Đi tìm “liều thuốc bách bệnh” cho nền kinh tế Trung Quốc

Việc triển khai chính sách tháo gỡ đòn bẩy tài chính ở Trung Quốc một cách bài bản, hiệu quả là yếu tố quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng bền vững, không chỉ cho Trung Quốc mà cho cả thế giới.
Đi tìm “liều thuốc bách bệnh” cho nền kinh tế Trung Quốc ảnh 1Kiểm tiền nhân dân tệ tại một ngân hàng của Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, trong năm 2018, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ. Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực quan trọng - từ đầu tư nội địa cho tới tiêu dùng và thương mại - đều sụt giảm.

Để chống đỡ sự suy thoái này, nhiều người kêu gọi chính phủ thực hiện các chính sách tiền tệ và tài chính quy mô hơn.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng động thái khôn ngoan mà giới chức Trung Quốc cần lựa chọn là triển khai một chiến lược kinh tế vĩ mô cân bằng hơn để đối phó với sự trì trệ của nền kinh tế mà không đẩy những thành quả có được từ tăng trưởng chất lượng cao và bền vững hơn trong dài hạn tới trước các thách thức.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc, trong đó phải kể đến sự thay đổi trong yếu tố nhân khẩu học (tình trạng già hóa dân số), sản lượng đình đốn khi nền kinh tế bước sang những giai đoạn chuyển đổi quan trọng về công nghệ, thiếu vắng cải cách trong khu vực nhà nước và khu vực tài chính, ảnh hưởng từ việc chính phủ tái cân bằng các nỗ lực để đưa nền kinh tế chuyển đổi từ tập trung nguồn lực sang tăng trưởng chất lượng cao, cũng như tác động từ các biện pháp bảo hộ của các đối tác thương mại trước đà phát triển của Trung Quốc.

Trong số các nỗ lực tái cân bằng của Trung Quốc phải kể đến chiến dịch chống tham nhũng, việc ban hành luật về hợp đồng lao động, củng cố các biện pháp bảo vệ môi trường và có lẽ quan trọng nhất là triển khai các chính sách để đưa nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ gia tăng nợ công và khủng hoảng tài chính.

Các chính sách này bắt đầu từ năm 2016 và đã thành công trong việc ngăn chặn núi nợ công gia tăng.

Các quy định chặt chẽ đối với hệ thống ngân hàng ngầm (hệ thống các định chế tài chính hoạt động như ngân hàng nhưng không nhận tiền gửi và không chịu sự ràng buộc của các quy định ngân hàng truyền thống, không thể vay mượn từ ngân hàng trung ương trong trường hợp khẩn cấp) cũng đã giúp giảm thiểu các khoản cho vay và đi vay mạo hiểm vốn khó có thể luân chuyển dòng vốn hiệu quả trong nền kinh tế.

[Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đánh mất động lực tăng trưởng]

Các chính sách cải tổ nguồn cung đã góp phần hạn chế việc cấp tín dụng cho các “doanh nghiệp xác sống,” và dành các khoản tiền này vào những mục đích sử dụng hiệu quả và sinh lời hơn.

Mục tiêu hướng đến là đưa nền kinh tế tiến tới việc phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường hiệu quả kinh tế và sản lượng trong dài hạn.

Để đạt được điều này, chính phủ cần tiếp tục các cải cách cơ bản đối với thị trường vốn và củng cố hơn nữa hệ thống tài chính, song song với điều kiện cần thiết là tháo gỡ các đòn bẩy tài chính, hay nói cách khác là các nỗ lực giảm nợ.

Tuy nhiên, mọi chính sách dù hợp lý đến thế nào chắc chắn cũng có hai mặt, nhất là tại Trung Quốc, một nền kinh tế đang trong thời kỳ chuyển tiếp với bối cảnh kinh tế vĩ mô liên tục biến động và cực kỳ phức tạp.

Việc giảm nợ sẽ dẫn tới sự chững lại của đà tăng trưởng tín dụng, đầu tư và tiêu dùng kém sôi động và kế đó là tăng trưởng kinh tế trì trệ hơn. Nếu tăng trưởng tín dụng sụt giảm quá nhanh, nguy cơ dẫn tới suy thoái là điều khó tránh.

Tỷ lệ tiết kiệm sụt giảm càng khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn. Tiết kiệm nội địa tại Trung Quốc từ năm 2010 liên tục giảm khi dân số có xu hướng già đi và tiêu dùng tăng.

Điều này dẫn đến số tài khoản vãng lai tính theo GDP thấp hơn hẳn thời điểm 5 năm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trung Quốc quy định tỷ giá hối đoái cố định, vì vậy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cần phải mua thêm ngoại hối từ các nhà xuất khẩu, vốn là kênh trực tiếp để tạo nguồn cung tiền cho nền kinh tế.

Khi mức tài khoản vãng lai giảm, nguồn cung tiền thông qua cơ chế này cũng giảm và hệ thống ngân hàng phải bù đắp bằng cách cung cấp nhiều tín dụng hơn thông qua các khoản cho vay.

Tuy nhiên, khi các chính sách tháo gỡ đòn bẩy tài chính được áp dụng với ngân hàng ngầm, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ giảm, vô hình trung sẽ kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế nếu tài khoản vãng lai tiếp tục thu hẹp.

Đối mặt với sự trì trệ của nền kinh tế, câu hỏi đặt ra là liệu các chính sách tháo gỡ đòn bẩy tài chính có nên được rút lại hay không?

Cách tốt nhất đối với Trung Quốc là tiếp tục nỗ lực này với một chiến lược bài bản và thuận lợi hơn, cụ thể là tạo điều kiện cho việc tiếp cận tín dụng trong các ngành hàng sinh lời và giảm tín dụng trong những lĩnh vực thiếu hiệu quả; điều chỉnh tốc độ giảm nợ tùy thuộc điều kiện kinh tế.

Cách tiếp cận cân bằng hơn này sẽ giúp thúc đẩy các điều chỉnh cơ cấu theo hướng tăng trưởng tiềm năng hơn và tăng hiệu quả kinh tế trong dài hạn, đồng thời ngăn chặn vòng suy thoái tuần hoàn.

Việc đảo ngược các nỗ lực giảm nợ và cải cách nguồn cung có thể thúc đẩy tăng trưởng song những lợi ích này sẽ chỉ mang tính nhất thời và không bền vững, và triển vọng tăng trưởng trong dài hạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Tăng trưởng đầu tư tư nhân nhờ vào nguồn lực có thể dần dần chuyển từ các doanh nghiệp thiếu tính cạnh tranh sang các doanh nghiệp năng động hơn nhờ các chính sách giảm nợ này.

Khi việc tìm kiếm các khoản vay từ ngân hàng trở nên khó khăn hơn, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang các hình thức tài chính khác, chẳng hạn như phát hành tín phiếu và cổ phiếu.

Triển vọng Kinh tế Quốc tế năm 2019 mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố chỉ ra rằng các hoạt động kinh tế yếu kém hơn dự đoán của Mỹ và Trung Quốc có thể có những tác động nghiêm trọng đối với triển vọng kinh tế toàn cầu và làm tăng nguy cơ suy thoái.

Việc triển khai các chính sách tháo gỡ đòn bẩy tài chính tại Trung Quốc một cách bài bản và hiệu quả là yếu tố quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng bền vững, không chỉ cho Trung Quốc mà còn cho cả thế giới nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục