Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Thừa Thiên-Huế đầu tư trên 110 tỷ đồng quản lý bảo vệ 5.000ha rừng phòng hộ ven biển, đầm phá; trồng mới và chăm sóc 577ha rừng; trồng 1 triệu cây phân tán ngập mặn để phát triển rừng vùng ven biển, đầm phá.
Năm 2015, tỉnh đầu tư 30 tỷ đồng để trồng mới khoảng 290ha rừng; trong đó khoảng 240ha trồng rừng trên cát ven biển, 50ha rừng ngập mặn.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định rừng ven biển và đầm phá luôn có vai trò lớn trong việc chắn cát, giảm thiểu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và các công trình hạ tầng trong vùng, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân.
Trong mấy năm qua, việc trồng rừng ngập mặn tại Thừa Thiên-Huế được thực hiện thông qua một số đề tài, dự án như: Đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu hiện trạng và thử nghiệm trồng cây ngập mặn ở phía Tây đầm Lập An huyện Phú Lộc và Tân Mỹ huyện Phú Vang" do Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh thực hiện đã trồng được 5.000 cây đước, bần chua, vẹt khang và mắm.
Dự án "Tăng cường rừng ngập mặn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển tỉnh Thừa Thiên-Huế" do Tổ chức WWF Việt Nam tài trợ, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh thực hiện đã gieo ươm và trồng được 23.000 cây đước, bần chua ở khu vực tam giác xung yếu cửa sông Hương - phá Tam Giang - cửa biển Thuận An và vùng rú Chá, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà.
Dự án "Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước cấp cộng đồng" ở tỉnh Thừa Thiên-Huế do Tổng cục Hợp tác và Phát triển Hà Lan tài trợ đã trồng hơn 1 ha rừng bần chua ở cồn Tè xã Hương Phong…
Chỉ riêng vùng đất ngập mặn ven phá Tam Giang và cửa sông Ô Lâu ở các xã Quảng Thái và Quảng Lợi; vùng cát ven biển và cát nội đồng ở các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Vinh, Quảng Lợi, Quảng Thái, thuộc huyện Quảng Điền có diện tích đất tự nhiên 14.160ha; trong đó đất lâm nghiệp 1.828ha.
Giai đoạn từ 2012-2015, huyện Quảng Điền đầu tư tổng nguồn vốn 14.300 triệu đồng, do ngân sách Trung ương cấp từ Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng bền vững, ngân sách tỉnh và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để trồng và chăm sóc khoảng 370ha rừng.
Trong số đó, trồng rừng ngập mặn ở các xã Quảng Thái, Quảng Lợi khoảng 150 ha; rừng phòng hộ vùng cát ở các xã Quảng Vinh, Quảng Thái, Quảng Lợi khoảng 220ha và chăm sóc 30,2ha rừng đã trồng thuộc dự án 661.
Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế đã nghiên cứu áp dụng thành công quy trình kỹ thuật sản xuất nhiều giống cây ngập mặn thích nghi với môi trường đất ngập mặn của tỉnh như đước, vẹt khang, bần chua, bần trắng, xu ổi, mắm biển, sú, giá… giúp tỉnh có thể chủ động nguồn cây giống cho công tác trồng rừng ngập mặn trên địa bàn thời gian tới.
Đây là cơ sở cho tỉnh Thừa Thiên-Huế phát triển hệ thống rừng ngập mặn ven biển, bảo đảm sự an toàn về người và tài sản cho nhân dân các địa phương ven biển, ven đầm phá.../.