Phong tục khai bút

Đầu xuân Nhâm Thìn, tản mạn phong tục khai bút

Trong niềm hân hoan mừng xuân về, những người mang duyên nợ với bút mực thường có lệ khai bút đầu xuân với hàm ý thiêng liêng.
Trong quan niệm truyền thống của người Việt, Tết Nguyên đán được coi là dịp lễ quan trọng nhất trong năm với những truyền thống lâu đời cùng nhiều giá trị tinh thần được gìn giữ qua bao thế hệ. Tết là sự khơi nguồn cho một chu trình mới. Trong niềm hân hoan mừng xuân về, những người “trót” mang duyên nợ với bút mực thường có lệ khai bút đầu xuân.

Đây là một phong tục đẹp, đầy thú vị, mang chiều sâu ý nghĩa nhân văn trong truyền thống văn hóa Việt. Theo thời gian, tục khai bút đầu năm đã có nhiều nét đổi thay. Tuy nhiên, dù ở thời đại nào, nó cũng vẫn luôn thể hiện được chân giá trị riêng.

Lưu giữ  hồn Tết Việt

Tục minh niên khai bút đã trở thành một truyền thống lâu đời của người Việt. Học giả Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” đã viết: “Mồng hai Tết Nguyên đán, những nhà buôn thấy hợp ngày thì mở hàng. Kẻ sĩ thì thường thường làm lễ khai bút.” Kẻ sĩ theo lời giảng của các bậc túc nho, hiểu một cách rộng rãi, nhằm chỉ chung những người có cốt cách của chữ.

Trước đây, tất cả các gia đình thuộc hàng thư hương môn đệ, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, đều chọn ngày, kén giờ khai bút, bày giấy mực ra viết một vài chữ Hán hoặc tức cảnh đề một bài thơ. Đối với các bậc tiền nhân, khai bút là một nghi lễ rất thiêng liêng nên phải thực hiện với tất cả sự trịnh trọng, tâm thành.

Người khai bút theo đúng lễ nghi truyền thống phải vận khăn xếp áo the mới, đốt nhang cầu khấn, thắp lư  trầm bên bàn viết và đặc biệt là phải chuẩn bị giấy mới, mực mới một cách chu đáo. Tất cả phải được đặt trong một không gian thanh tĩnh, trang trọng.

Với những hàng chữ đầu tiên trong năm, văn nhân đem ý  nguyện gửi vào nét mực, ký thác niềm mong mỏi trong những vần thơ và đặt tâm sự trong những hàng câu đối.

Khai bút  đại cát, Tân xuân đại cát-người xưa thường viết thế khi thảo những nét chữ đầu tiên, với ước nguyện về những điều tốt lành trong cuộc sống, đồng thời thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa, đề cao sự học.

Trong tiết xuân, trời đất giao hòa, vạn vật đâm chồi nảy lộc, những người “có chữ” chọn viết một vài điều gì đó để cái tâm được “thanh” và “tịnh” hơn, cầu chúc cho một năm công thành danh toại.

Hình ảnh của mực Tàu giấy đỏ làm thắm lại, lắng lại nét xuân, hồn Tết trên từng con chữ. Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Ngọc Vương (Đại học Quốc gia Hà Nội), cổ nhân quan niệm, Tết đến, xuân về, tinh hoa trời đất tích tụ, vung bút mà đón lấy cái khí thiêng lành đó quả là một phúc phận hiếm. Đặc biệt với giới văn nhân, những người thường nghĩ mình hữu tài hữu tự, thì càng lấy đó làm điều đáng trân trọng.

Nối dài truyền thống hiếu học

Xưa các cụ  nâng bút trịnh trọng đề thơ văn, câu đối; đến ngày nay, con cháu viết cả danh ngôn hay thậm chí  cả toán, lý, hóa hoặc bất cứ thứ gì con trẻ thích. Các bạn trẻ hiện tại cũng không còn mặc áo the, đội khăn xếp và thắp lư trầm như các bậc cao niên, cổ nhân. Giới trẻ có thể trong lúc du xuân, ngẫu hứng viết một, hai dòng; và như thế đã là khai bút.

“Mồng 2 Tết năm ngoái, mình cùng bạn bè lên khu phố cổ đi dạo, rồi lại đến trước cửa Nhà thờ Lớn, lấy sổ tay ra viết một vài dòng cảm nhận về không khí Tết và ước nguyện trong năm mới. Lòng thấy nhẹ nhõm, vui vui với những dòng chữ đầu tiên của một năm,” bạn Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Tuy nội dung và hình thức có khác đi nhưng truyền thống hiếu học vẫn luôn được đề cao, được xem là ý nghĩa tinh thần, giá trị quan trọng hàng đầu của việc khai bút.

Tuy không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết nhưng cho đến ngày nay, tục khai bút vẫn rất được giới trí thức coi trọng.

“Năm nào cũng vậy, cứ sau Giao thừa hoặc sáng sớm Mồng 1 Tết là tôi ngồi vào bàn làm việc, viết đôi ba câu châm ngôn hoặc một vài dòng cảm nhận về cuộc sống, những điều lắng lại sau một năm cũ đã qua và những điều mong mỏi trong năm mới, thấy lòng thanh thản và tĩnh tại. Cũng có khi, tôi viết một bài thơ hay một bài tản văn. Mình vốn là dân làm chữ nghĩa mà!” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đào Duy Hiệp (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) chia sẻ.

Sinh thời, nhà thơ Tú Xương đã viết một bài thơ khai bút mà cho đến ngày nay, không ít người, đặc biệt là giới văn nghệ sỹ, trí thức vẫn khá tâm đắc. Người ta vẫn nhắc lại với nhau mỗi dịp Tết đến, xuân về như một cách để nhấn mạnh trách nhiệm của người trí thức và khắc sâu vai trò của “chữ nghĩa”, của sự học trong đời sống xã hội: “Nhập thế cục bất khả vô văn tự/ Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài/ Huống thân danh đã đỗ tú tài/ Ngày Tết đến cũng phải thở một hai câu đối.”

Rất nhiều bậc phụ huynh rất chú trọng việc nhắc nhở con em mình khai bút đầu năm, hướng về cội nguồn, truyền thống dân tộc và cầu chúc một năm mới học hành tấn tới, gặp nhiều may mắn.

“Với việc khai bút đầu xuân, tôi muốn nhắc nhở các cháu không quên việc học ngay cả trong những ngày nghỉ Tết kéo dài thoải mái, để các cháu luôn dần hình thành ý thức tự giác, chú tâm học tập,” chị Thanh Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.

Nhiều  ý kiến cũng đồng tình cho rằng việc khai bút đầu xuân là một món quà tinh thần được vật chất hóa để thể hiện ước vọng về một cuộc sống thuận hòa, khỏe mạnh, hạnh phúc,… cùng khát khao hướng tới Chân-Thiện-Mỹ./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục