Đề xuất Đồn Thứ và Trường Lũy là Di sản quốc gia

Đồn Thứ và Trường Lũy Bình Định là công trình quân sự được xây dựng cách đây 100 năm, một cứ điểm quan trọng, có giá trị lịch sử lớn.
Đồn Thứ và Trường Lũy Bình Định xưa kia là cứ điểm quan trọng, một công trình quân sự có quy mô lớn với chức năng phòng vệ, đảm bảo an ninh.

Ngày 30/5, tại thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Đoàn khai quật khảo cổ học (Viện Khảo cổ học - Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã báo cáo kết quả bước đầu trong việc khai quật khảo cổ học di tích lịch sử Đồn Thứ và Trường Lũy tại thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn (Bình Định).

Với những cơ sở từ thực trạng của di tích và những hiện vật tìm thấy, cũng như kết quả nghiên cứu bước đầu, các nhà khảo cổ học, các nhà nghiên cứu lịch sử, đều nhất trí đề xuất Nhà nước công nhận di tích lịch sử Đồn Thứ và Trường lũy là Di sản văn hóa cấp quốc gia.

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Đông, Trưởng phòng Nghiên cứu kỹ thuật cổ (Viện Khảo cổ học Việt Nam), Trưởng đoàn khai quật khảo cổ di tích cho biết Đồn Thứ được xây dựng trên diện tích gần 1,6ha; được chia làm hai khu vực. Khu vực 1 với 6.000m2 và khu vực 2 gần 10.000m2.

Tất cả các tường đồn đều được xây dựng bằng đá tự nhiên theo kỹ thuật xếp đá, không có chất kết dính. Toàn bộ tường quây đồn có kỹ thuật lõi đất đầm chặt ốp đá bên ngoài và xây gạch cấp, riêng bức tường ngăn giữa được xây hoàn toàn bằng đá với kỹ thuật xếp đá khá cao.

Đồn Thứ được xây dựng bởi nhiều đội quân lính khác nhau, không xây dựng cùng một lúc. Ở các góc đồn đều có một trụ lớn được xây cao vượt hẳn lên khỏi mặt tường, được coi là tháp canh với tổng cộng năm tháp.

Đồn có bốn cửa mở ra ngoài và một cửa thông giữa hai khu vực. Cửa chính nam mở ra không gian ngoài đồn, nhìn xuống thung lũng Tam Quan, xa hơn là biển Đông.

Bên ngoài phía Nam còn thấy rõ một phức hợp gồm hào, đường, sân, các bậc cấp đi lên. Những yếu tố kiến trúc này, cùng với các thành phần nền, tường bao kiến trúc nhỏ bên trong, kết hợp với những di tích liên quan đến hoạt động thờ phụng, tín ngưỡng như chân lư hương lớn, nhỏ còn lại, cho các nhà khoa học bước đầu kết luận: đồn có chu vi rộng khoảng 10.000m2.

Qua khai quật năm hố thám sát cùng với các hiện vật được phát hiện như gốm sứ, cho thấy Đồn Thứ tồn tại trong khoảng 100 năm, từ cuối thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19.

Như vậy, Đồn Thứ là một công trình quân sự có quy mô lớn với chức năng phòng vệ, đảm bảo an ninh, cũng như sự yên bình về tâm linh.

Mặt khác, Thứ quân là một lực lượng quân đội chính quy thuộc triều đình quản lý. Theo Đại Nam thực lục, Thứ quân do Tả quân Lê Văn Duyệt (triều đình nhà Nguyễn) chỉ huy, đồn trú trên miền biên ải phía Tây Quảng Ngãi-Bình Định, sau đó cũng lực lượng này trở thành chủ yếu của hệ thống sơn phòng.

Di tích Đồn Thứ và hơn 14km Trường Lũy chạy qua hai huyện An Lão và huyện Hoài Nhơn (Bình Định) là một mắt xích quan trọng trong toàn tuyến hệ thống Trường Lũy từ Quảng Ngãi đến Bình Định, với tổng chiều dài 127km.

Tại địa phận tỉnh Bình Định, Đồn Thứ và Trường Lũy còn khá nguyên vẹn. Đồn Thứ là đồn lớn nhất có vai trò như một cứ điểm tập trung quân lớn nhất để đảm bảo an ninh cho toàn bộ khu vực.

Ở đây không thể không nói đến con đường Thiên lý trong lịch sử, là thượng đạo được chính hệ thống lũy, đồn bảo vệ. Qua đó có thể khẳng dịnh Đồn Thứ đảm bảo an ninh nơi biên ải miền Tây Bình Định, vừa bảo vệ con đường huyết mạch Bắc-Nam, vừa là trấn ải ngăn chặn sự xâm nhập xuống từ miền duyên hải phía Tây.

Với vai trò là cứ điểm quan trọng, di tích có giá trị lịch sử rất lớn và là kết quả lao động sáng tạo và mồ hôi, xương máu của tiền nhân. Vì vậy, Đồn Thứ và Trường lũy Bình Định cần được các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, công nhận là Di sản văn hóa quốc gia để bảo tồn và phát huy giá trị, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, nhất là phát triển du lịch về nguồn, gắn với du lịch sinh thái./.

Viết Ý (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục