Sau đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn do các bất ổn về địa chính trị, nhiều tập đoàn, kênh phân phối nước ngoài đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Chính vì vậy, Vietnam International Sourcing 2023 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 13-15/9 tới đây, dự kiến thu hút 8.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 200 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, là cơ hội rất lớn giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, gia tăng cơ hội xuất khẩu.
[AEON công bố kế hoạch kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế]
Đây cũng là nội dung chính của buổi Tọa đàm: Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu kết nối với Viet Nam International Sourcing 2023 do Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 11/8, tại Hà Nội, nhằm giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị về năng lực sản xuất, nhu cầu từng phân khúc thị trường, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn mà bên mua đặt ra, từ đó có thể đạt được nhiều thành công trong chuỗi sự kiện trên.
Nắm rõ từng thị trường để tiếp cận thành công
Ông Phạm Tùng Linh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đức Giang đánh giá cao các sự kiện "Vietnam International Sourcing 2023" cũng như các buổi tọa đàm kết nối doanh nghiệp với các cơ quan chức năng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chủ lực. Ông cho biết, doanh nghiệp mặc dù có nhiều tiềm năng để xuất khẩu qua các kênh phân phối quốc tế nhưng rất khó khăn trong tiếp cận xuất khẩu trực tiếp qua các kênh này.
Theo chia sẻ của ông Linh, khó khăn lớn nhất là hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó Tổng Công ty Đức Giang có ít cơ hội được giao tiếp và tiếp cận trực tiếp với các kênh phân phối quốc tế. Chính vì sự thiếu cơ hội giao tiếp này thì dẫn đến việc chúng ta giảm khả năng cập nhật thông tin từ các đối tác.
“Đơn cử việc nắm được khi nào đối tác có nhu cầu mở rộng chuỗi cung ứng, hay nhận thức được là nhu cầu nhập khẩu của đối tác.. Mặt khác, các kênh phân phối lớn trên quốc tế hầu hết đã tạo được chuỗi cung ứng riêng và việc tham gia vào chuỗi và cạnh tranh với những nhà cung cấp lâu năm của họ cũng là một phần trong thác thức của doanh nghiệp Việt Nam…,” đại diện Tổng Công ty Đức Giang bày tỏ.
Thực tế cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 7 tháng vừa qua giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó các thị trường chủ lực như, châu Âu, Mỹ… đều đi xuống.
Ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh Thương vụ San Francisco cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm hàng nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023.
Ngoài các vấn đề về lạm phát, kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu… thì phải kể đến lượng hàng tồn kho lớn cần phải giải phóng trong bối cảnh cầu suy giảm. Tuy nhiên, từ tháng 7, tình hình đã có khởi sắc hơn và những dự báo về triển vọng gia tăng lượng hàng nhập khẩu những tháng cuối năm do từ tháng 8 là bắt đầu vào mùa tiêu dùng của người Mỹ, đây là cơ hội cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Theo thăm dò của trường đại học Michigan thì chỉ số tâm lý tiêu dùng Hoa Kỳ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2021 đến nay và đạt con số là 72,6 %. Như vậy, một lượng lớn hàng tồn kho đã được giải phóng này, cộng với lại các chỉ số kinh tế mang tính chất tích cực, tâm lý người tiêu dùng cũng được cải thiện.
“Thường thì người tiêu dùng Mỹ sẽ tăng cường mua sắm, đặc biệt là vào cuối tháng 8 cho mùa tựu trường và các dịp cuối năm, cộng hưởng với các yếu tố về kinh tế tích cực, chúng ta hy vọng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong nhiều mặt hàng, trong đó có dệt may thì có thể hồi phục nhẹ vào một thời điểm nào đó trong nửa cuối năm nay và có thể đạt tích cực hơn trong năm 2024…,” ông nói.
Sẵn sàng xu hướng Xanh
Hiện nay, việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị một cách bài bản và kỹ lưỡng.
Ví dụ, ngành dệt may, theo chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Aeon TopValu Việt Nam, ngành dệt may rất khó để cải thiện khả năng cạnh tranh thông qua phát triển theo chiều rộng để tăng số lượng đơn vị sản xuất hoặc hạ giá thành sản phẩm.
Dẫn chứng trong lĩnh vực dệt may tại Nhật Bản, các nhà máy vận hành theo mô hình dây chuyền lao động đã bị đóng cửa hoàn toàn, đại diện Aeon tại Việt Nam gợi mở, các doanh nghiệp cần nỗ lực chuyển đổi sang mô hình sản xuất tích hợp để tối ưu hóa quy trình và tăng cường hiệu quả sản xuất, đồng thời cho phép kiểm soát tốt hơn chuỗi cung ứng, quá trình sản xuất.
Ông nhấn mạnh, sản xuất tích hợp cũng cho phép tăng cường tính linh hoạt để nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi của thị trường và yêu cầu của khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất.
Hơn nữa, các nhà máy có thể nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới và cải tiến quy trình để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Sản xuất tích hợp cũng sẽ giúp ngành dệt may tạo ra những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng với chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Điều này giúp nâng cao vị thế cạnh tranh của ngành và tăng cường khả năng xuất khẩu.
Ngoài ra, theo Tổng Giám đốc Aeon TopValu Việt Nam, một trong những điều kiện tiên quyết để ngành dệt may Việt Nam bắt kịp trình độ thế giới và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đó là cải thiện năng lực sản xuất vải. Cho đến nay, đa số doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu vải và chỉ thực hiện công đoạn gia công xuất khẩu (CMT).
“Đối với sản phẩm may mặc, chi phí vải có thể chiếm đến 70-80% giá trị thành phẩm, do vậy lợi thế cạnh tranh giữa các cơ sở gia công là giá nhân công. Tuy nhiên, hiện chi phí nhân công tại Việt Nam lại cao hơn các nước lân cận, trong khi năng suất lại không cao hơn. Vì vậy, nếu phải nhập khẩu vải và thực hiện gia công đơn giản, khi chi phí phân phối tăng, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều áp lực khi so sánh với các quốc gia khác,” đại diện Aeon Việt Nam nói.
Trong khi đó, Đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ thông tin thêm, sau đại dịch COVID-19 lượng hàng tồn kho còn lớn do vậy dẫn tới giảm nhập khẩu từ bên ngoài.
Tuy vậy, nhiều dự báo cho thấy, xuất khẩu sang thị trường EU sẽ khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm. Để đáp ứng các yêu cầu của thị trường, liên minh châu Âu cũng áp dụng các tiêu chuẩn xanh cho sản phẩm nhập khẩu.
Về phía doanh nghiệp, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu, ông Phạm Tùng Linh cho biết về chiến lược thời gian tới, Tổng Công ty Đức Giang tập trung vào mục tiêu chính là sản xuất Xanh, chuyển sang sản xuất tuần hoàn, cam kết sử dụng nguyên liệu tái tạo và năng lượng tái tạo.
Hiện doanh nghiệp cũng đang áp dụng công nghệ tiên tiến vào việc thiết kế, tạo mẫu cho các sản phẩm thời trang, cùng đó là đẩy mạnh tiết kiệm nguyên phụ liệu và chi phí qua đó gia tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm./.