Đầu tư vào kỹ năng cho thanh niên để hướng tới kinh tế xanh bền vững

Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Thanh niên năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng xanh cho thanh niên để tiến tới một tương lai tươi sáng, xanh và bền vững hơn cho Việt Nam.
Đầu tư vào kỹ năng cho thanh niên để hướng tới kinh tế xanh bền vững ảnh 1Đoàn viên thanh niên tham gia vớt rác, dọn dẹp vệ sinh tại rạch Khai Luông (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều). (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 12/8 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế Thanh niên với nhiều hoạt động thường niên trên toàn cầu nhằm khẳng định vị trí, tầm quan trọng, phát huy vai trò của thanh niên trong quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định tại địa phương, quốc gia, khu vực và cấp độ quốc tế.

Cùng với việc nhấn mạnh vai trò của tuổi trẻ trong các hoạt động chính trị, xã hội, Ngày Quốc tế Thanh niên còn là cơ hội để thanh niên nâng cao nhận thức, quyết tâm hành động giải quyết những thách thức, vấn đề mà giới trẻ đang đối mặt, như giáo dục, sức khỏe, việc làm, quyền con người, môi trường sống...; hướng tới sự công bằng, tôn trọng quyền lợi và đáp ứng nhu cầu của tuổi trẻ.

[Kỷ niệm Ngày Quốc tế Thanh niên: Trang bị kỹ năng xanh cho thế hệ trẻ]

Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Thanh niên năm nay mang chủ đề "Hướng tới tương lai bền vững: Kỹ năng xanh cho thanh niên," nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng xanh cho thanh niên để tiến tới một tương lai tươi sáng, xanh và bền vững hơn cho Việt Nam.

Tích cực hành động vì một tương lai xanh

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thế giới đang bước vào quá trình chuyển đổi xanh, mang lại nhiều cơ hội kinh tế mới cho thế hệ trẻ, đến năm 2030, dự kiến chuyển đổi xanh sẽ mang lại 8,4 triệu việc làm mới cho thanh niên.

Để làm chủ tương lai và đóng góp cho nền kinh tế xanh, thanh niên cần được trang bị kỹ năng xanh - những công cụ, kiến thức thực tế giúp họ tận dụng các công nghệ thân thiện với môi trường cũng như đưa ra quyết định có ý thức về môi trường trong công việc và đời sống cá nhân.

Liên quan đến vấn đề này, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh hiện nay, chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu về các kỹ năng xanh đang ngày càng tăng cao. Đến năm 2030, 60% thanh niên có thể thiếu các kỹ năng cần thiết để phát triển trong nền kinh tế xanh.

"Chúng ta phải giải quyết sự chênh lệch này và đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận bình đẳng với các kỹ năng xanh," bà Pauline Tamesis chia sẻ.

Theo Đại diện Thường trú của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) Ramla Khalidi, khi Việt Nam nỗ lực hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và một tương lai phát thải ròng bằng 0, việc thực hiện chuyển đổi lực lượng lao động để thúc đẩy nền kinh tế xanh và ít carbon là rất quan trọng. Thanh niên Việt Nam cần được chuẩn bị tốt và trang bị kiến thức, kỹ năng, năng lực xanh để tham gia lực lượng lao động này; đồng thời nắm bắt các cơ hội mới để trau dồi việc làm xanh và các kỹ năng của tương lai. Đây không đơn thuần là quá trình đầu tư vào tiềm năng của thanh niên, mà còn là cam kết hướng tới một thế giới bền vững.

Các vấn đề liên quan đến môi trường hiện đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng. Vì một đất nước Việt Nam yên bình, tươi xanh cho các thế hệ trong tương lai, giới trẻ cần phải hành động làm sạch môi trường ngay từ bây giờ.

Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường bền vững

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng và triển khai rộng khắp các chương trình, phong trào hoạt động bảo vệ môi trường, với nhiều nội dung mới, sáng tạo, hiệu quả, thu hút đông đảo thanh niên tham gia, tạo thành trào lưu tốt trong thanh niên và xã hội.

Thông qua đó, thanh niên Việt Nam được tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường và phòng, chống biến đổi khí hậu, để mỗi bạn trẻ xem việc bảo vệ môi trường là hành động đẹp, là ý thức thường xuyên, liên tục.

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các đoàn viên trên toàn quốc đã trồng mới được gần 11 triệu cây xanh (tăng hơn 5,2 triệu cây so với cùng kỳ 2022).

Các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai rộng khắp các cơ sở Đoàn, thu hút đông đảo thanh niên tham gia.

Các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình "Vì một Việt Nam xanh"; phong trào "Chống rác thải nhựa"; chiến dịch "Hãy làm sạch biển"; đồng loạt ra quân "Ngày Chủ nhật xanh" năm 2023; tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên và nhân dân xây dựng thói quen 4T (Từ chối-Tiết giảm-Tái sử dụng-Tái chế) và thói quen phân loại rác tại nguồn. Hằng năm, Trung ương Đoàn phối hợp với các đơn vị tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ."

Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp tích cực vận động đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong đó chú trọng tiêu chí về môi trường.

Đầu tư vào kỹ năng cho thanh niên để hướng tới kinh tế xanh bền vững ảnh 2Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trồng cây tại Hòa Bình. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Đoàn các cấp đăng ký đảm nhận và tổ chức thực hiện các mô hình hiệu quả như: Tuyến phố (đường, hẻm) văn minh, xây dựng đường hoa, đường cờ thanh niên, mô hình "Khu dân cư kiểu mẫu," "Cột điện nở hoa," "Vườn hoa thanh niên," "Hàng cây thanh niên" trong khu đô thị; thành lập và nhân rộng các đội hình tình nguyện chuyên tham gia xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh.

Các hoạt động đã tiếp tục khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong việc cùng chính quyền địa phương tham gia xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh; nâng cao ý thức và kỹ năng xanh cho thanh thiếu nhi cũng như người dân trên địa bàn các khu dân cư, từ đó lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường bền vững.

Để các hoạt động, phong trào hành động vì môi trường ngày càng đạt hiệu quả tích cực trong thời gian tới, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho rằng các cấp bộ Đoàn và mỗi bạn trẻ cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên về pháp luật bảo vệ môi trường; tác hại của túi nylon, chất thải nhựa đối với môi trường, trong đó có môi trường biển và đại dương. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế,  các đoàn viên cần ưu tiên hình thức truyền thông hiện đại, thuận tiện, có độ lan tỏa trên mạng xã hội, qua đó giúp giới trẻ tự trang bị thêm kiến thức về kỹ năng xanh.

Bên cạnh đó, việc chú trọng nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội và lực lượng nòng cốt về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cần được quan tâm hơn nữa, song song với nhiệm vụ xây dựng, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến khởi nghiệp xanh trong đoàn viên, thanh niên và mô hình sản xuất, kinh doanh sạch; thành lập, duy trì tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Đồng thời, tổ chức Đoàn các cấp quan tâm tổ chức các đội tình nguyện chuyên sâu, câu lạc bộ thanh niên tình nguyện vì môi trường, nâng cao ý thức thanh niên và người dân trong phân loại rác thải tại nguồn; tích cực phối hợp tham gia công tác kiểm tra giám sát về bảo vệ môi trường, tố giác vi phạm về môi trường, các hoạt động xả thải, gây ô nhiễm môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục