Chiếc thuyền độc mộc bỗng dưng chòng chành, nước bắn tung lên mặt gã ngư dân gân guốc. Nhổ ngay điếu thuốc cuốn đang lập lòe cháy dở, gã nhoài hẳn người về phía trước, bặm môi kéo tấm lưới đang rung bần bật.
Trong một lát, cả khúc sông Nậm Mu xã Tà Mít (Tân Uyên, Lai Châu) đặc quánh bóng đêm bỗng xao động, râm ran tiếng người hè nhau kéo cá.
Một đêm săn cá cùng thủy dân
Phải mất nguyên một ngày ngồi uống rượu suông, hút thuốc cuốn và tỉ tê chuyện, chúng tôi mới có thể thuyết phục được một gã thủy dân sần sùi người La Ha tên Lò Văn Dúc cho “bám càng” một buổi đi săn cá đêm. Nhưng gã cũng bảo thẳng, khi đã lên thuyền, nhất cử nhất động của lũ chúng tôi đều phải tuân theo lời gã.
Sáu giờ chiều, bờ sông Nậm Mu đã loang lổ tối. Mảng núi phía rừng già ngả hẳn bóng đen sẫm xuống lòng sông. Dúc giục chúng tôi lên đường. Nhét vội nắm cơm, dăm con cá khô cùng vài điếu thuốc vào người, hai khách lạ mải miết băng ra trải cát dài theo bước chân phăm phăm của Dúc. Bên hông gã thủy dân lủng lẳng lưng chai rượu đế mà như gã nói: "để chống lại cái lạnh của sông Đà."
Lúc này, từ các bản Phiêng Giường, Pắc Muôn… đèn của đám thợ săn đêm cũng đã loang loáng tiến về. Họ kiểm tra lại lần cuối đống lưới cước đã được chất kín nửa lòng thuyền rồi xôn xao hò nhau đẩy thuyền hạ thủy.
Trời đã tối hẳn. Điểm sáng duy nhất còn trên mặt sông chỉ là những tàn lửa thuốc trên môi đám thợ và ánh đèn nơi mũi thuyền lúc chớp, lúc tắt. Dúc đứng hẳn về phía đuôi thuyền, chống sào lướt nhẹ ngược dòng sông lên phía thượng nguồn. Những gã phường cá người La Ha, khi nãy còn xôn xao trên bờ cát, giờ khi đã ở dưới lòng thuyền bỗng dưng im bặt. Chỉ còn tiếng nước òm ọp vỗ vào mạn thuyền.
Ngồi thuyền độc mộc theo thủy dân đi săn đêm, khách buộc phải nằm lòng những quy tắc bất thành văn mà Lò Văn Dúc đã truyền khi ở bản: không được nói, không được hỏi, chỉ được nhìn. Thậm chí, khi cảm thấy thuyền chòng chành, nghiêng hẳn sang bên, chúng tôi cũng không được hoảng, phải cố bám chặt lấy hai bên, chờ gã chống sào đưa đi tiếp.
Cứ thế, những mảnh thuyền thân cây loang loáng sáng trôi nhẹ về phía thượng nguồn. Đi chừng hơn một giờ, chân chúng tôi đã tê rần vì ngồi xổm quá lâu trong lòng thuyền chật, Dúc mới cho thuyền tấp nhẹ vào một bãi đá lô nhô nghỉ. Gã bảo đoạn đường vừa qua là yên bình nhất của dòng Nậm Mu, muốn săn được cá lớn phải đi lên đầu thác, nơi nước chảy xiết và sâu. Trước mỗi đêm săn, những thủy dân như gã đều phải đi thám thính trước. Chỗ nào phát hiện thấy cá quẫy, gã sẽ cắm bốn cọc tre dài thành một ô vuông xung quanh rồi chặt lá cây, móc rêu đá thả vào dụ cá làm tổ.
Được một lát, thuyền độc mộc lại len màn đêm đi tiếp. Đến khúc này, dòng Nậm Mu đột ngột ầm ào hơn, nghe rõ cả tiếng nước từ độ cao mấy chục mét núi đá đổ xuống. Gió lạnh đột ngột ùa về khiến con thuyền lung lay. Như đã thuộc lòng cả dòng Đà Giang ghềnh thác, Dúc rướn người chống mạnh sào. Đuôi thuyền tỳ mạnh vào một thân đá nhô cao giữa lòng sông làm điểm tựa để mũi thuyền xoay chuyển mạnh sang một dòng nước êm. Chốc chốc, người ngồi trên lại toát mồ hôi hột vì thuyền va nhẹ vào những vách, những tảng đá mọc ngang ngược giữa lòng sông, nhưng gã La Ha phía cuối vẫn bình thản như không có gì.
Tiếng nước đổ mỗi lúc một lớn. Dúc đã cắm sào, chĩa đèn pin khắp mặt khúc sông. Trước mắt chúng tôi là một khoảnh nước rộng cắm chừng chục ô vuông “tổ cá”. Mỗi ô rộng hơn một mét vuông và được phủ kín lá cây rừng. Dúc khẽ trườn thuyền nép vào ven một tổ, tay với đống thính đã chuẩn bị sẵn ở nhà rồi khỏa nước thả nhẹ vào lòng nước. Thính được làm bằng đất sét phơi khô, trộn đều với lá sắn rừng giã nát, đem ủ cho lên men như rượu. Rắc hết chừng mươi ổ, Dúc bắt đầu rút dần những cọc đánh dấu ra, xếp gọn vào lòng thuyền, rồi ngồi im chờ nước động.
Mặc dù đang ở gần chân thác nhưng những gã ăn đời ở kiếp với sông Đà như Dúc vẫn có thể nghe được tiếng cá quẫy ở phía thượng nguồn để tung chài. Dúc bảo, mùa này là mùa cá chép lớn vật đẻ nên chúng thường đuổi nhau theo từng đôi. Con cái chạy trước, liên tục quẫy mạnh đuôi nên tạo thành những tiếng động lớn và liên tiếp.
Thấy thính thơm, rêu đá nhiều, cá cái sẽ dẫn cá đực vào thẳng ổ. Tiếng quẫy nước mỗi lúc một mạnh hơn khi con đực tiếp cận được “ý trung nhân”. Gã trai bản cởi trần, giật mạnh tay, tung chài chùm kín ổ cá. Chiếc thuyền độc mộc chòng chành mạnh như chực bổ nhào. Lúc này, Dúc cũng đã nghiêng hẳn mình sang một bên, bặm môi kéo lưới. Lưới rung mạnh, tiếng quẫy ùm ùm. Nước bắn tung lấp lánh dưới ánh đèn pin đeo trên đầu Dúc. Gã hổn hển thở, quát tháo bằng thứ tiếng mà chỉ mình gã hiểu. Thuyền vẫn rung bần bật vì đôi cá cố quẫy hòng thoát thân.
Sau một hồi vật lộn, đôi "tình nhân" cá cũng hụt hơi chịu để kéo lên thuyền. Dưới ánh đèn sáng trắng, đôi cá bị lưới cuốn, mình cong tớn, miệng há rộng, mắt đỏ vằn. Con cái to như bắp chân người lớn, đuôi dài và đỏ rực như màu máu.
Khoang thuyền thân cây lúc này trở nên chật chội, Dúc đáp thuyền, đưa chúng tôi vào ngồi ở một bờ đá, vứt chai rượu chỏng chơ cùng đôi cá lại rồi dong chèo đi tiếp.
Những mảnh ký ức của một ngư lão
Được một lát, cánh thợ săn cá cũng lục tục kéo nhau về bờ đá nọ nghỉ ngơi. Người nào người nấy ướt nhẹp, tay gân guốc như một gốc gụ rừng cổ thụ.
Lão ngư Trảo Văn Diết, năm nay đã gần 70 tuổi, nói tiếng Kinh rất sõi. Nguyên là chủ tịch xã, lão khá mặn chuyện với chúng tôi. Lão bảo đây đã là những ngày cuối cùng thủy dân La Ha được săn cá dưới lòng sông Nậm Mu. Bởi, chỉ mươi hôm nữa, có khả năng toàn bộ 4 bản dọc hai bên bờ sẽ phải di chuyển ra ngoài phục vụ công tác xả nước thủy điện Bản Chát.
Tất cả ký ức về những đêm lênh đênh trên thuyền săn cá sẽ theo làng bản, ruộng nương chìm sâu dưới mấy chục mét nước. Nhưng lão cũng nói rằng, biết đâu như thế lại là điềm may cho đám thủy dân Tà Mít và cho cả dòng Nậm Mu nữa.
Trong ký ức đã dần mờ nhòe của lão, hình ảnh của dòng Nậm Mu mươi năm trước vẫn còn hằn rất rõ. Ngày ấy, lão ngư chỉ thích đi săn cá chiên, loài cá khổng lồ của đáy sông Đà Tây Bắc. Cá chiên thích nơi nước đục, sâu và chảy xiết, nên lão Diết luôn dong thuyền đi rất xa, vượt qua cả điểm chân thác chúng tôi đang ngồi.
Chọn một điểm sóng nước đã sủi tăm trắng ngầu, lão Diết dừng mảnh thuyền lại, chống sào và bắt đầu rắc thính, xong thì ngồi ôm chân trên thuyền mà đợi. Đến khi nắng lên cao, chiếc thẳng xuống đáy sâu quá một sải tay người, cá chiên mới từ những hang hốc sâu xung quanh bơi ra và lão ngư thủng thẳng tung chài.
Trong phút chốc, con cá quẫy mạnh, giật tung chài ra khỏi tay người giữ. Sức cá kéo chiếc thuyền lá tre trôi dọc sông, xoay tròn trên mặt nước. Người thủy dân già vừa nương theo sức kéo, vừa giật giật như hãm trâu lồng. Bùn sục lên đỏ ngầu. Mạn thuyền chao đảo. Chừng nửa giờ, khi con cá đã mệt nhoài, lão mới nhảy ùm xuống sông sâu, ghì chĩa đâm thẳng xuống đáy.
Nhưng, với lão, những ngày ấy đã rất xa xôi. Mấy năm nay, Nậm Mu đã vắng bóng cá thần. Những con tàu khai thác vàng chia nhau băm vằm sông thành 4 khúc. Nhìn từ trên đồi cao, Nậm Mu như một con trăn lớn bị thắt bụng, nham nhở đá và ầm ào tiếng động cơ xúc vàng. Chừng ấy thứ khiến cho cá lớn, cá bé đều dần dần biến mất.
Ngồi với đám thủy dân đã phờ phạc vì sương đêm và gió cả, chúng tôi thấy ai cũng buồn so vì những chiếc thuyền không một vảy cá. Dòng Nậm Mu ậm ào chảy. Chỉ mươi hôm nữa thôi, những ký ức bi hùng và cả mỏ cá, suối cá, dòng cá sẽ nằm yên lại trong đáy dòng Nậm Mu ấy./.
Trong một lát, cả khúc sông Nậm Mu xã Tà Mít (Tân Uyên, Lai Châu) đặc quánh bóng đêm bỗng xao động, râm ran tiếng người hè nhau kéo cá.
Một đêm săn cá cùng thủy dân
Phải mất nguyên một ngày ngồi uống rượu suông, hút thuốc cuốn và tỉ tê chuyện, chúng tôi mới có thể thuyết phục được một gã thủy dân sần sùi người La Ha tên Lò Văn Dúc cho “bám càng” một buổi đi săn cá đêm. Nhưng gã cũng bảo thẳng, khi đã lên thuyền, nhất cử nhất động của lũ chúng tôi đều phải tuân theo lời gã.
Sáu giờ chiều, bờ sông Nậm Mu đã loang lổ tối. Mảng núi phía rừng già ngả hẳn bóng đen sẫm xuống lòng sông. Dúc giục chúng tôi lên đường. Nhét vội nắm cơm, dăm con cá khô cùng vài điếu thuốc vào người, hai khách lạ mải miết băng ra trải cát dài theo bước chân phăm phăm của Dúc. Bên hông gã thủy dân lủng lẳng lưng chai rượu đế mà như gã nói: "để chống lại cái lạnh của sông Đà."
Lúc này, từ các bản Phiêng Giường, Pắc Muôn… đèn của đám thợ săn đêm cũng đã loang loáng tiến về. Họ kiểm tra lại lần cuối đống lưới cước đã được chất kín nửa lòng thuyền rồi xôn xao hò nhau đẩy thuyền hạ thủy.
Trời đã tối hẳn. Điểm sáng duy nhất còn trên mặt sông chỉ là những tàn lửa thuốc trên môi đám thợ và ánh đèn nơi mũi thuyền lúc chớp, lúc tắt. Dúc đứng hẳn về phía đuôi thuyền, chống sào lướt nhẹ ngược dòng sông lên phía thượng nguồn. Những gã phường cá người La Ha, khi nãy còn xôn xao trên bờ cát, giờ khi đã ở dưới lòng thuyền bỗng dưng im bặt. Chỉ còn tiếng nước òm ọp vỗ vào mạn thuyền.
Ngồi thuyền độc mộc theo thủy dân đi săn đêm, khách buộc phải nằm lòng những quy tắc bất thành văn mà Lò Văn Dúc đã truyền khi ở bản: không được nói, không được hỏi, chỉ được nhìn. Thậm chí, khi cảm thấy thuyền chòng chành, nghiêng hẳn sang bên, chúng tôi cũng không được hoảng, phải cố bám chặt lấy hai bên, chờ gã chống sào đưa đi tiếp.
Cứ thế, những mảnh thuyền thân cây loang loáng sáng trôi nhẹ về phía thượng nguồn. Đi chừng hơn một giờ, chân chúng tôi đã tê rần vì ngồi xổm quá lâu trong lòng thuyền chật, Dúc mới cho thuyền tấp nhẹ vào một bãi đá lô nhô nghỉ. Gã bảo đoạn đường vừa qua là yên bình nhất của dòng Nậm Mu, muốn săn được cá lớn phải đi lên đầu thác, nơi nước chảy xiết và sâu. Trước mỗi đêm săn, những thủy dân như gã đều phải đi thám thính trước. Chỗ nào phát hiện thấy cá quẫy, gã sẽ cắm bốn cọc tre dài thành một ô vuông xung quanh rồi chặt lá cây, móc rêu đá thả vào dụ cá làm tổ.
Được một lát, thuyền độc mộc lại len màn đêm đi tiếp. Đến khúc này, dòng Nậm Mu đột ngột ầm ào hơn, nghe rõ cả tiếng nước từ độ cao mấy chục mét núi đá đổ xuống. Gió lạnh đột ngột ùa về khiến con thuyền lung lay. Như đã thuộc lòng cả dòng Đà Giang ghềnh thác, Dúc rướn người chống mạnh sào. Đuôi thuyền tỳ mạnh vào một thân đá nhô cao giữa lòng sông làm điểm tựa để mũi thuyền xoay chuyển mạnh sang một dòng nước êm. Chốc chốc, người ngồi trên lại toát mồ hôi hột vì thuyền va nhẹ vào những vách, những tảng đá mọc ngang ngược giữa lòng sông, nhưng gã La Ha phía cuối vẫn bình thản như không có gì.
Tiếng nước đổ mỗi lúc một lớn. Dúc đã cắm sào, chĩa đèn pin khắp mặt khúc sông. Trước mắt chúng tôi là một khoảnh nước rộng cắm chừng chục ô vuông “tổ cá”. Mỗi ô rộng hơn một mét vuông và được phủ kín lá cây rừng. Dúc khẽ trườn thuyền nép vào ven một tổ, tay với đống thính đã chuẩn bị sẵn ở nhà rồi khỏa nước thả nhẹ vào lòng nước. Thính được làm bằng đất sét phơi khô, trộn đều với lá sắn rừng giã nát, đem ủ cho lên men như rượu. Rắc hết chừng mươi ổ, Dúc bắt đầu rút dần những cọc đánh dấu ra, xếp gọn vào lòng thuyền, rồi ngồi im chờ nước động.
Mặc dù đang ở gần chân thác nhưng những gã ăn đời ở kiếp với sông Đà như Dúc vẫn có thể nghe được tiếng cá quẫy ở phía thượng nguồn để tung chài. Dúc bảo, mùa này là mùa cá chép lớn vật đẻ nên chúng thường đuổi nhau theo từng đôi. Con cái chạy trước, liên tục quẫy mạnh đuôi nên tạo thành những tiếng động lớn và liên tiếp.
Thấy thính thơm, rêu đá nhiều, cá cái sẽ dẫn cá đực vào thẳng ổ. Tiếng quẫy nước mỗi lúc một mạnh hơn khi con đực tiếp cận được “ý trung nhân”. Gã trai bản cởi trần, giật mạnh tay, tung chài chùm kín ổ cá. Chiếc thuyền độc mộc chòng chành mạnh như chực bổ nhào. Lúc này, Dúc cũng đã nghiêng hẳn mình sang một bên, bặm môi kéo lưới. Lưới rung mạnh, tiếng quẫy ùm ùm. Nước bắn tung lấp lánh dưới ánh đèn pin đeo trên đầu Dúc. Gã hổn hển thở, quát tháo bằng thứ tiếng mà chỉ mình gã hiểu. Thuyền vẫn rung bần bật vì đôi cá cố quẫy hòng thoát thân.
Sau một hồi vật lộn, đôi "tình nhân" cá cũng hụt hơi chịu để kéo lên thuyền. Dưới ánh đèn sáng trắng, đôi cá bị lưới cuốn, mình cong tớn, miệng há rộng, mắt đỏ vằn. Con cái to như bắp chân người lớn, đuôi dài và đỏ rực như màu máu.
Khoang thuyền thân cây lúc này trở nên chật chội, Dúc đáp thuyền, đưa chúng tôi vào ngồi ở một bờ đá, vứt chai rượu chỏng chơ cùng đôi cá lại rồi dong chèo đi tiếp.
Những mảnh ký ức của một ngư lão
Được một lát, cánh thợ săn cá cũng lục tục kéo nhau về bờ đá nọ nghỉ ngơi. Người nào người nấy ướt nhẹp, tay gân guốc như một gốc gụ rừng cổ thụ.
Lão ngư Trảo Văn Diết, năm nay đã gần 70 tuổi, nói tiếng Kinh rất sõi. Nguyên là chủ tịch xã, lão khá mặn chuyện với chúng tôi. Lão bảo đây đã là những ngày cuối cùng thủy dân La Ha được săn cá dưới lòng sông Nậm Mu. Bởi, chỉ mươi hôm nữa, có khả năng toàn bộ 4 bản dọc hai bên bờ sẽ phải di chuyển ra ngoài phục vụ công tác xả nước thủy điện Bản Chát.
Tất cả ký ức về những đêm lênh đênh trên thuyền săn cá sẽ theo làng bản, ruộng nương chìm sâu dưới mấy chục mét nước. Nhưng lão cũng nói rằng, biết đâu như thế lại là điềm may cho đám thủy dân Tà Mít và cho cả dòng Nậm Mu nữa.
Trong ký ức đã dần mờ nhòe của lão, hình ảnh của dòng Nậm Mu mươi năm trước vẫn còn hằn rất rõ. Ngày ấy, lão ngư chỉ thích đi săn cá chiên, loài cá khổng lồ của đáy sông Đà Tây Bắc. Cá chiên thích nơi nước đục, sâu và chảy xiết, nên lão Diết luôn dong thuyền đi rất xa, vượt qua cả điểm chân thác chúng tôi đang ngồi.
Chọn một điểm sóng nước đã sủi tăm trắng ngầu, lão Diết dừng mảnh thuyền lại, chống sào và bắt đầu rắc thính, xong thì ngồi ôm chân trên thuyền mà đợi. Đến khi nắng lên cao, chiếc thẳng xuống đáy sâu quá một sải tay người, cá chiên mới từ những hang hốc sâu xung quanh bơi ra và lão ngư thủng thẳng tung chài.
Trong phút chốc, con cá quẫy mạnh, giật tung chài ra khỏi tay người giữ. Sức cá kéo chiếc thuyền lá tre trôi dọc sông, xoay tròn trên mặt nước. Người thủy dân già vừa nương theo sức kéo, vừa giật giật như hãm trâu lồng. Bùn sục lên đỏ ngầu. Mạn thuyền chao đảo. Chừng nửa giờ, khi con cá đã mệt nhoài, lão mới nhảy ùm xuống sông sâu, ghì chĩa đâm thẳng xuống đáy.
Nhưng, với lão, những ngày ấy đã rất xa xôi. Mấy năm nay, Nậm Mu đã vắng bóng cá thần. Những con tàu khai thác vàng chia nhau băm vằm sông thành 4 khúc. Nhìn từ trên đồi cao, Nậm Mu như một con trăn lớn bị thắt bụng, nham nhở đá và ầm ào tiếng động cơ xúc vàng. Chừng ấy thứ khiến cho cá lớn, cá bé đều dần dần biến mất.
Ngồi với đám thủy dân đã phờ phạc vì sương đêm và gió cả, chúng tôi thấy ai cũng buồn so vì những chiếc thuyền không một vảy cá. Dòng Nậm Mu ậm ào chảy. Chỉ mươi hôm nữa thôi, những ký ức bi hùng và cả mỏ cá, suối cá, dòng cá sẽ nằm yên lại trong đáy dòng Nậm Mu ấy./.
Sơn Bách - Thông Chí (Vietnam+)