Để nghề khai thác cá ngừ đại dương phát triển bền vững tại Phú Yên

Tỉnh Phú Yên được xem là điểm xuất phát nghề câu cá ngừ đại dương, tuy nhiên, qua thời gian phát triển, nghề câu cá ngừ đại dương chưa thực sự bền vững.
Để nghề khai thác cá ngừ đại dương phát triển bền vững tại Phú Yên ảnh 1Vận chuyển cá ngừ đại dương tại Phú Yên. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Tỉnh Phú Yên được xem là điểm xuất phát nghề câu cá ngừ đại dương của Việt Nam, khi một số lão ngư làng Phú Câu (phường 6, thành phố Tuy Hòa) chuyển từ nghề lưới chuồn, câu cá nhám sang câu cá ngừ đại dương.

Tuy nhiên, qua thời gian phát triển, nghề câu cá ngừ đại dương chưa thực sự bền vững, ngư dân không mặn mà với nghề câu.

Ngư dân không mặn mà với nghề câu

Mặc dù đã hình thành cách đây hơn hai chục năm nhưng dường như nghề câu cá ngừ đại dương chưa thật sự đem lại thu nhập ổn định, bền vững cho ngư dân.

Phân tích số liệu cho thấy, năm 1994 tỉnh Phú Yên mới có 7 tàu hành nghề; năm 2012 tăng lên 900 chiếc và đạt sản lượng 6.050 tấn.

Tuy nhiên, đến năm 2014, mặc dù số tàu tăng lên 1.063 chiếc nhưng chỉ đạt sản lượng hơn 4.000 tấn, thấp hơn hẳn so với năm 2012.

Bên cạnh đó, thời điểm nhiên liệu như dầu diesel, đá lạnh dùng cấp đông tăng cao, tính trung bình mỗi chuyến biển một tàu phải tốn chi phí từ 140-200 triệu đồng, nhưng giá cá ngừ đại dương do các doanh nghiệp, tư thương chi phối lại không tăng.

Nếu như năm 2012, giá cá ngừ đại dương đạt tiêu chuẩn loại 1 là 170.000 đồng/kg thì nay giá giảm xuống còn 145.000-150.000 đồng/kg.

Theo ngư dân, vài năm gần đây sản lượng khai thác một chuyến biển chỉ đạt 0,8-3,5 tấn cá ngừ đại dương, trong khi giá hạ nên phần lớn ngư dân lỗ nặng nếu không kết hợp với nghề khai thác lưới chuồn để bù đắp một phần chi phí.

Ông Cao Văn Lộc, cán bộ bến cá phường 6 (thành phố Tuy Hòa) cho biết: “Mùa câu cá ngừ vừa qua, chỉ 30% tàu có lãi, gần 40% tàu bị lỗ; số còn lại chỉ hòa vốn hoặc có chăng một chuyến biển thuyền viên chỉ được chia 1-2 triệu đồng. Đầu tháng 11 âm lịch là bắt đầu mùa khai thác cá ngừ đại dương nhưng đến thời điểm này chỉ có 186 tàu ra khơi, còn khoảng 30% số tàu đang nằm bờ. Do thiếu các thuyền viên đi biển hoặc mùa biển vừa qua bị lỗ nặng nên ngư dân chưa muốn ra khơi."

Phân tích về chất lượng cá ngừ đại dương, ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 cho biết, do hành nghề dài ngày trên biển trong khi công nghệ khai thác, bảo quản chưa tốt nên chất lượng cá không cao.

Một chuyến đi câu phải tốn ít nhất 40 ngày, trong khi sản phẩm cá ngừ sau khi được câu lên thường bảo quản bằng đá xay; hầm chứa lại chật hẹp và không cách nhiệt nên chất lượng thịt không đảm bảo độ tươi.

Điều này lý giải một trong những nguyên nhân sản phẩm cá ngừ đại dương của Phú Yên đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ chiếm từ 25-30% sản lượng.

Số còn lại ngư dân phải bán theo kiểu "hàng dạt" để sản xuất hàng cấp đông với giá trị chỉ bằng 50% so cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.


Giải pháp nâng cao giá trị cá ngừ

Để nâng cao giá trị cá ngừ đại dương, tỉnh Phú Yên ngoài việc tạo điều kiện cho ngư dân vốn để đóng mới tàu thuyền từ 400 mã lực trở lên, cần phải cải hoán hoặc nâng cấp công suất tàu thuyền hiện có.

Trong đó, nhất thiết phải cải tiến hầm bảo quản cá bằng composite hoặc lắp đặt thiết bị lạnh, không nên sử dụng đá xay bị nhiễm phèn. Bên cạnh đó, cần rút ngắn thời gian bảo quản cá từ khi đánh bắt đến vận chuyển vào bờ.

Muốn vậy, giải pháp tốt nhất là các đơn vị chức năng cần vận động ngư dân, doanh nghiệp thành lập các tổ đội hoạt động theo chuỗi từ khâu khai thác đến vận chuyển và vào bờ.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, đến nay tỉnh đã thành lập 66 tổ hợp tác sản xuất trên biển với 403 tàu khai thác xa bờ tham gia; đồng thời chọn Công ty cổ phần Thủy sản Bá Hải tham gia thực hiện thí điểm mô hình tổ chức khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.

Theo đó, Công ty cổ phần Thủy sản Bá Hải liên kết với 8 tổ hợp tác sản xuất trên biển với 80 tàu câu cá ngừ của ngư dân Phú Yên, trong đó Công ty cổ phần Thủy sản Bá Hải sẽ đóng mới 5 tàu composite, vừa khai thác vừa luân phiên thu gom sản phẩm từ các tổ để vận chuyển vào bờ nhanh nhất, đảm bảo cá đạt chất lượng, có giá trị kinh tế cao.

Công ty cổ phần Thủy sản Bá Hải còn được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ bảo quản CAS và thiết bị cấp đông công suất 500 kg/giờ với tổng vốn đầu tư khoảng 120 tỷ đồng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II năm nay. Công nghệ này có tác dụng giúp chất lượng cá ngừ đại dương khi rã đông vẫn giữ được tươi ngon như ban đầu.

Hiện Bộ Công Thương, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đang phối hợp với Công ty cổ phần Thủy sản Bá Hải ứng dụng mô hình công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm cho 1 tổ hợp tác sản xuất trên biển với 9 tàu cá tham gia do chủ tàu Lê Tấn Hồng làm tổ trưởng.

Ông Lê Tấn Hồng (ở khu phố 4, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa) là chủ tàu cá PY 90612 TS công suất 290 mã lực và là ngư dân đầu tiên của tỉnh Phú Yên đã áp dụng thử nghiệm thành công thiết bị gây tê và phương pháp gây mê cá ngừ đại dương.

Chuyến biển cuối cùng của mùa khai thác cá ngừ năm 2014 vừa qua, 80% sản lượng cá ngừ đại dương của ông Hồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thiết bị này do Trường Cao đẳng công nghiệp Tuy Hòa nghiên cứu là bộ kích điện, sử dụng nguồn điện 24 volt với cường độ dòng điện từ 20 đến 35 amper. Thiết bị này chỉ làm cho cá dính câu bị tê mà không làm ảnh hưởng đến các loài sinh vật khác xung quanh. Giá một bộ thiết bị gây tê cá ngừ khoảng 30 triệu đồng.

Việc áp dụng thiết bị gây tê và phương pháp gây mê cá ngừ đại dương còn đang tiếp tục thử nghiệm nhưng nếu giúp nâng cao được chất lượng cá ngừ đại dương thì đây sẽ là niềm vui lớn của ngư dân Phú Yên.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đang triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Theo ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, địa phương đang thực hiện giai đoạn 1 từ nay đến tháng 6/2015 làm thí điểm áp dụng chính sách tín dụng để đóng mới 30 chiếc từ 400 mã lực trở lên; cải hoán, nâng cấp 15 chiếc để khai thác vùng biển xa.

Sau đó, tỉnh sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và triển khai giai đoạn 2 từ tháng 7/2015 đến cuối năm 2016 với mục tiêu đóng mới 155 tàu; cải hoán, nâng cấp 450 chiếc công suất từ 400 mã lực trở lên.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã công bố 2 cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá vỏ gỗ và đăng ký Trung ương bổ sung kế hoạch năm 2015 gồm 18 công trình, dự án thủy sản ưu tiên đầu tư theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với tổng nhu cầu vốn đầu tư 1.046 tỷ đồng.

Về lâu dài, tỉnh Phú Yên sẽ thành lập Trung tâm giao dịch theo hình thức bán đấu giá cá ngừ đại dương và dịch vụ hậu cần nghề cá tập trung tại các cảng cá hiện đang quá lạc hậu.

Trước mắt, Phú Yên đang đầu tư xây dựng cảng cá Phú Lạc (huyện Đông Hòa) để phát triển khu vực phía Nam tỉnh với tổng kinh phí khoảng 85 tỷ đồng, trong đó 10 tỷ đồng đầu tư cho dịch vụ hậu cần nghề cá được thực hiện theo phương châm xã hội hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục