Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án đường song hành từ Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2 (tại nút giao An Phú dọc theo đầu tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây); đồng thời chấp thuận chủ trương thực hiện giao đất cho nhà đầu tư cùng thời điểm thực hiện dự án để tăng hiệu quả, góp phần kích cầu đầu tư trên địa bàn thành phố.
Ủy ban Nhân dân thành phố chịu trách nhiệm xem xét, lựa chọn chỉ định nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, chuyên môn và kinh nghiệm thực hiện theo đúng quy định để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Với mục tiêu phục vụ nhu cầu tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các dự án trọng điểm của thành phố trên địa bàn quận 2, dự án Khu dân cư Nam Rạch Chiếc 90,26ha là một trong những dự án trọng điểm, rất cần được quan tâm, hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tuy nhiên, địa bàn quận 2 là khu vực mới phát triển, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ đô thị hóa.
Kết nối giao thông của các dự án gặp nhiều khó khăn do chưa có tuyến đường kết nối đồng bộ, đặc biệt, tại nút giao An Phú có mật độ giao thông rất lớn.
Vì thế, việc nhanh chóng đầu tư tư tuyến đường song hành từ Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2 trở nên cấp bách, góp phần kết nối hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Nam Rạch Chiếc 90,26ha vào hệ thống hạ tầng đô thị chung, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Khu dân cư Nam Rạch Chiếc, phục vụ cho nhu cầu tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm và tạo điều kiện lưu thông thuận lợi cho cộng đồng dân cư khoảng 40.000 người tại khu vực.
Ngoài ra, việc rút ngắn thời gian xây dựng tuyến đường kết nối hạ tầng hoàn chỉnh tại Khu dân cư Nam Rạch Chiếc cũng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ di dời, hoàn tất việc giải phóng mặt bằng toàn bộ Khu đô thị mới Thủ Thiêm và đảm bảo tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hình thức hợp đồng BT trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường do chậm tiến độ được quy định theo các hợp đồng BT đã ký kết.
Trong khi đó, nếu thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ sẽ tốn nhiều thời gian và mất cơ hội đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư tại địa bàn quận 2 nói chung và dự án Khu dân cư Nam Rạch Chiếc nói riêng.
Liên quan đến việc thực hiện các dự án hạ tầng, xây dựng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa đăng ký Bộ Kế hoạch và Đầu tư danh mục các dự án sử dụng ODA vốn vay của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2016-2018.
Theo đó, dự án bổ sung vốn vay gồm dự án Cải thiện Môi trường nước thành phố (lưu vực kênh Tàu Hũ-Bến Nghé-Đôi Tẻ), giai đoạn 2 với vốn bổ sung là 15,11 tỷ yen.
Dự án đăng ký mới gồm dự án xây dựng Nhà ga Trung tâm Bến Thành (tổng mức đầu tư khoảng 350 triệu USD), dự án metro số 3a, giai đoạn 1 (Bến Thành-Bến xe Miền Tây, 1,82 tỷ USD), dự án metro số 3a, giai đoạn 2 (Bến xe Miền Tây-Tân Kiên, 1 tỷ USD, dự án metro 3b (ngã sáu Cộng Hòa-Hiệp Bình Phước, 1,87 tỷ USD), dự án Cải thiện Môi trường nước thành phố (lưu vực kênh Tàu Hũ-Bến Nghé-Đôi Tẻ), giai đoạn 3 (vốn vay ODA dự kiến là 48 tỷ yen), dự án xây dựng nút giao thông An Phú (nút giao hoàn chỉnh) kết nối giữa tuyến Đại lộ Đông Tây và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (vốn vay ODA 48,8 tỷ yen).
Trong khi đó dự án tuyến monorail số 2 (Quốc lộ 50-Bến xe Miền Tây mới, dự kiến kết nối với tuyến metro số 3a có tổng mức đầu tư khoảng 750 triệu USD và dự án Xây dựng đường trên cao tuyến số 5 (trên đường vành đai số 2 (Quốc lộ 1) từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương) có tổng mức đầu tư khoảng 750 triệu USD./.