Đề nghị tăng mức phạt với khách mở cửa máy bay

Tăng mức phạt với khách mở cửa thoát hiểm máy bay là kiến nghị được đưa ra tại hội nghị 5 năm thực hiện Luật Hàng không dân dụng VN.
Tăng mức phạt với khách mở cửa thoát hiểm máy bay là kiến nghị được đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 do Cục Hàng không Việt Nam tổ chức ngày 22/11, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiêm Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Quý Tiêu, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình hội nhập, phát triển của ngành Hàng không.

Luật đã thể hiện tư duy mới trong quản lý nhà nước đối với hàng không dân dụng, tách công tác quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh.

Nhờ có luật, ngành hàng không đã phát triển tích cực với tốc độ tăng trưởng trung bình 15,2%/năm về sản lượng khách và 12,2% về sản lượng hàng hóa trong 5 năm qua. Đội tàu bay hiện tại của các hãng là 87 chiếc, trong đó số sở hữu là 38 chiếc.

Công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không, an ninh, an toàn cũng được thực hiện tốt…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung sát với thực tế hơn.

Chẳng hạn mức phạt hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm 15 triệu đồng là nhẹ khi sự việc này làm chậm cả chuyến bay chở 300 hành khách 2 tiếng, làm hãng hàng không thiệt hại hàng trăm triệu đồng…

Cũng đồng quan điểm này, ông Phan Xuân Đức, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines kiến nghị xử phạt thật nặng đối với hành vi dọa có bom trên máy bay. Hiện với hành vi này chỉ bị phạt 10 triệu đồng nhưng hãng hàng không bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, ông Phan Xuân Đức cũng đề nghị điều chỉnh lại tổng mức góp vốn của nhà đầu tư là cá nhân và pháp nhân nước ngoài trong lĩnh vực hàng không với tỷ lệ dưới 25% vốn điều lệ (quy định hiện nay là không quá 49%), đồng thời khống chế mức góp vốn của một nhà đầu tư nước ngoài là hãng hàng không với tỷ lệ góp vốn dưới 10% vốn điều lệ (quy định hiện nay không quá 30%).

Bởi vì theo quy định của luật Doanh nghiệp hiện nay, trong trường hợp cá nhân, pháp nhân nước ngoài nắm giữ từ 26-30% vốn điều lệ thì họ có quyền phủ quyết đối với quyết định của đại hội cổ đông. Việc này có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng không nội địa...

Sau hội nghị này, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ để báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế./.

Uông Lam (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục