ĐBSCL tìm kiếm giải pháp để phát triển bền vững

Xúc tiến thương mại lâu dài luôn là một ưu tiên để khu vực ĐBCL nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo cam kết thương mại quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương luôn ưu tiên thành lập bộ phận xúc tiến thương mại lâu dài cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đảm bảo tính cạnh tranh, nguồn lực phát triển đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh đảm bảo cam kết thương mại quốc tế.

Ngày 18/10, phát biểu tại Hội nghị các ngành công thương Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 13 tại An Giang, do Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh An Giang tổ chức, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, mặc dù có sự ổn định nhưng so với cả nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kinh tế phát triển chậm, nhất là xuất khẩu, bởi hạ tầng giao thông, thương mại yếu kém; liên kết vùng chưa tốt; liên kết khu vực chưa được nhà nước quan tâm.

Để tạo tiền đề cho kinh tế vùng phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới, các địa phương và ngành công thương các tỉnh cần tập trung tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho nông nghiệp cũng như các ngành công nghiệp chế biến phát triển, đồng thời quản lý tốt các quy hoạch và hoàn thiện đề án ngành công thương.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo các Sở Công Thương địa phương xây dựng kế hoạch, giải pháp và phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp, có cơ chế khuyến khích, chiến lược dài hạn, ổn định, bền vững mang lại giá trị thương hiệu cho sản phẩm.

Trong thời gian qua, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đi đầu so với cả nước trong việc thực hiện thành công các mô hình chuỗi liên kết giá trị các sản phẩm chủ lực của vùng, nhằm gắn kết từ khâu sản xuất - chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và giải quyết tốt đầu ra sản phẩm.

Điển hình cho các chuỗi sản xuất như chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo; chuỗi liên kết sản phẩm cá tra, đậu bắp giống Nhật Bản…. Tuy nhiên, ảnh hưởng khó khăn từ kinh tế thế giới, nên giải quyết đầu ra xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long như gạo, thủy sản, rau màu, trái cây đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện công nghiệp và nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển sau so với cả nước, nên có nhiều lợi thế nhưng thực tế thể chế lạc hậu không hấp dẫn, dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp bị bỏ lửng giữa chừng.

Bên cạnh đó, chiến lược nông nghiệp hiện nay không thể kéo dài trong tương lai. Vì vậy nên xem xét tập trung phát triển chuỗi công nghiệp gắn với thế giới, cần mạnh dạn loại bỏ những gì không hiệu quả.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho rằng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần cùng nhau cam kết về bình ổn, quản lý chặt chẽ thị trường; thường xuyên gặp gỡ các doanh nghiệp để lắng nghe, giải quyết những khó khăn về quỹ đất cho đầu tư, an ninh trong lao động và vốn tín dụng...

Ở khía cạnh khác, ông Phan Anh Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long cho rằng sản phẩm trái cây của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng rất quan trọng, hiện nhu cầu rất cao nhưng thực tế xuất khẩu không nhiều, nhất là sang thị trường khó tính. Chính vì vậy, Bộ Công Thương cần phải quản lý chặt chẽ đảm bảo sản phẩm an toàn; nên hình thành sàn giao dịch trái cây, thủy sản để giải quyết tốt đầu ra cho các sản phẩm.

Ngoài ra, đại diện các tỉnh cũng chỉ rõ khó khăn hiện nay về quỹ đất sạch, hiện áp dụng đấu giá nên rất khó cho doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư.

Trong khuôn khổ hội nghị, Sở Công Thương tỉnh An Giang đã ký kết biên bản hợp tác với các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ trong các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, phòng chống buôn lậu thuốc lá, xúc tiến thương mại sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đặc thù, sản xuất sạch hơn và tiêu thụ sản phẩm làng nghề./.

Thu Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục