​​Chặt phá, lấn chiếm rừng ở Lâm Đồng: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi"

Theo đánh giá, hiện nay vấn đề nổi cộm nhất ở trên địa bàn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa người dân bản địa và công ty ​​lâm nghiệp.
​​Chặt phá, lấn chiếm rừng ở Lâm Đồng: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" ảnh 1Quả đồi bị cạo trọc ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia tư vấn hỗ trợ Giám sát tối cao của Quốc hội năm 2015 về đất nông lâm trường, hiện nay vấn đề nổi cộm nhất ở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa người dân bản địa và công ty ​​lâm nghiệp.

Điều đáng nói là, mặc dù tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng diễn ra từ lâu, nhưng cơ quan quản lý địa phương dường như cũng chưa có giải pháp xử lý triệt để. Thậm chí, có công ty lâm nghiệp được giao quản lý rừng còn kêu khó, chỉ vì lý do “lâm tặc chặt phá rừng hoạt động liều lĩnh, có vũ khí và sẵn sàng chống trả quyết liệt.”​

​Lâm tặc manh động lắm!

Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, những năm gần đây, ​tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép ở Lâm Đồng “nóng” nhất là khu vực xã Tam Bố, ​huyện Di Linh, do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Tam Hiệp quản lý.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Tam Hiệp, cho biết hiện nay đơn vị đang quản lý 26.624ha đất rừng, trong đó rừng phòng hộ 855ha; rừng tự nhiên sản xuất 22.628​ha; còn lại là các loại đất lâm nghiệp khác.

Tính đến nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Tam Hiệp đã giao khoán bảo vệ 10.000ha cho các hộ dân, thế nhưng tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép vẫn diễn ra thường xuyên.

Theo thông tin từ ông Tuấn, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn chủ yếu tập trung từ tiểu khu 678, 677 thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Tam Hiệp (huyện Di Linh​)​ về xã Ninh Loan (huyện Đức Trọng) ​để tiêu thụ đã xảy ra nhiều năm.

Ở khu vực giáp ranh này có tới 4 xưởng cưa, là nơi tiếp tay tiêu thụ gỗ trái phép. Thế nhưng, vì họ ở ngoài địa bàn của của Lâm trường, nên Lâm trường không thể ngăn chặn được.

Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus tại địa bàn xã Tam Bố (khu vực “nóng” về tranh chấp đất đai, phá rừng) vào những ngày cuối tháng Tám cũng cho thấy, các khu rừng rộng lớn đã bị đốn hạ hết cây, nay chỉ còn lại từng quả đồi trọc​ lốc​. Con đường từ trung tâm xã Tam Bố đi sâu vào rừng cũng bị các "đoàn xe" chở gỗ băm nát.

Để khai thác gỗ trái phép, các đối tượng phá rừng thường tổ chức thành từng nhóm, theo đường mòn từ huyện Đức Trọng xâm nhập vào các tiểu khu có gỗ quý. Ngoài hoạt động có tổ chức, các nhóm này còn trang bị nhiều phương tiện chuyên dụng và loại xe máy ​được cải tiến gọi là xe “độ” rất đặc biệt để chở​ ​gỗ ra khỏi rừng.

​​Chặt phá, lấn chiếm rừng ở Lâm Đồng: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" ảnh 2Một bãi gỗ bị tịch thu từ các vụ lâm tặc khai thác trái phép tại huyện Di Linh. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đề cập đến trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Tam Hiệp, cho biết do quản lý một phần diện tích lớn​ (​26.624ha​) ​nhưng​ lực lượng kiểm lâm mỏng​ (bình quân 1 cán bộ quản lý gần 1.000ha rừng)​, đường đi lại khó khăn, trong khi nhu cầu về gỗ ngày càng lớn đã khiến tình trạng khai thác gỗ ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

Thực tế cũng cho thấy, ​"​việc bắt giữ các đối tượng khai thác ​lâm sản trái phép là rất khó, bởi lâm tặc manh động lắm, bên người chúng khi nào cũng có mã tấu và sẵn sàng chống trả khi gặp phải sự can thiệp của lực lượng chức năng..​.​,” ông Tuấn nói.

[Quốc hội cần mạnh tay trong cuộc "đại phẫu" nông lâm trường?]

Trong khi đó, ​với vai trò là người được giao khoán bảo vệ rừng, ​ông KBrel, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn 4 (​xã Tam Bố, huyện Di Linh)​​ ​cho biết cả xã ​Tam Bố hiện ​có 150 hộ nhận khoán bảo vệ rừng cho công ty lâm trường, với diện tích khoảng 3.000ha​​. Tiền công bảo vệ rừng 200.000 đồng/ha/năm. Như vậy, ​bình quân mỗi hộ ​dân ​​nhận khoán ​20ha, mỗi năm cũng chỉ nhận được khoảng 4 triệu đồng.

“Tiền công bảo vệ rừng ​như thế là thấp, rừng lại ở xa nên rất khó bảo vệ. Như nhà mình, nhận khoán bảo vệ 30ha rừng, được trả 5-6 triệu đồng mỗi năm. Dù mỗi tháng chỉ đi rừng có vài lần, nhưng mỗi lần​ đi cũng mất 50.000 đồng tiền xăng xe máy rồi. Với lại, mình cũng không thể đi hết được rừng, mà chỉ đến đầu bìa rừng nơi mình nhận khoán bảo vệ rồi về thôi,” ông Brel thành thật.

Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn 4 cũng tiết lộ, những năm qua, tình trạng chặt phá rừng ở khu rừng ông quản lý diễn ra rất nhiều, thế nhưng bản thân ông cũng không thể biết hết được. Và, phía công ty lâm nghiệp cũng không có ý kiến gì.​

​​Chặt phá, lấn chiếm rừng ở Lâm Đồng: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" ảnh 3Xe chở gỗ trong khu vực rừng do Công ty lâm nghiệp Tam Hiệp được giao quản lý. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Hơn 3.100 ha đất rừng đang bị tranh chấp

Không chỉ nổi cộm tình trạng khai thác rừng trái phép, việc lấn chiếm đất rừng do công ty lâm nghiệp quản lý, để chuyển sang trồng cây càphê ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cũng đã và đang diễn biến phức tạp.

Ông Đào Văn Vị, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Bố, cho biết cả xã hiện có 27.690 ha rừng, trong đó 25.000 ha thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Tam Hiệp quản lý. Toàn xã Tam Bố có 1.700 hộ với gần 7.000 khẩu, trong đó dân tộc K’Ho chiếm 42%.

“Đồng bào ở đây nhà nào cũng đông con nên tình trạng thiếu đất sản xuất rất phổ biến. Cũng vì thế, nhiều hộ đã lấn chiếm đất rừng để làm rẫy, chủ yếu là trồng cà phê. Thậm chí, có trường hợp còn lấn chiếm đất rồi chuyển nhượng theo kiểu ‘trao tay’ cho người ở nơi khác đến trồng cà phê,” ông Vị thành thật.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Tam Hiệp cũng cho biết, tình trạng lấn chiếm đất của lâm trường, biến thành đất nông nghiệp trái phép ​từ lâu ​đã trả thành ​câu chuyện bức bối "biết rồi khổ lắm nói mãi." ​Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, cơ quan chức năng đã xử phạt 145 hộ lấn chiếm đất; giải tỏa, thu hồi cưỡng chế 60ha để tổ chức trồng rừng.

Còn tính chung về diện tích bị lấn chiếm, “tính đến tháng Tám đã có 3.120ha đang bị tranh chấp, đó là đất rừng bị người dân chiếm dụng để trồng chủ yếu là cây càphê. Đây cũng là phần diện tích bị chiếm dụng từ nhiều năm trước, đến nay không thể thu hồi được,” ông Tuấn nói.

Trước thực tế nêu trên, ông Trần Anh Tuấn cho biết, hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Tam Hiệp đã soạn thảo xong phương án sắp xếp đổi mới đất nông lâm trường được giao quản lý, và đã trình lên cấp trên, trong đó có đề ra phương hướng sẽ quy hoạch lại diện tích đất.

"Trên cơ sở đó, với 3.120ha đất lâm nghiệp mà người dân đã trồng càphê nhiều năm thì không thể thu hồi được, chúng tôi nên sẽ giao về cho địa phương quản lý và buộc phải chuyển từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp,” ông Tuấn nói.​

Tuy vậy, vị Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Tam Hiệp cũng khẳng định, mâu thuẫn giữa sinh kế của người dân địa phương với nhiệm vụ bảo vệ rừng của công ty (đơn vị quản lý) ​là “bài toán” không dễ giải./.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, trong sáu tháng đầu năm 2015, đơn vị này đã ghi nhận hơn 500 vụ phá rừng khiến hơn 114ha rừng thông bị mất. Nạn phá rừng thông xảy ra nóng nhất tại nhiều huyện như Bảo Lâm, Lạc Dương, Di Linh và vùng ngoại ô Đà Lạt.

Trong khi đó, Văn bản Kết luận của Thanh tra của ​Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ngày 12/3/2015, về việc Thanh tra ​C​ông ty ​l​âm nghiệp Tam Hiệp theo Quyết định số 55/QĐ-TTr,​ cũng cho thấy​ ​tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép năm 2013, 2014 trên địa bàn ​​C​ông ty ​l​âm nghiệp Tam Hiệp​ ​được giao quản lý bảo vệ vẫn còn xảy ra nhiều với diện tích rừng bị lấn chiếm và khối lượng lâm sản thiệt hại lớn.​
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục