Để sân khấu kịch gần gũi hơn với hiện thực xã hội

Với mong muốn đưa kịch gần hơn với thực tiễn, Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012 sẽ dành riêng cho đề tài hiện đại.
Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc đã chính thức khai mạc tại cố đô Huế, tụ hội 20 đơn vị nghệ thuật tham gia với 26 vở diễn đề tài hiện đại.
 
Trước khi diễn ra liên hoan, đã có nhiều ý kiến khen, chê, bình luận về công tác tổ chức, các vở diễn được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Phóng viên TTXVN đã có cuộc gặp gỡ với ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó trưởng Ban Chỉ đạo thường trực liên hoan để làm rõ một số thông tin còn gây thắc mắc trong dư luận.
 
Cần lắm tác phẩm phán ánh đúng cuộc sống
 
Vấn đề đầu tiên được dư luận cũng như một số người trong giới quan tâm là vì sao liên hoan chỉ dành cho các vở diễn đề tài hiện đại mà không dành “đất diễn” cho đề tài lịch sử?
 
Ông Vương Duy Biên cho biết đây không phải là liên hoan đầu tiên của sân khấu kịch, trước đây đã có nhiều liên hoan không phân biệt đề tài lịch sử, dân gian hay hiện đại, các đơn vị nghệ thuật thả sức sáng tạo.
 
Trong các kỳ liên hoan đó, kịch lịch sử chiếm phần lớn số lượng tham dự, đương nhiên xuất hiện nhiều tác phẩm đề tài lịch sử chất lượng cao, gây ấn tượng tốt cho giới nghệ sỹ sân khấu cũng như công chúng. Thế nhưng các vở diễn hay, chất lượng về đề tài hiện đại lại rất hiếm. Chính vì lẽ đó mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn dành riêng liên hoan lần này cho đề tài hiện đại để khuyến khích các tác phẩm kịch phản ánh đúng cuộc sống hiện thực của ngày hôm nay.
 
Theo ý kiến của ông Vương Duy Biên thì sân khấu từ xưa tới nay thời nào cũng lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực xã hội, chống tham nhũng, phản ánh xã hội... Việt Nam đang ở thời điểm hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa sâu rộng nên những vấn đề của xã hội đã khác xưa rất nhiều. Sân khấu kịch là một mũi nhọn xung kích của nghệ thuật cần phải có một diện mạo mới, phù hợp hơn với thực tại và gần gũi với cuộc sống của người dân.
 
Các tác phẩm mũi nhọn không thể cứ mãi dùng cách “mượn cổ nói kim” như xưa để phản ánh xã hội, đã đến lúc phải trực tiếp nhìn thẳng vào hiện thực, lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ nhất các tiêu cực, chia sẻ khó khăn với nhân dân, trăn trở với mỗi số phận người dân trong cuộc sống hôm nay... Ưu tiên cho các vở diễn đề tài hiện đại không có nghĩa là quay lưng lại với truyền thống dân tộc, bỏ quên các tác phẩm lịch sử bởi chúng ta vẫn dành nhiều kỳ liên hoan khác cho đề tài lịch sử và cả đề tài dân gian...
 
Kịch bản cũ nhưng vở diễn là mới
 
26 vở diễn tham gia liên hoan với những cách thức khai thác khác nhau, chủ đề khác nhau như chống tham nhũng, lên án tệ các tệ nạn xã hội, các vấn đề của gia đình cho đến cả kịch kinh dị, giải trí cho thiếu nhi. Trong số này có những vở mới toanh, nóng hổi lần đầu được dàn dựng, song cũng có những vở được dàn dựng lại. Có ý kiến cho rằng phải chăng sân khấu kịch đang thiếu hụt trầm trọng những kịch bản hay, đến nỗi các đoàn phải dựng lại những kịch bản đã thành công trước đó?
 
Ông Vương Duy Biên cũng thừa nhận rằng thực tế sáng tác hiện nay đúng là đang thiếu những kịch bản hay và thông qua những liên hoan như thế này Ban tổ chức kêu gọi các tác giả tâm huyết với sân khấu hãy cố gắng ngẫm nghĩ, đầu tư để có nhiều kịch bản mới, hấp dẫn cho sân khấu kịch. Liên hoan lần này có những vở diễn được dàn dựng lại trên cơ sở kịch bản đã ra đời cách nay khá lâu. Tuy nhiên, cần phải phân biệt kịch bản cũ với vở diễn cũ.
 
Ông Biên khẳng định các vở diễn tham dự liên hoan lần này đều mới được dàn dựng từ năm 2008 trở lại đây theo đúng tiêu chí của Ban tổ chức đã công bố. Không thể nói đây là những vở diễn cũ vì dàn dựng trên kịch bản cũ vì các vở đều đã được dàn dựng lại, có nhiều sáng tạo khác so với vở đã ra mắt trước đó. Quan trọng hơn cả là vở dựng lại phù hợp với tinh thần, hiện thực xã hội thời điểm hiện tại và chính là một cách thể hiện tài năng của người đạo diễn trẻ khi vượt qua cái bóng của các “cây đa, cây đề” đi trước. Còn với một kịch bản hay, các đơn vị nghệ thuật hoàn toàn có quyền khai thác, dàn dựng, sáng tạo theo nhiều cách khác nhau từ năm này qua năm khác, đó là điều hoàn toàn bình thường...
 
Để chuẩn bị cho bất kỳ cuộc liên hoan nào, ban tổ chức cũng có thông báo gửi tới các đơn vị nghệ thuật trong cả nước trước đó sáu tháng để họ có thời gian chuẩn bị kế hoạch, kinh phí và dàn dựng tác phẩm. Cũng phải khẳng định rằng việc lựa chọn kịch bản để dàn dựng tác phẩm với các đơn vị chuyên nghiệp là việc làm thường xuyên chứ không phải chỉ chọn, chỉ dựng khi có liên hoan. Liên hoan chính là sân chơi để các đơn vị mang tới những tác phẩm xuất sắc nhất, tinh túy nhất được dàn dựng trong khoảng thời gian ba năm qua.
 
Xã hội hóa ở miền Bắc đã rõ nét hơn
 
Tham dự liên hoan lần này có tám đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, trong đó có đơn vị mang tới liên hoan hai vở diễn như đơn vị Phước Sang, đơn vị của nghệ sỹ Hồng Vân... Hầu hết các vở diễn của các đoàn ngoài công lập đều là những vở mới, đã ra rạp và chiếm được cảm tình của khán giả, doanh thu từ bán vé khá tốt, nhất là với các đơn vị phía Nam.
 
Một tín hiệu vui với sân khấu miền Bắc trong Liên hoan lần này là đã có tới bốn vở diễn được dàn dựng hoàn toàn bằng kinh phí xã hội hóa. Đó là các vở “Biển và bờ” của Trung tâm bảo tồn phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam; “Cầu vồng lục sắc” của Hội Sân khấu Hà Nội; “Mùa hạ cay đắng” của Trường Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội; “Chúa nhẫn và những chiến binh vũ trụ” của nhóm nghệ sỹ Xuân Bắc- Tự Long thuộc Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam.
 
Riêng với vở “Mùa hạ cay đắng,” nữ nghệ sỹ Kim Oanh đã tự mình dành hẳn khoản kinh phí lên hơn 150 triệu để dàn dựng chỉ với một lý do “quá yêu thích kịch bản và muốn được thể hiện vai diễn mình yêu thích”...
 
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Vương Duy Biên cho biết đây là điều đáng hoan nghênh với các nghệ sỹ sân khấu phía Bắc vốn chuyển động, bắt nhịp với thị trường nghệ thuật chậm hơn phía Nam. Về phía Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Biên cho biết sẽ cố gắng để hỗ trợ các đơn vị ngoài công lập tham gia liên hoan lần này.
 
“Phải có cơ chế hợp lý hỗ trợ cho các đơn vị xã hội hóa để tạo sự cân bằng cho các nghệ sỹ bởi các đơn vị công lập đã có hỗ trợ từ Nhà nước. Và sự hỗ trợ này phải làm thường xuyên, không phân biệt đơn vị công lập hay ngoài công lập vì đây đều là những đơn vị tham gia phục vụ nhân dân, đưa nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thưởng thức da dạng, ngày càng cao của nhân dân…” Ông Vương Duy Biên khẳng định…/.

Thanh Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục