nghĩa tư bản," ông giải thích.

Năng suất lao động không tăng trở lại, bất bình đẳng xã hội lan rộng và tùy từng quốc gia, các phong trào chính trị trái ngược xuất hiện: Hoặc dân túy và độc đoán, hoặc dân chủ. Trong mọi trường hợp, đó là sự chối bỏ "hệ thống," theo ông Pierre Dockès.

Một số nhà sử học khác không đồng tình với việc gắn kết khủng hoảng kinh tế với các cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội.

Ông Christophe Prochasson, Chủ tịch trường Đại học khoa học xã hội (EHESS), cho rằng ở Iran, Colombia hay Pháp, tình hình kinh tế và xã hội "rất khác nhau."

Ông nhấn mạnh vai trò của mạng xã hội. Dễ dàng kết nối và truy cập, Facebook, Telegram và Whatsapp trong suốt thập kỷ qua đã trở thành một yếu tố xã hội mới, tạo ra các hình thức huy động mới, như ở Tunis năm 2011 như ở Paris năm 2018.

Thập kỷ qua dường như đã đánh dấu một bước ngoặt trong các yêu sách của các phong trào xã hội. Đó không còn là vấn đề thuế khóa đơn giản, mà thể hiện một ước mơ về một phương cách quản trị khác.

Thời kỳ này đặt dấu hỏi cho tất cả các mô hình kinh tế, chính trị, xã hội, hành vi ứng xử, vốn đã cắm rễ từ nhiều thập kỷ qua. Như thể người ta nhận ra rằng họ đã đi quá xa.

Toàn cầu hóa là điểm chính của thập kỷ 2010-2019. Đây là nhận định của ông Guillaume Bazot, nhà kinh tế và giảng viên tại Đại học Paris 8. Quan điểm bảo hộ "không còn là đặc quyền của cánh tả," điều này gây ra hiện tượng "thu mình" ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Về tiêu thụ năng lượng cũng vậy. Các đợt nắng nóng đỉnh điểm và các hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Với một hành tinh quá nóng và hệ thống đa dạng sinh học đang chết dần, đã đến lúc phải "giảm tiêu thụ."

Trong lĩnh vực công nghệ, điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến và hệ thống kết nối không dây có mặt trong mỗi gia đình. Nhưng càng ngày con người càng mất niềm tin vào công nghệ mới.

Những tiết lộ thông tin tình báo tối mật của Edward Snowden, vụ bê bối trong thu thập dữ liệu của Facebook-Cambridge Analytica, sự xuất hiện của kỹ thuật tổng hợp hình ảnh con người "deepfakes" có thể tạo ra những video và tin tức giả mạo...

Trí tuệ nhân tạo làm sống lại nỗi sợ hãi trước công việc mà không cần người lao động, cũng như sự hủy hoại tự do cá nhân, nhà văn Nicolas Baverez nhấn mạnh.

Ngay cả sự tiến bộ dường như không còn là mơ ước. Ai có thể khẳng định rằng thời hoàng kim đang ở trước chúng ta?

Nhà sử học Pierre Dockès giải thích: "Cho đến cuối thế kỷ 20, mặc dù có những giai đoạn ngờ vực, người ta vẫn có xu hướng tin rằng thời kỳ hoàng kim đang ở phía trước. Ngày nay, người ta lại nghĩ rằng ngày mai sẽ tồi tệ hơn và thế hệ con cháu họ sẽ chịu thua thiệt hơn."

Những sự ngờ vực sâu sắc trên dường như là bằng chứng cho thấy một bước ngoặt đang diễn ra.

Ông Christophe Prochasson nhìn thấy trong đó "biểu hiện của sự thay đổi cuối cùng" hướng về thế kỷ 21.

Theo ông, trong thế kỷ 20 con người đã sống dựa vào những thành tựu chính trị, kinh tế và xã hội của thế kỷ 19, của xã hội công nghiệp.

"Chúng ta thực sự bước vào thế kỷ 21 kể từ thập kỷ này, đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy bị lạc lối," ông giải thích.

Tình trạng đứt gãy xã hội cần phải được tìm hiểu và chấp nhận, trong khi các mô hình mới vẫn đang tiếp tục hình thành.

Nếu như các nhà sử học thống nhất rằng Chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918 đã đánh dấu sự khởi đầu thực sự của thế kỷ 20, thì họ có thể coi việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 là sự khởi đầu thực sự của thế kỷ 21, cũng như của thiên niên kỷ này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục