Đề xuất bổ sung 2 dự án nhà máy điện vào quy hoạch phát triển quốc gia

Cà Mau yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Công Thương xem xét, chấp thuận bổ sung dự án nhà máy điện gió Khánh Tiến, nhà máy điện Cà Mau 3 vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Đề xuất bổ sung 2 dự án nhà máy điện vào quy hoạch phát triển quốc gia ảnh 1Trụ tuabin gió của một dự án nhà máy điện gió ở cửa biển Gành Hào, Cà Mau. (Ảnh minh họa. Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục cần thiết để tỉnh sớm trình Bộ Công Thương xem xét, chấp thuận bổ sung dự án nhà máy điện gió Khánh Tiến (tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh) và nhà máy điện Cà Mau 3 (tại Khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh) vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Theo hồ sơ, dự án nhà máy điện gió Khánh Tiến được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn xây dựng 78 và Công ty Cổ phần Thủy điện Alin 2 đầu tư xây dựng với diện tích khảo sát khoảng 9.290ha. Quy mô công suất dự án 402,8MW, gồm bốn giai đoạn, công suất mỗi giai đoạn 100,7MW với tổng mức đầu tư 16.074 tỷ đồng; dự kiến đưa vào vận hành từ quý 2/2022 đến quý 4/2023.

Hiện tại, khu vực dự án chưa có cột đo gió. Qua tham khảo bản đồ tiềm năng gió khu vực tỉnh Cà Mau theo quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh, khu vực này có vận tốc gió trung bình từ 6,3m/s.

Theo dữ liệu dài hạn ERA5, dữ liệu vệ tinh từ năm 2009 đến năm 2018, vận tốc gió trung bình ở độ cao 100m khoảng 5,61m/s.

[Khẩn trương điều chỉnh vị trí tuabin Điện gió Tân Thuận]

Thời gian qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn xây dựng 78 đã tích cực triển khai các giải pháp công nghệ và thông số chính trong việc lựa chọn tuabin gió và bố trí tuabin gió, tính toán điện năng sản xuất của dự án, nguyên lý làm việc của nhà máy, phương án và giải pháp bố trí và thi công trình, tiến độ thực hiện dự án...; thông tin về nhu cầu sử dụng đất; đánh giá ảnh hưởng của dự án đến nối lưới điện khu vực, các giải pháp đấu nối cung cấp điện; nhu cầu vốn đầu tư và hiệu quả dự án; đánh giá tác động môi trường.

Qua đó, phía công ty kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, chấp thuận và trình hồ sơ để Bộ Công thương xem xét bổ sung dự án Nhà máy điện gió Khánh Tiến vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Tuy nhiên, để triển khai đầu tư xây dựng có hiệu quả dự án Nhà máy điện gió Khánh Tiến, cơ quan chức năng tỉnh yêu cầu chủ đầu tư tính toán kỹ các phương án, sắp xếp sơ đồ bố trí tuabin cho phù hợp và xem xét lại khoảng cách bố trí các trụ tuabin.

Do dự án được xây dựng không chỉ thuộc địa phận xã Khánh Tiến mà còn liên quan đến xã Khánh Hội, đây là hai xã có cửa biển chính của huyện U Minh. Do vậy, chủ đầu tư nên lấy ý kiến công khai để tạo sự đồng thuận của người dân để tránh ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của ngư dân vùng biển; đồng thời, cam kết đảm bảo cho tàu thuyền khai thác hải sản lưu thông trong khu vực và có biện pháp chống va đập, có đèn tín hiệu trong khu vực dự án, nhất là vào ban đêm để đảm bảo an toàn cho người dân.

Riêng dự án Nhà máy điện Cà Mau 3 do Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam đầu tư. Theo hồ sơ dự án, Nhà máy điện Cà Mau 3 được xây dựng với tuabin khí hỗn hợp sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), công suất đặt khoảng 1.500MW, tiêu thụ 1,2 triệu tấn LNG/năm. Dự kiến trong năm 2026-2027 dự án sẽ được đưa vào vận hành với sản lượng điện 09 tỷ kWh/năm với tổng mức đầu tư dự án gần 35.000 tỷ đồng.

Nhà máy điện Cà Mau 3 được xây dựng sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam trong bối cảnh dự án nhiệt điện quy hoạch giai đoạn 2026-2030 bị chậm tiến độ; tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất truyền tải, nâng cao chất lượng điện năng; chia sẻ gánh nặng tài chính cho ngành điện trong đầu tư phát triển nguồn điện; tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Cà Mau và khu vực lân cận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục