Di tích đền An Xá và ngôi tháp đất nung duy nhất còn lại của Đạo giáo

Nằm trên mảnh đất hình đầu rồng, được bao bọc bởi hồ nước trong xanh in bóng những cây nhãn lồng cổ thụ, Đền An Xá là một điểm đến lý tưởng để du khách khám phá sự dung hội giữa Đạo giáo và giáo.
Di tích đền An Xá và ngôi tháp đất nung duy nhất còn lại của Đạo giáo ảnh 1 Đền An Xá được bao bọc bởi hồ nước trong xanh in bóng những cây nhãn lồng cổ thụ. (Nguồn: báo Lao Động)

Nằm trên mảnh đất hình đầu rồng ở thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, được bao bọc bởi hồ nước trong xanh in bóng những cây nhãn lồng cổ thụ, Đền An Xá - ngôi đền cổ thờ Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị thần tiên - như một chốn yên bình để du khách tìm về với lịch sử Đạo giáo, Phật giáo Việt Nam.

Đặc biệt, nơi đây còn là nơi bảo tồn và gìn giữ hoàn chỉnh ngôi tháp đất nung duy nhất còn lại của Đạo giáo ở Việt Nam.

Căn cứ vào truyền thuyết, lời kể của các cụ cao niên trong làng và những di vật cổ có giá trị hiện còn lưu giữ được tại di tích cho biết đền An Xá được khởi dựng từ khá sớm, muộn nhất vào khoảng thế kỷ XVI-XVII, đến nay đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Đền là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngũ Lão Tiên Ông (những vị thần tiên của Văn hóa Đạo giáo), cùng các vị Thiên tiên, Địa tiên - là những người có công khai phá vùng đầm lầy hoang vu, diệt trừ thú dữ, dậy dân cầy cấy, lập làng Chạ, dựng "Thụy Ứng Quán", để cầu mong mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu.

Đền An Xá là trung tâm văn hóa tiêu biểu, một ví dụ khá điển hình của sự chuyển biến, dung hội giữa quán Đạo giáo và đền thờ. Hiện nay, trong hệ thống di tích đền, quán của người Việt rất hiếm gặp việc thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế là một thần chủ trong một thần điện riêng biệt, có quy mô to lớn, đồ sộ như ở đền An Xá.

Đặc biệt, đền An Xá còn là 1 trong số 8 di tích có tên gọi là “Đậu” trên địa bàn huyện Phù Tiên xưa (nay là hai huyện Tiên Lữ và Phù Cừ). Đậu là một loại hình di tích gắn liền với tín ngưỡng văn hóa Đạo giáo riêng chỉ có trên địa bàn tỉnh Hưng Yên mà không nơi nào trên cả nước có. Đồng thời, đây cũng là ngôi đền/đậu duy nhất có quy mô hoàn chỉnh còn sót lại của một công trình kiến trúc mang yếu tố văn hóa Đạo giáo trên cả nước nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng.

Chính vì vậy, ngôi đền có giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn, minh chứng cho dấu ấn hiện hữu của "nền văn hóa Đạo giáo sớm/sơ khai" trên vùng đất này.

[Hưng Yên: Đón bằng xếp hạng đền An Xá và tháp đất nung]

 Đền được khởi dựng trên khu đất cao có dáng hình đầu rồng ở phía Tây ngoài làng An Xá. Phía trước đền là những cây cổ thụ xum xuê tỏa bóng xuống hồ nước trong xanh được xem là nơi “tụ thủy, tụ phúc” của làng. Bao bọc vòng ngoài là những hào nước và khu vực ruộng đồng trù phú.

Mặt tiền đền quay hướng Nam, có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Công gồm 5 gian Tiền tế, 3 gian Ống muống và 3 gian Hậu cung. Ngoài ra, nằm trong và ngoài khuôn viên di tích hiện còn một số hạng mục công trình kiến trúc gắn liền với sự hình thành và các tích truyện liên quan tới nhân vật thờ tại di tích Đền Hạ, đền Kỷ Niệm nằm về hai bên hồi đền chính. Đăng đối hai bên sân đền là hai dãy nhà Giải vũ. Hai bên Tam quan là đền Mẫu và đền Thiên Quan. Bên ngoài khuôn viên di tích về phía Đông là hai ngôi đình Vô và đình Căn.

Di tích đền An Xá và ngôi tháp đất nung duy nhất còn lại của Đạo giáo ảnh 2Ngôi đền có giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn. (Nguồn: báo Lao Động)

Đền An Xá là công trình kiến trúc cổ, có không gian cảnh quan đẹp, quy mô kiến trúc khá lớn. Các hạng mục công trình được bố trí hài hòa, dàn trải theo trục thần đạo.

Điều làm nên sự độc đáo và đặc biệt lớn nhất tại đền An Xá so với các công trình kiến trúc khác là hai tòa Ống muống và Hậu cung đền đều được làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối, tạo nên sự thâm nghiêm linh khí nơi thờ tự. Bộ khung chịu lực từ cổ bồng đến nóc mái, các bộ vì, cửa võng, ngưỡng cửa,... cũng hoàn toàn được dựng bằng đá. Hai tòa Ống muống và Hậu cung đền An Xá còn 20 cột đá to, mỗi cột nặng hàng vài tấn.

Những cột đá này được chạm khắc bằng phương pháp thủ công truyền thống với nét tinh xảo và đặc sắc, hiếm thấy trong những công trình kiến trúc tín ngưỡng của người Việt.

Trên những phiến đá chạm khắc nhiều đề tài trang trí khác nhau với những nét chạm mềm mại, tinh tế như được vẽ trên vải lụa, tạo nên những tác phẩm mỹ thuật có sinh khí. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng, khác lạ làm nên giá trị đặc biệt cho toàn bộ công trình.

Tất cả những họa tiết, hoa văn trang trí trên các cấu kiện kiến trúc tại đây đều được các nghệ nhân điêu khắc đá đương thời tạo tác công phu, cầu kỳ, tỉ mỉ, chau chuốt đến từng chi tiết.

Giá trị nghệ thuật tại đền An Xá còn được thể hiện thông qua di vật có một không hai hiện còn lưu giữ tại di tích - Tòa tháp đất nung độc đáo nhất trong số tháp đất nung và tháp đá tương tự ở khu vực phía bắc Việt Nam.

Tháp được đặt tại vị trí phía trước tòa Tiền tế của đền An Xá, có bình đồ hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn, có màu nâu đỏ, cao 450 cm, cạnh đáy dài 150cm, bệ gạch cao 60 cm.

Tháp chia thành bốn phần gồm bệ tháp, đế tháp, thân tháp (gồm 12 tầng) và đỉnh tháp. Hiện trạng tháp còn khá nguyên vẹn, được tạo tác bằng chất liệu đất nung có niên đại thuộc thời Lê Trung Hưng, thân đế bệ bằng đá có niên đại thời Mạc.

Tháp được xây dựng bằng phương pháp thủ công truyền thống với kỹ thuật nung, chạm khắc tinh xảo, chau chuốt và vô cùng độc đáo. Đặc biệt, toàn thân tháp trang trí dày đặc những họa tiết hoa văn hình rồng, phượng, sư tử, tiên nữ, hình lực sỹ, ngựa có cánh,...

Di tích đền An Xá và ngôi tháp đất nung duy nhất còn lại của Đạo giáo ảnh 3Tháp đất nung tại đền An Xá trước ngày diễn ra lễ hội. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Ngoài ra, trên thân tháp còn xuất hiện nhiều đề tài mang đậm chất dân gian như cảnh người đấu vật, bắt rắn, chim, hươu, hổ... Tất cả đều được bố cục thành những mảng khối với dáng khỏe, sống động mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVII.

Đỉnh tháp đặt một quả hồ lô tròn, đặc, miệng và cổ bình vươn cao, thân cong tròn, chân đế bình gắn liền với đỉnh mái tầng số 12 của tháp. Đỉnh tháp được coi là nơi giao hòa giữa trời và đất, là con đường thăng thiên giáng trần của Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị thần tiên.

Theo Hồ sơ Bảo vật Quốc gia , việc dựng tháp đất nung ở di tích quán đạo như đền An Xá là một hiện tượng văn hóa độc đáo trong lịch sử quán đạo ở Việt Nam. Nó minh chứng cụ thể sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa Đạo giáo và Phật giáo ở Việt Nam.

Với giá trị đặc biệt trên, di tích kiến trúc nghệ thuật đền An Xá được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020).

Tháp đất nung đền An Xá được công nhận Bảo vật Quốc gia  (theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật Quốc gia )./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục