ĐBSCL nâng diện tích trồng lúa vụ Thu Đông lên 700.000 ha

Trong bối cảnh nhu cầu và giá gạo thế giới tăng cao, Cục Trồng trọt cho biết sẽ cơ cấu tăng diện tích gieo trồng lúa vụ Thu Đông năm 2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 ha lên 700.000 ha.

Diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông ở Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ được điều chỉnh tăng so với kế hoạch đầu năm 50.000 ha để góp phần vào nắm bắt thời cơ giá gạo tăng phục vụ xuất khẩu.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 1/8, tại Hà Nội.

Trước việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Nga, UAE…, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đây là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam với giá trị, chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long nâng cao thu nhập.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhấn mạnh bối cảnh hiện nay là thời cơ để xuất khẩu gạo, không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội.

Để tận dụng thời cơ giá lúa gạo đang tăng cao, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông ở Đồng bằng Sông Cửu Long thêm 50.000 ha từ 650.000 ha lên 700.000 ha.

Về việc tăng giá lúa gạo, ông Cường cho rằng cơ chế thị trường sẽ có sự tăng giá nhất định nhưng không ảnh hưởng tới nguồn cung vì với lượng dự trữ quốc gia hiện nay và thời gian thu hoạch một vụ chỉ 3 tháng... thì an ninh lương thực vẫn được đảm bảo cùng với đẩy mạnh xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục