Đề xuất tịch thu xe: Khi chế tài xử phạt cũ không còn phù hợp

Đề xuất người điều khiển xe vượt quá nồng độ cồn quy định nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
Đề xuất tịch thu xe: Khi chế tài xử phạt cũ không còn phù hợp ảnh 1Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về tịch thu phương tiện do người điều khiển có nồng độ cồn cao hơn quy định, nhiều ý kiến lo ngại rằng, đề xuất này thiếu cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, đại diện các cơ quan chức năng nhìn nhận, chế tài trên nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; để có thông điệp đủ sức răn đe với người điểu khiển phương tiện là đã uống bia, rượu thì không lái xe.

Có cồn sẽ "lái lụa" hơn...

Tại hội thảo “Giảm thiểu tai nạn giao thông: Tịch thu bằng chế tài mạnh, pháp lý và thực tiễn” vào này hôm nay (11/3) do Trung tâm Truyền thông, giáo dục cộng đồng tổ chức, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, vừa qua Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ ngành khác tiếp nhận, ý kiến đề xuất tịch thu phương tiện trên để trình Thủ tướng xem xét quyết định trước 31/3/2015. Hiện, đề xuất này đã được Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận.

Giải thích lý do vì sao Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất chế tài tăng nặng xử phạt, ông Hùng cho rằng, hiện nay, theo quy định của pháp luật nếu lái xe ôtô trong trạng thái có nồng độ cồn là bị cấm (có mức độ, tỷ lệ cụ thể).

“Còn việc uống rượu bia có phải là hành vi nghiêm trọng và uy hiếp an toàn xã hội hay không? Chúng ta hay ví một người say như một kẻ cầm dao vào chợ vung dao múa. Tại sao phạt nặng thế? Chúng tôi cho rằng, đề xuất chế tài để hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, để có một thông điệp có sức nặng, đủ sức cảnh báo thường xuyên với người điểu khiển phương tiện là đã uống bia, rượu thì không lái xe,” ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong 5 năm trở lại đây, Bộ Giao thông Vận tải có kết nối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều tổ chức khác để khảo sát về vấn đề uống rượu bia và tai nạn giao thông.

Kết quả khảo sát của WHO cho thấy, trong số 18.500 nạn nhân tai nạn giao thông thì có 67% lái xe ôtô gây tai nạn giao thông có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép; 36% tai nạn xe máy cũng do nồng độ cồn quá mức cho phép.

Trong 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nhất gần đây xảy ra ở Hưng Yên làm 5 người chết; ở Cao Bằng làm 3 người chết thì đều có vi phạm về nồng độ cồn. Hay việc 317 người chết vì tai nạn giao thông trong 9 ngày Tết, tăng hơn năm trước 35 người, mức độ nghiêm trọng cao hơn và có nguyên nhân chủ yếu do sử dụng rượu, bia…

“Ngoài ra, báo cáo sơ bộ từ Cảnh sát giao thông có ba hành vi vi phạm chính với người gặp nạn đối với người đi xe máy là không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, đi sai phần đường. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến người ta cảm thấy mình có thể đi nhanh hơn, “phê,” “lụa” hơn khi ở trạng thái bị kích thích thần kinh mà nguyên nhân chủ yếu là bia, rượu,” ông Hùng đưa ra lý lẽ.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, sử dụng rượu bia không đúng mức sẽ gây tác hại sức khỏe, kinh tế, bạo lực gia đình, mất an toàn xã hội... Trong đó, nghiên cứu tác động đối với các vụ tai nạn giao thông có 60% liên quan đến rượu, bia.

Quan điểm của nhà quản lý, nhà làm luật của Bộ Y tế là ủng hộ hoàn toàn đề xuất của Ủy ban An toàn Giao thông để giảm tai nạn gây tổn hại sức khỏe, tính mạng và các tổn hại khác với xã hội.

Phạt nhẹ không còn phù hợp

Phát biểu tại hội thảo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đánh giá, tình trạng pháp luật về giao thông hiện nay là rất phổ biến, tràn lan, ngang nhiên, có cả hiện tượng coi thường và chống đối lực lượng chức năng.

“Trước một tình trạng như vậy, không có lý do gì chúng ta làm ngơ, do đó đòi hỏi phải có biện pháp, chế tài mạnh mẽ hơn nữa. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cần có giải pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng này vì các giải pháp nhẹ không còn phù hợp nữa,” ông Cương khẳng định.

Bàn về đề xuất tịch thu phương tiện, theo ông Cương, tịch thu phương tiện trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, do cố ý, nếu trong luật không ghi rõ thì cần phải làm rõ hơn trong Nghị định, hướng dẫn.

"Đã uống rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, thậm chí có thể giết chết nhiều người," ông Cương nói.

Ngoài ra, ông Cương cũng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật để làm rõ hành vi tịch thu xe ở Điều 38, tịch thu khi xe không chính chủ ở Điều 126 của Nghị định 171 có quy định rất rõ ràng. Thời gian qua, trên mạng xã hội có tranh luận về xe đi mượn và xe chính chủ. Nếu đọc kĩ điều 126 thì đã nêu rõ: phương tiện trả về cho chủ sở hữu, người mượn xe nộp khoản tiền bằng giá trị chiếc xe. Nếu chủ sở hữu giao xe cho 1 người không được phép thì phương tiện vẫn bị tịch thu.

“Tôi thấy quy định khá đầy đủ, nhưng vấn đề sở hữu liên quan đến nhiều bộ luật, còn thiếu điều gì thì chúng ta cùng bàn và sửa đổi, bổ sung để tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên tôi cũng đề xuất nên có 1 hệ thống theo dõi thống nhất trên toàn quốc để không bỏ lọt vi phạm. Nếu người dân tái phạm thì mới tịch thu,” ông Cương nói.

Nhiều người lo ngại sẽ gia tăng tình trạng đưa và nhận hối lộ, lạm quyền tịch thu phương tiện, các chuyên gia và cơ quan chức năng tham gia hội thảo đề nghị chỉ cho chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh ra quyết định tịch thu. Ngoài ra, việc kiểm tra nồng độ cồn phải có đơn vị Cảnh sát giao thông và 1 đơn vị đi cùng, phải quay video làm bằng chứng...

“Nếu Nghị định được ban hành, cần quy định riêng về hình thức xử phạt tịch thu phương tiện chỉ được thực hiện sau 6 tháng kể từ khi ban hành quyết định. Trong 6 tháng này tuyên truyền thông tin rầm rộ rộng khắp để mọi người được biết,” nhiều đại biểu tham dự hội thảo kiến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục