Đẩy nhanh tiến độ

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông

Bộ GTVT chỉ đạo từ nay tới hết năm, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải đẩy nhanh tiến độ thi công công trình giao thông.
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo từ nay tới hết năm, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án cần đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục đầu tư của dự án theo đúng quy định, tăng tiến độ thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán để phấn đấu giải ngân hết mức vốn được giao còn lại trong những tháng cuối năm.

Tại Hội nghị về công tác xây dựng cơ bản trong lĩnh vực giao thông vận tải do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 25/9 tại Hà Nội, Cục quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đánh giá công tác quản lý chất lượng, tiến độ xây dựng, giá thành công trình giao thông đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, các kết quả đạt được chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của Bộ Giao thông vận tải và kế hoạch thực hiện " Năm chất lượng công trình giao thông" 2012.

Bên cạnh đa số công trình của ngành Giao thông vận tải có chất lượng tốt, ở một số dự án có những khiếm khuyết nhưng đã trở thành nỗi bức xúc của dư luận xã hội như công trình cải tạo quốc lộ 20, chất lượng dự án mở rộng QL 51, mặt đường TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, mặt cầu Thăng Long, Quốc lộ 1A...

Ngoài ra, nhiều dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch, trong đó phải kể đến như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai...

Nguyên nhân là do chậm chễ trong công tác giải phóng mặt bằng, năng lực tài chính của nhà thầu và các nguyên nhân chủ quan của các chủ thể tham gia dự án, từ chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.

Thậm chí nhiều dự án được khởi công và xây dựng trong điều kiện nguồn vốn bố trí đủ nhưng cũng không đáp ứng được tiến độ hoàn thành đúng kế hoạch.

Chính việc chậm tiến độ đã dẫn đến phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh tiến độ, điều chỉnh hợp đồng; cùng với sự trượt giá dẫn đến vốn đầu tư dự án tăng, trong điều kiện nguồn vốn ít đã làm tăng khó khăn cho dự án.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, 9 tháng đầu năm ngành Giao thông vận tải đã giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt 22.570 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách nhà nước giải ngân được 10.800 tỷ đồng, đạt 136% kế hoạch được giao. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các dự án ngoài ngân sách tiến độ giải ngân đạt thấp so với kế hoạch, mới được 5917 tỉ đồng, đạt 63% và 5454 tỷ đồng nguồn vốn các dự án ngoài ngân sách, đạt 27% kế hoạch dự kiến.

Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án tập trung chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong công tác đền bù giả phóng mặt bằng, phấn đấu bàn giao mặt bằng đáp ứng yêu cầu tiến độ của các dự án.

Ngoài ra, các chủ đầu tư cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh về thể chế trong quản lý đầu tư xây dựng; nâng cao năng lực, trách nhiệm của các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng; tăng cường chất lượng công tác lựa chọn tư vấn đầu tư xây dựng, giám sát chất lượng thi công các công trình giao thông./.

Hồng Ninh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục