Đi bộ và chạy bộ - Nên chọn hình thức tập luyện nào để tăng cường sức khỏe

Chạy bộ phù hợp hơn với mục tiêu đốt cháy calo hoặc giảm cân nhanh chóng; đi bộ có tác dụng tương tự nhưng nghiêng hơn về duy trì cân nặng và rèn sức dẻo dai cho người không thể vận động mạnh.

Nên lựa chọn tập luyện đi bộ hay chạy bộ? (Ảnh: iStock)
Nên lựa chọn tập luyện đi bộ hay chạy bộ? (Ảnh: iStock)

“Đơn giản-Dễ thực hiện-Hiệu quả” là ba lý do khiến đi bộ trở thành một trong những hình thức tập thể dục phổ biến nhất trên thế giới.

Đi bộ thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe hệ tim mạch; ngủ ngon hơn, tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung; tăng cường khả năng miễn dịch, sức đề kháng; phòng ngừa các bệnh ung thư, bệnh mãn tính.

Tuy nhiên, theo Alyssa Olenick, nhà Sinh lý học, hiện đang nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm Chuyển hóa năng lượng của Trường Y khoa Anschutz - Đại học Colorado (Mỹ), khi cơ thể con người đã quen với việc đi bộ sẽ có xu hướng muốn tăng tốc độ.

Vậy giữa đi bộ và chạy bộ có gì giống và khác nhau? Hình thức tập luyện nào mang lại hiệu quả tốt hơn? Các chuyên gia khuyến nghị điều này phụ thuộc vào thể lực cũng như khả năng vận động của từng người.

Chạy bộ phù hợp hơn với mục tiêu vận động đốt cháy calo hoặc giảm cân nhanh chóng. Đi bộ cũng có tác dụng tương tự nhưng nghiêng hơn về duy trì cân nặng và rèn sức dẻo dai cho người không thể vận động mạnh.

Theo phân tích của Duck-chul Lee, Giáo sư ngành Dịch tễ học Hoạt động thể chất tại Đại học bang Iowa, chạy bộ sử dụng năng lượng nhiều hơn khi đi bộ, do đó đốt cháy được nhiều calo hơn. Chạy bộ cũng giúp người tập nâng cao thể lực tốt hơn so với đi bộ.

Đối với người mới bắt đầu tập luyện môn chạy ở bất kỳ tốc độ nào, kể cả chạy bộ tốc độ chậm, đều khiến cơ quan tim và phổi hoạt động mạnh hơn.

chay bo.JPG
Những người chạy bộ thường xuyên khỏe mạnh hơn 30% so với những người đi bộ và những người ít vận động. (Ảnh: iStock)

Năm 2011, các nhà nghiên cứu tại Đài Loan đã khảo sát hơn 400.000 người trưởng thành về mức độ tập thể dục mạnh (chạy bộ) và tập thể dục vừa phải (đi bộ nhanh).

Họ phát hiện ra rằng việc đi bộ 15 phút sẽ giúp kéo dài tuổi thọ tương đương với việc chạy bộ trong 5 phút. Và 25 phút chạy bộ sẽ ngang bằng với việc đi bộ trong 105 phút để giảm 35% nguy cơ tử vong trong 8 năm tới.

Trong một nghiên cứu năm 2014, Tiến sỹ Lee và các đồng nghiệp của ông cũng phát hiện những người chạy bộ thường xuyên - bao gồm cả những người chạy bộ chậm hơn 6 dặm (9,6km) mỗi giờ - khỏe mạnh hơn 30% so với những người đi bộ và những người ít vận động. Họ cũng có nguy cơ tử vong thấp hơn 30% trong 15 năm tới.

Tiến sỹ Bella Mehta, bác sỹ Khoa Thấp khớp tại New York cho biết để thích nghi dần và giảm thiểu nguy cơ chấn thương, hãy bắt đầu bằng việc đi bộ.

Trên thực tế, ngay cả những vận động viên chạy bộ có kinh nghiệm, sau thời gian tạm nghỉ muốn trở lại đường đua cũng phải khởi động lại từ đầu.

Nếu bạn là người muốn bắt đầu môn đi bộ và tiến tới nâng cấp lên chạy bộ, hãy cân nhắc gợi ý sau:

Bước 1: Tăng dần số bước đi của bạn. Nếu bạn chưa từng tập thể dục, hãy bắt đầu bằng cách đi bộ 3.000 bước mỗi ngày, duy trì ít nhất vài ngày mỗi tuần.

Bước 2: Dành 10 phút để đi bộ nhanh từ 3-4 lần mỗi tuần. Tăng dần thời lượng cho đến khi bạn có thể đi bộ nhanh trong một giờ.

chay bo2.JPG
Dù đi bộ hay chạy bộ thì bạn cũng nên duy trì tập luyện thường xuyên. (Ảnh: iStock)

Bước 3: Khi cải thiện thể lực, bạn sẽ nhận thấy phải đi bộ nhanh hơn nữa để đạt được mức trung bình. Khi đạt được mức trung bình, hãy xen kẽ các khoảng chạy và đi bộ.

Làm nóng cơ thể bằng cách đi bộ nhanh trong 5 phút, sau đó xen kẽ 1 phút chạy bộ với 3 phút đi bộ và lặp lại chu trình từ 3-5 lần.

Bước 4: Mỗi tuần, hãy tăng dần thời gian chạy và giảm thời gian đi bộ cho đến khi bạn có thể chạy liên tục.

Tuy nhiên, các chuyên gia về sức khỏe cũng lưu ý chạy bộ là một môn thể thao vận động mạnh. Do đó, chúng sẽ không thích hợp với những người có sức khỏe yếu hoặc đang có vấn đề về xương khớp.

Trong trường hợp đó, chúng ta có thể lựa chọn đi bộ để bảo đảm khả năng vận động và an toàn cho sức khỏe.

Tiến sỹ Lee nhấn mạnh dù đi bộ hay chạy bộ thì tính nhất quán là quan trọng nhất, bạn nên duy trì thường xuyên, bổ sung thêm một số bài tập toàn thân như squat (tập mông và đùi), đá chân, xoay tay và vai… trong khi đi bộ để tăng tính hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục