Đề xuất giải pháp sát thực tiễn, có tính đột phá để phát triển Thủ đô

Các đại biểu dự kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đề xuất những giải pháp thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm, sát thực tiễn, có tính đột phá, thúc đẩy phát triển Thủ đô.
Đề xuất giải pháp sát thực tiễn, có tính đột phá để phát triển Thủ đô ảnh 1Các đại biểu dự kỳ họp. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 7/7, sau 2 ngày làm việc, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ họp thứ 15, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV hoàn thành các nội dung đề ra.

Các đại biểu đề xuất những giải pháp thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm, sát thực tiễn, có tính đột phá, thúc đẩy phát triển Thủ đô trong 6 tháng cuối năm 2020 và những năm tiếp theo.

Đáng chú ý, phát huy bài học trong phòng, chống dịch COVID-19 ở Hà Nội là cả hệ thống chính trị quyết liệt, sáng tạo vào cuộc và sự đồng lòng của nhân dân, các đại biểu mong muốn thành phố điều hành và tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chỉ đạo mới của Chính phủ liên quan đến tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

Đồng thời, các đại biểu kiến nghị thành phố có những giải pháp, cơ chế, chính sách để tận dụng cơ hội mới, lợi thế mới của Thủ đô sau dịch. 

Các đại biểu mong muốn thành phố tập trung hoàn thành những chỉ tiêu đạt còn thấp, phấn đấu cao nhất hoàn thành mục tiêu kinh tế-xã hội 5 năm và có từng giải pháp cho những chỉ tiêu cần đạt.

Song song với đó, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính; sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị; triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế mới, coi đây là nguồn lực cho phát triển của thành phố trong thời kỳ mới.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã xem xét, thảo luận và thông qua 12 báo cáo, 13 nghị quyết với tỷ lệ thống nhất rất cao, trong đó có 12 nghị quyết là nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội và nghị quyết kiện toàn công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân thành phố.

[HĐND thành phố Hà Nội thông qua nhiều nghị quyết phát triển KT-XH]

"Các nghị quyết được Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chuẩn bị công phu, đúng luật và đã được thông qua với tỷ lệ rất cao, đây là căn cứ, là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tạo sự chủ động trong phát triển kinh tế của Thủ đô. Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện, đảm bảo các nghị quyết đi vào cuộc sống một cách sớm nhất và đạt hiệu quả thiết thực," Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các đại biểu ngay sau kỳ họp sẽ thông báo đến cử tri những nghị quyết này để triển khai thực hiện và trong quá trình triển khai lắng nghe tâm tư nguyện vọng, khó khăn của cơ sở để kịp thời phản ánh với Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, tham gia với Ủy ban Nhân dân thành phố có những giải pháp để đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách tốt nhất.

Cũng trong phiên họp, chiều cùng ngày, với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải nghỉ công tác do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố phải nghỉ công tác do thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và một số chức danh ở thôn, tổ dân phố nghỉ công tác do sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Đề án tiếp tục kiện toàn thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội hành kèm theo Quyết định số 5241/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Tổng số người dự kiến được hưởng hỗ trợ là 10.452 người với tổng kinh phí dự kiến 4,291 tỷ đồng từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương của ngân sách các cấp.

Trong số đó, cán bộ, công chức cấp xã và viên chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được hưởng là 21 người. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và do thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU là 2.423 người.

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố phải nghỉ công tác khi chưa hết nhiệm kỳ do sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là 5.260 người.

Đối tượng là bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phó, trưởng ban công tác mặt trận, phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố phải nghỉ công tác khi chưa hết nhiệm kỳ do sáp nhập để kiện toàn thôn, tổ dân phố là 2.748 người.

Cũng tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm chia nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020; Chương trình giám sát năm 2021 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục