Để Hàn Quốc 'né' được cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc

Ngoại trưởng Chung Eui-yong khẳng định lập trường cơ bản của Seoul dựa trên mối quan hệ đồng minh vững chắc với Washington và cải thiện hài hòa quan hệ với Bắc Kinh.
Để Hàn Quốc 'né' được cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) nhận định rằng Seoul nhận thức rõ mình đang bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc khi 2 siêu cường này đang nỗ lực để tạo cán cân ngoại giao có lợi cho riêng họ tại hai cuộc gặp cấp cao ở Annapolis và Hạ Môn.

Mỹ nỗ lực gây áp lực buộc Hàn Quốc phải thể hiện sự ủng hộ đối với Mỹ bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh lâu đời Mỹ-Hàn, trong khi Trung Quốc đang cố gắng tận dụng ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên.

Mỹ tìm mọi cách lôi kéo đồng minh

Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon đã có cuộc gặp ba bên với người đồng cấp Mỹ Jake Sullivan và Shigeru Kitamura của Nhật Bản ngày 2/4 tại Học viện Hải quân Mỹ ở Maryland để thảo luận về vấn đề Triều Tiên và tình hình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngay sau cuộc họp, Nhà Trắng đã ra tuyên bố nói rằng các cố vấn không chỉ chia sẻ "mối quan tâm (của họ) về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên" mà còn thảo luận về "những mối quan tâm chung, trong đó có an ninh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" - vốn được coi là động thái nhằm đối phó với Trung Quốc.

[Mỹ-Hàn Quốc đồng thuận về thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng mới]

Mặc dù tuyên bố của Nhà Trắng chỉ đề cập ngắn gọn đến mối quan tâm chung về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song dư luận chung cho rằng áp lực gián tiếp đã được tạo ra để Seoul đứng cùng phía với Washington trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Phát biểu với báo giới trước cuộc họp ba bên, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã nhận xét rằng quan hệ đối tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn "ngày càng quan trọng trong môi trường phức tạp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai" và Washington "luôn hoan nghênh việc tham vấn cũng như phối hợp chặt chẽ hơn với Seoul vào bất kỳ lúc nào trong tiến trình "liên quan đến việc Hàn Quốc tham gia cơ chế Bộ Tứ mở rộng hướng tới "một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở."

Vị quan chức này cho biết thêm: "Ba quốc gia nắm giữ nhiều chìa khóa cho tương lai của công nghệ sản xuất chất bán dẫn" và các quốc gia này "sẽ tìm cách khẳng định tầm quan trọng của việc giữ an toàn cho các chuỗi cung ứng nhạy cảm này, đồng thời làm việc cùng nhau để duy trì các cuộc thảo luận về tiêu chuẩn và quy chuẩn sắp tới."

Chiến lược của Trung Quốc

Bắc Kinh cũng đang nỗ lực tăng cường quan hệ với Seoul để đối phó với "chiến lược bài Trung" của Washington.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp đầu tiên tại thành phố Hạ Môn (Đông Nam Trung Quốc) ngày 2/4, nhất trí tổ chức đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng ngoại giao và đối thoại các quan chức ngoại giao và an ninh "2+2" ngay trong nửa đầu năm nay.

Nếu được thực hiện, đây sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai nước kể từ tháng 1/2015. Hàn Quốc và Trung Quốc đã không tổ chức các cuộc đối thoại 2+2 sau khi Seoul đồng ý để Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) năm 2016.

Nhà nghiên cứu Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm Ngoại giao và An ninh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc (KRINS), nói: “Hàn Quốc đã rơi vào tình thế đi trên dây giữa Mỹ và Trung Quốc, và điều này đã được thể hiện rõ trong các cuộc đàm phán diễn ra cuối tuần qua. Đây không phải là hậu quả do Hàn Quốc gây ra mà là hoàn cảnh mà đất nước này đang phải đối mặt. Điều quan trọng đối với Seoul trong bối cảnh này là phải đưa ra các chiến lược nhất quán vì lợi ích quốc gia của mình."

Ông dẫn chứng phát biểu của Cố vấn An ninh Quốc gia Suh Hoon về kết quả hội đàm Mỹ-Nhật-Hàn rằng ba nước nhất trí "tiếp tục nỗ lực sớm nối lại các cuộc đàm phán Mỹ-Triều," nhấn mạnh rằng điều này dường như mâu thuẫn với lập trường của chính quyền Joe Biden và cũng là điều Hàn Quốc không hẳn mong đợi trong bối cảnh hiện nay.

Trong khi đó, một điểm khác thể hiện một "phép thử khó khăn" đối với Seoul là thời gian tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sau cuộc gặp ở Hạ Môn, Ngoại trưởng Chung Eui-yong đã nói với các phóng viên rằng hai bên đã thống nhất tổ chức chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Seoul ngay khi tình hình COVID-19 ổn định.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm một cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp của hai Tổng thống Moon-Biden và các phương tiện truyền thông sở tại dự đoán cuộc gặp có thể diễn ra sớm nhất là trong tháng này.

Tuy nhiên, Nhà Xanh (Phủ tổng thống Hàn Quốc) cho biết chưa có gì để xác nhận mặc dù hai bên đang tham vấn chặt chẽ về vấn đề này.

Chiến lược mới để tránh đối đầu Mỹ-Trung

Trung Quốc cần đóng một vai trò tích cực hơn trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên và tạo điều kiện cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Người khổng lồ châu Á này chắc chắn là quốc gia duy nhất vẫn có ảnh hưởng đối với Triều Tiên trong các vấn đề quan trọng.

Đây chính là lý do tại sao Seoul đang cố gắng tranh thủ sự hợp tác từ Bắc Kinh để nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ giữa Bình Nhưỡng và Washington đồng thời thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in.

Phát biểu sau cuộc hội đàm tại Hạ Môn, ông Vương Nghị tuyên bố rằng hai nước sẽ hướng tới một giải pháp chính trị cho vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, mở ra triển vọng thúc đẩy các nỗ lực chung nhằm nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, ông Chung Eui-yong nhấn mạnh hai nước chia sẻ mục tiêu chung là "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" Bán đảo Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc duy trì ổn định trên bán đảo và đảm bảo tiến triển thực chất trong tiến trình hòa bình tại đây.

Mặc dù những phát biểu này có vẻ giống những lời "ngụy biện ngoại giao," song lại có thể đóng vai trò là "chất xúc tác" để gỡ "Nút thắt Gordian."

Trung Quốc, "ân nhân" duy nhất của Triều Tiên, một mặt có thể đóng vai trò mang tính xây dựng hơn trong việc đưa Bình Nhưỡng tiến tới phi hạt nhân hóa và hòa bình, mặt khác cũng có thể làm giảm - ở một mức độ nhất định - gia tăng căng thẳng với Washington bằng cách hợp tác với chính quyền Joe Biden trong việc thực hiện mục tiêu chung là làm cho Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, không chắc liệu cả Mỹ và Trung Quốc có sẵn sàng hợp tác với nhau trong các vấn đề toàn cầu có lợi ích chung hay không, chẳng hạn như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa G2, triển vọng hợp tác của hai nước này là không mấy sáng sủa.

Điều này càng dễ xảy ra khi Washington đang nỗ lực thành lập một liên minh chống Trung Quốc (Joe Biden đang cố gắng mở rộng cơ chế Bộ Tứ) để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Hàn Quốc đang phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc gia nhập Bộ Tứ mở rộng. Hàn Quốc miễn cưỡng làm như vậy là vì phụ thuộc nhiều vào Mỹ (đồng minh truyền thống về an ninh), trong khi phụ thuộc vào Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất) để tăng trưởng kinh tế.

Điều cấp thiết là Seoul phải giữ cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh để tránh bị rơi vào "lưới lửa." Tuy nhiên, thật khó để bước tiếp trong tình thế "đi trên dây" như lúc này.

Phát biểu với báo giới trước chuyến thăm Trung Quốc mới đây, ông Chung Eui-yong đã bác bỏ ý kiến cho rằng Hàn Quốc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc (hoặc một trong hai bên đã yêu cầu Hàn Quốc đưa ra lựa chọn đó).

Ông khẳng định lập trường cơ bản của Seoul là rõ ràng và không hề mơ hồ, được dựa trên mối quan hệ đồng minh vững chắc với Washington và cải thiện hài hòa quan hệ với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng "chúng ta cũng cần chuẩn bị một chiến lược mới để phòng khi các cường quốc đối thủ buộc chúng ta làm điều đó"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục