Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Đông

Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Bí quyết thành công khi thâm nhập thị trường Trung Đông”.
Ngày 23/10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Bí quyết thành công khi thâm nhập thị trường Trung Đông”.

Các đại biểu dự hội thảo đã nghe giới thiệu tổng quan về chính sách xuất nhập khẩu của Việt Nam và thị trường Trung Đông; một số nét đặc trưng về địa lý, văn hóa, tập quán tiêu dùng - tập quán kinh doanh ở Trung Đông.

Đồng thời, hội thảo cũng giới thiệu các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, chính sách hỗ trợ tín dụng xuất nhập khẩu vào Trung Đông; những thuận lợi và thách thức trong quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông; những vấn đề doanh nghiệp cần biết khi thâm nhập thị trường Trung Đông...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương cho biết, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Đông có những thuận lợi.

Việt Nam đã tạo dựng được khuôn khổ pháp lý làm cơ sở cho việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác với các nước khu vực Trung Đông; đã ký các Hiệp định hợp tác về kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật, khuyến khích và bảo hộ đầu tư... với nhiều nước trong khu vực; đã thiết lập được mạng lưới thương vụ khá mạnh tại Trung Đông.

Khu vực Trung Đông có nhu cầu rất lớn và đa dạng về chủng loại hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng, khả năng thanh toán cao nhờ dầu mỏ, trong khi đó nền sản xuất tại đây lại chưa phát triển do thiếu nguyên liệu đầu vào và lực lượng lao động tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu.

Năm 2008 Chính phủ xác định là năm trọng điểm trong quan hệ với Trung Đông. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Đông giai đoạn 2008-2015”.

Bộ Công Thương cũng đã xây dựng chương trình hành động đẩy mạnh quan hệ với Trung Đông đến năm 2015. Đây là những bước đột phá quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông.

Trong những năm qua, quan hệ kinh tế-thương mại Việt Nam-Trung Đông phát triển tốt đẹp, trao đổi thương mại hai chiều tăng nhanh, trong đó Việt Nam luôn ở thế xuất siêu.

Từ năm 2000 đến năm 2008, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông tăng từ 604,4 triệu USD lên gần 2 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 414,7 triệu USD năm 2000 lên tới 1,25 tỷ USD năm 2008 (tăng gần gấp đôi so với năm 2007).

Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Đông đạt mức cao nhất trong năm 2008 là 744 triệu USD. Mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ khu vực Trung Đông gồm xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu, phân bón, hóa chất, sắt thép, chất dẻo....

Do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, 9 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông chỉ đạt 740 triệu USD.

Tuy vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế khôi phục trở lại và tạo đà thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào khu vực này. Dự kiến xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Đông có thể đạt trên 5 tỷ USD vào năm 2015.

Trước đây, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông chủ yếu là các mặt hàng nông sản (gạo và chè), đến nay đã mở rộng sang nhiều nhóm hàng khác như máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử, vải, hải sản, giày dép, hạt tiêu, sản phẩm dệt may, cà phê, sữa và sản phẩm sữa, cao su, gạo.

Chương trình hành động của Bộ Công Thương nhằm thực hiện Đề án thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Đông giai đoạn 2008-2015 đã xác định rõ các mặt hàng cần tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh là những mặt hàng Việt Nam có nhiều tiềm năng và khu vực có nhu cầu lớn, như hàng nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ.

Đáng lưu ý trong quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Đông trong những năm gần đây là sự chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu. Những năm trước kia, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Iraq và UEA, những năm gần đây đã chuyển sang các thị trường khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Arập Xêút.

Cán cân xuất nhập khẩu đã có sự thay đổi lớn, Việt Nam đã chuyển từ chỗ nhập siêu sang xuất siêu. UEA và Thỗ Nhĩ Kỳ đã trở thành 2 thị trường xuất khẩu đứng đầu khu vực.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Đông, như đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thông tin sản phẩm đến khách hàng và doanh nghiệp tại thị trường bản địa; tham gia các hội chợ, triển lãm; tổ chức các hội thảo doanh nghiệp hoặc tiếp xúc khách hàng trực tuyến giữa hai bên.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tổ chức các đoàn giao thương sang khảo sát thị trường, tiếp xúc với các hiệp hội ngành hàng, các hệ thống nhập khẩu tại thị trường sở tại thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại một số thị trường khu vực để đưa hàng xuất khẩu xâm nhập có hiệu quả.

Việt Nam cũng vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các Phòng Thương mại và Công nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức hữu quan ở các nước sở tại đi khảo sát thị trường, tham gia hội chợ triển lãm tại Việt Nam, gặp gỡ trực tiếp đối tác, thảo luận kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam.

Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Công Thương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục