Dệt may: Phát huy năng lực, tận dụng cơ hội thị trường để tăng tốc

Trong tháng 7/2023, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,2 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước song tính 7 tháng, xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 18,93 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Dệt may: Phát huy năng lực, tận dụng cơ hội thị trường để tăng tốc ảnh 1Sản xuất đơn hàng phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn phải cầm cự trong "cú sốc ngắn hạn". Thực tế cho thấy các đơn vị sản xuất ngành hàng này chưa thể sớm vượt qua khó khăn và quay trở lại đà tăng trưởng cao.

Thay vào đó, những khó khăn đến từ cả bên trong và bên ngoài cộng hưởng có thể còn gây ra những tác động bất lợi cho ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm tới, đòi hỏi những tháng cuối năm, doanh nghiệp dệt may phải tiếp tục duy trì sức chịu đựng, linh hoạt giải quyết nhanh các yêu cầu mới của thực tiễn để vững vàng đón sóng thị trường.

Sức mua giảm

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 7/2023, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,2 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 18,93 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

[Xuất khẩu dệt may sang các thị trường chính đều đi xuống]

Chia sẻ về lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ cho hay, những tháng đầu năm 2023, ngành dệt may đối diện nhiều khó khăn khi đơn hàng sụt giảm, thậm chí có đơn hàng bị giảm giá tới 50-60% so với trước, khiến hiệu quả hoạt động của đơn vị không đạt như kỳ vọng.

Không nằm ngoài diễn biến chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam (Thời trang M2) Nguyễn Hải Đường cho biết sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

Doanh nghiệp cũng dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý 3 và quý 4. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50%.

Theo ông Đường, để tránh phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu, việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho cho chính mình, khôi phục tăng trưởng kinh tế…

“Khai thác thị trường nội địa với sức mua 100 triệu dân chính là bệ đỡ giúp doanh nghiệp dệt may duy trì sản xuất, kinh doanh,” ông Nguyễn Hải Đường khẳng định.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần may Việt Tiến nhận định, tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn cho nên việc giữ ổn định lao động, thị trường, khách hàng, bảo đảm việc làm, duy trì hoạt động sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Việt Tiến cũng đặt mục tiêu năm nay đạt doanh thu 8.030 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động 11,5 triệu đồng/người.

Muốn hoàn thành mục tiêu nêu trên, đơn vị sẽ thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực, sắp xếp và tái cấu trúc mô hình quản lý của tổng công ty, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc tài chính nhằm bảo đảm dòng tiền cho hoạt động trong toàn hệ thống. Đơn vị cũng tăng cường đầu tư chiều sâu về thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng và đối tượng khách hàng nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đánh giá tình hình chung, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, trong những tháng đầu năm, Vinatex phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó xung đột địa chính trị đã gây ra khủng hoảng về năng lượng, lạm phát tăng cao. Cùng đó, lực cầu thấp, các quốc gia đều giảm nhập khẩu do chính sách tiền tệ thắt chặt, sức cạnh tranh từ các quốc gia đối thủ ngày càng khốc liệt.

Dệt may: Phát huy năng lực, tận dụng cơ hội thị trường để tăng tốc ảnh 2Triển lãm dệt may là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hơn nữa, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng cao, đơn hàng giảm đáng kể cả về số lượng và đơn giá. Nền chi phí tăng cao do lạm phát tăng, khiến hiệu quả sản xuất sụt giảm và Thương mại toàn cầu chậm lại trong nửa đầu năm 2023, các nền kinh tế đều tăng trưởng kém. Những yếu tố này tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của các đơn vị trong hệ thống Tập đoàn.

Tái cơ cấu để sẵn sàng nguồn lực

Có thể thấy, bức tranh kinh tế thế giới trong ngắn hạn vẫn có nhiều vùng tối. Rõ rệt nhất là việc người tiêu dùng vẫn thắt chặt hầu bao đối với những mặt hàng không thiết yếu đã tác động đến ngành dệt may.

Theo thống kê của Vinatex, trong nửa đầu năm, ngoại trừ Nhật Bản là thị trường duy nhất mà dệt may Việt Nam giữ được mức tăng trưởng dương 3%. Những thị trường còn lại như EU giảm 10%, Hàn Quốc giảm 7%, Trung Quốc giảm 17% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ tiếp tục suy giảm quý thứ 3 liên tiếp (riêng quý 2/2023 chứng kiến mức giảm sâu nhất tới 26% so cùng kỳ).

Dù vậy, không chỉ dệt may Việt Nam, đa số các quốc gia xuất khẩu dệt may trên thế giới cũng ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2023. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu dệt may Trung Quốc tháng 6 giảm hơn 14%, kéo kết quả 6 tháng đạt 145,2 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ; các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh với dệt may Việt Nam cũng đều có kim ngạch xuất khẩu giảm từ 20%-25%.

Trước những diễn biến của thị trường, để ứng phó với khó khăn, tìm hướng đi cho những tháng cuối năm 2023, ông Cao Hữu Hiếu cho biết Cơ quan Điều hành Tập đoàn đề xuất nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục kiên định hình thành chuỗi sản xuất. Để thực hiện giải pháp này, lãnh đạo Vinatex lưu ý các đơn vị sớm tổ chức hoạt động của Ban sản xuất-kinh doanh May, đồng thời xây dựng cơ chế, đảm bảo tăng cường chức năng điều phối, kết nối giữa các Ban sản xuất-kinh doanh và xây dựng Trung tâm phát triển sản phẩm Dệt kim của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, Vinatex tập trung làm tốt và nâng tầm khả năng dự báo về thị trường hàng Dệt May. Thị trường bông ứng dụng các phân tích cơ bản và kỹ thuật phục vụ cho việc ra quyết định mua bông; Nâng cao vai trò của các ban sản xuất-kinh doanh trong việc định hướng về thị trường và sản xuất. Thực hiện tốt các chính sách liên quan đến người lao động, đảm bảo việc làm, thu nhập bình quân và các chính sách phúc lợi khác.

“Đẩy mạnh việc tổ chức các lớp đào tạo nội bộ và kiểm soát tốt việc ứng dụng sau đào tạo. Thực hiện chặt chẽ việc tiết giảm chi phí sản xuất. Đẩy nhanh áp dụng quản trị số cho các hoạt động cốt lõi như tài chính kế toán, nhân sự…,” ông Cao Hữu Hiếu cho hay.

Dệt may: Phát huy năng lực, tận dụng cơ hội thị trường để tăng tốc ảnh 3Công nghệ mới giúp nâng cao chất lượng của sản phẩm dệt may. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đối với đơn vị thành viên, đơn vị làm sợi, lãnh đạo Vinatex yêu cầu phối hợp với Ban sản xuất-kinh doanh xác định thời điểm mua bông tối ưu; chủ động tìm kiếm thị trường, cân đối tiêu thụ hợp lý, đảm bảo cân bằng giữa kết quả và khả năng thanh toán; quan tâm chặt chẽ đến quản trị năng lực thiết bị để đạt trạng thái sẵn sàng; có giải pháp chuyển đổi cơ cấu mặt hàng linh hoạt và tối ưu…

Liên quan tới vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cũng đề nghị các doanh nghiệp tìm giải pháp giữ chân người lao động, tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi Xanh, chuyển đổi số; giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh để có việc làm cho người lao động và giảm tối đa các chi phí chưa thật sự cần thiết của doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục