Để du lịch cộng đồng là "con gà đẻ trứng vàng"

Hà Giang có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho du khách khám phá nét đặc sắc của đồng bào dân tộc.
Hà Giang có 22 dân tộc với các nét văn hóa đặc trưng, rất độc đáo. Hầu hết dân cư sống trong những làng mạc với kiểu kiến trúc truyền thống, sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày. Đây là thế mạnh để Hà Giang phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho khách du lịch khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào.

Trước năm 2006, một số làng dân tộc thiểu số của Hà Giang đã được các công ty lữ hành đưa khách du lịch đến tham quan, tổ chức ăn nghỉ trong dân. Tuy nhiên, hình thức du lịch này hoàn toàn mang tính tự phát chưa được chú ý quy hoạch, quản lý và chưa có sự hướng dẫn cho người dân kỹ năng khai thác, bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.

Từ những mô hình sơ khai, đến nay Hà Giang đã xây dựng được 25 làng văn hóa du lịch cộng đồng với tổng mức đầu tư trên 17,6 tỷ đồng. Bước đầu, các làng văn hóa du lịch cộng đồng đã thu hút được lượng lớn khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan, khám phá.

Tại các làng văn hóa du lịch như thôn Tha, xã Phương Độ (huyện Vị Xuyên), thôn Tiến Thắng, xã Phương Thên; Bản Tùy, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang); thôn Bục Bản (huyện Yên Minh)… đã có hàng nghìn lượt khách đến tham quan.

Nhận thấy những thế mạnh từ phát triển loại hình văn hóa du lịch cộng đồng, các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã xây dựng tiêu chí và phối hợp với các huyện khảo sát, chọn lựa các làng, bản đạt tiêu chuẩn để xây dựng.

Hà Giang đã tổ chức nhiều khóa tập huấn du lịch cộng đồng tại thôn, bản cho hàng nghìn học viên là những người tham gia các hoạt động phát triển, khai thác, quản lý du lịch cộng đồng như bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch; kỹ năng trong kinh doanh, phục vụ du lịch tại thôn, bản; trình tự đón khách, quy trình phục vụ ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng phục vụ lưu trú tại gia, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng hướng dẫn khách tham quan.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã chủ động bố trí ngân sách hỗ trợ nhân dân xây dựng một số công trình cơ bản như đường bêtông nông thôn, nhà văn hóa du lịch cộng đồng, cổng làng, bể chứa nước sạch…

Tuy nhiên, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng còn khá mới đối với người dân Hà Giang nên trong quá trình phát triển vẫn phải đối mặt, giải quyết mâu thuẫn giữa giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc với nhu cầu của cuộc sống hiện đại hay sự ảnh hưởng sâu, rộng của quá trình hội nhập trong đời sống người dân.

Nghề truyền thống hầu hết đã bị thất truyền do sự xâm nhập của hàng hóa được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp nên việc khôi phục làng nghề truyền thống để sản xuất hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Mặt khác, sự tham gia của cộng đồng chưa được tổ chức, quản lý thích hợp...

Trước thực trạng đó, Hà Giang đã tổ chức hội thảo “Du lịch cộng đồng thực trạng và giải pháp phát triển bền vững.” Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các công ty lữ hành và Tổng cục Du lịch.

Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), vẻ đẹp của Hà Giang chính là vẻ đẹp của sự hòa quyện giữa thiên nhiên và văn hóa. Vẻ đẹp ấy chỉ bền vững cùng với sự phát triển du lịch khi chúng ta thực sự quan tâm tới lợi ích người dân địa phương, hướng dẫn người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch, gắn lợi ích đồng thời nâng cao nhận thức của họ trong việc gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa.

Là tỉnh đang sở hữu kho tàng thiên nhiên, văn hóa hấp dẫn, Hà Giang mới bắt đầu phát triển du lịch, vì vậy càng cần phải thận trọng trong mọi quyết sách để tránh những thất bại như nhiều địa phương đã gặp phải. Hà Giang nên tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở những vùng có tiềm năng như huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê và thị xã Hà Giang.

Thạc sỹ Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cũng cho rằng Hà Giang là vùng khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, không khí trong lành, được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh hùng vĩ như đỉnh Tây Côn Lĩnh, thác Thí, thác Bay, thạch nhũ đôi, Cổng trời Quản Bạ, đỉnh Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng Cú...

Bên cạnh đó, Hà Giang có kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng thể hiện qua các phong tục, tập quán, tôn giáo và những di sản văn hóa dân gian như thơ ca, truyện cổ, thành ngữ, lễ hội dân gian như lễ Cấp sắc của người Dao; Gầu tào của người Mông; Nhảy lửa của người Pà Thẻn. Điều hấp dẫn khách đến thăm Hà Giang còn thể hiện ở các món ăn truyền thống như thắng cố, bò khô, cháo ấu tẩu...

Vì vậy, để khai thác những tiềm năng thế mạnh phục vụ phát triển du lịch, Hà Giang cần quy hoạch, phát triển các làng du lịch sinh thái cộng đồng. Và điều cần thiết là hướng dẫn người dân địa phương để họ trực tiếp tham gia, được hưởng lợi từ loại hình du lịch này./.

Lê Việt Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục