Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã có văn bản số 400/KCH (ngày 29/10) báo cáo Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về việc xâm hại di tích tâm linh đặc biệt tại lô E khu vực khảo cổ học Vườn Hồng (Hà Nôi).
Theo đó, văn bản của Viện Khảo cổ học nêu rõ: Trong quá trình thực hiện dự án Khai quật khảo cổ học tại lô E, đơn vị này đã phát hiện và làm xuất lộ di tích kiến trúc tâm linh đặc biệt thời Lý.
Di tích này được xác định là "Di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý," có quy mô, cấu trúc đặc biệt với vật liệu xây dựng bằng gỗ và đá.
"Đây là di tích văn hóa tâm linh thuộc loại sớm nhất ở Việt Nam, độc đáo chỉ có ở Kinh đô đầu triều Lý Việt Nam, thể hiện tinh thần tự chủ, tự cường cao của Đại Việt thời Lý. Hơn nữa, di tích nằm thẳng trục với kiến trúc Bát giác và hệ thống các di tích ở khu C-D tạo thành một trục di tích văn hóa-tâm linh đặc biệt của khu vực trung tâm cấm thành Thăng Long thời Lý," văn bản của Viện Khảo cổ học nhấn mạnh.
Văn bản của Viện Khảo cổ học dẫn giải, ngày 5/6, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 225/TB-VPVP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ: “Chưa triển khai xây dựng phần diện tích bãi xe ngầm tại khu vực có di tích tâm linh thời Lý phát hiện được tại lô E khu khai quật khảo cổ học Vườn Hồng.”
Trước đó, ngày 21/5, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3644/VPCP-KGVX về việc bảo tồn tại chỗ, nguyên trạng di tích tâm linh thời Lý tại khu vực khai quật khảo cổ Vườn Hồng: “Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nghiên cứu để tính toán dự kiến điều chỉnh thiết kế, dự toán khu vực xây dựng đường hầm và bãi đỗ xe ngầm của công trình Nhà Quốc hội trong điều kiện bảo tồn tại chỗ, nguyên trạng di tích kiến trúc tâm linh, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.”
Văn bản số 400/KCH của Viện Khảo cổ học khẳng định, nội dung biên bản bàn giao mặt bằng giữa Viện Khảo cổ học và Ban quản lý Đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) (ngày 30/5) đã thống nhất: Viện Khảo cổ sẽ tiếp tục quản lý phạm vi khu vực di tích kiến trúc tâm linh đặc biệt với diện tích 500m2 chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Trách nhiệm của ban quản lý dự án là phối hợp chặt chẽ với Viện Khảo cổ học nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích kiến trúc tâm linh đặc biệt.
“Tuy nhiên, trong quá trình thi công xây dựng gara ngầm khu vực có kiến trúc tâm linh đặc biệt, do không phối hợp với Viện Khảo cổ học, thiếu sự giám sát chặt chẽ của Ban quản lý dự án, thi công trong điều kiện bản vẽ điều chỉnh thiết kế và biện pháp thi công chưa được phê duyệt nên nhà thầu thi công đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến di tích như: tập kết vật liệu, vật tư, xả rác thải sinh hoạt, xả bùn bentonize vào trong khu vực di tích,” văn bản của Viện Khảo cổ học chỉ rõ.
Cũng theo báo cáo của Viện Khảo cổ học, ngày 6/9 vừa qua, nhà thầu thi công của ban quản lý dự án đã đưa máy móc vào thi công cách kiến trúc trung tâm của khu di tích 1,5 mét, gây nguy hại trực tiếp đến tính nguyên trạng, tại chỗ của di tích.
Tiếp tục phản ánh thực trạng khu vực di tích, văn bản của Viện Khảo cổ học chỉ rõ, chiều tối 28/10, nhà thầu thi công của Ban quản lý dự án đã xâm hại trực tiếp vào khu vực di tích: tự ý chuyển dịch mốc ranh giới phạm vi tối thiểu bảo vệ khu vực đã được xác định; đào rãnh rộng 2,5 mét, sâu 0,8 mét ngay sát với di tích kiến trúc phía Đông của khu vực kiến trúc tâm linh đặc biệt đang được bảo tồn tại chỗ nguyên trạng.
“Những hoạt động trên đây đã gây nguy hại trực tiếp cho khu vực di tích, nguy cơ di tích có thể bị sụt lún và phá hủy bất cứ lúc nào,” văn bản của Viện Khảo cổ học nhấn mạnh./.