Đề nghị công nhận ấn vàng triều Nguyễn là bảo vật quốc gia

Ấn vàng Sắc Mệnh chi bảo, bia điện Nam Giao và bức tranh “Hồ Chủ tịch và thiếu nhi Trung, Nam, Bắc” được đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia.
Đề nghị công nhận ấn vàng triều Nguyễn là bảo vật quốc gia ảnh 1Ấn vàng Sắc Mệnh chi bảo được lựa chọn để lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho hay, đơn vị này đã lựa chọn ấn vàng Sắc Mệnh chi bảo (năm Minh Mệnh thứ 8 - 1827) để lập hồ sơ khoa học đề nghị được công nhận là bảo vật quốc gia.

Ấn vàng Sắc Mệnh chi bảo thuộc bộ sưu tập ấn của Hoàng đế, Vương hậu triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Cổ vật này được lựa chọn với những giá trị tiêu biểu như: là loại ấn vàng có vị trí đặc biệt quan trọng trong thiết chế quân chủ phong kiến Việt Nam chỉ còn lại ở triều Nguyễn; được chế tạo bằng chất liệu quý (vàng) với kỹ thuật đúc, khắc công phu.

Chiếc ấn này là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, đùng để đóng trên các loại sắc phong của vương triều.

Bên cạnh đó, trong đợt này, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cũng lựa chọn hai hiện vật khác để lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia: bia điện Nam Giao và bức tranh “Hồ Chủ tịch và thiếu nhi Trung, Nam, Bắc.”

Đề nghị công nhận ấn vàng triều Nguyễn là bảo vật quốc gia ảnh 2Mặt trước bia điện Nam Giao. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho biết, bia điện Nam Giao có niên đại từ đời vua Lê Hy Tông (1679). Đây là một trong những di vật có giá trị nhất còn lại của điện Nam Giao dựng năm thứ tư, hiệu Vĩnh Trị, đời vua Lê Hy Tông (1679).

Trên tấm bia có khắc bài ký điện Nam Giao nói rõ về ý nghĩa lịch sử và quá trình xây dựng diện Nam Giao - nơi vua và triều thần tiến hành đại lễ vào đầu Xuân hàng năm, cầu cho quốc thái dân an. Bởi vậy, đây là bằng chứng sống động về những giá trị thiêng liêng của Quốc lễ truyền thống.

Bức tranh “Hồ Chủ tịch và thiếu nhi Trung, Nam, Bắc” là hiện vật gốc, bức huyết họa bằng lụa đặc biệt trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm do họa sỹ Diệp Minh Châu vẽ bằng máu của mình trên nền vải lụa vào ngày 2/9/1947 tại Nam Bộ.

Họa phẩm có giá trị tư tưởng sâu sắc, thể hiện tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam và lòng kính yêu vô hạn của cả dân tộc với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đề nghị công nhận ấn vàng triều Nguyễn là bảo vật quốc gia ảnh 3Bức tranh 'Hồ Chủ tịch và thiếu nhi Trung, Nam, Bắc.' (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Theo đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, ba hiện vật này được lựa chọn lần này dựa trên những tiêu chí để xác định hiện vật là bảo vật quốc gia như: tính độc bản, độc đáo, có giá trị đặc biệt đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước…

Từ năm 2012 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận 79 bảo vật quốc gia; gồm ba đợt:

- Đợt 1 công nhận 30 hiện vật, nhóm hiện vật tiêu biểu (Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 1/10/2012): Trống đồng Ngọc Lũ (thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn), bản thảo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" (bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh), tượng Thần Surya (thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo)...

- Đợt 2 công nhận 37 hiện vật, nhóm hiện vật tiêu biểu (Quyết định 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013): Mộ thuyền Việt Khê (thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn), bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” (họa sỹ Nguyễn Sáng)…

- Đợt 3 công nhận 12 hiện vật, nhóm hiện vật tiêu biểu (Quyết định số 53/QĐ -TTg ngày 13/1/2015): 82 bia Tiến sỹ Văn Miếu-Quốc Tử Giám (niên đại 1484-1780), bản đồ “Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh” (hiện vật trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử)…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục