Dịch bệnh COVID-19 đến 19/1: Hơn 270 triệu người đã hồi phục

Tính đến 8h sáng 19/1 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 334.901.469 ca mắc COVID-19 và 5.572.678 ca tử vong. Số ca hồi phục là 270.612.319 ca.
Dịch bệnh COVID-19 đến 19/1: Hơn 270 triệu người đã hồi phục ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Prague, Cộng hòa Séc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 19/1 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 334.901.469 ca mắc COVID-19 và 5.572.678 ca tử vong. Số ca hồi phục là 270.612.319 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 68.599.991 ca mắc và 877.125 ca tử vong.

Kể từ giữa tháng 11/2021 tới nay, số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ vẫn liên tục tăng với khoảng 1.700 ca/tuần và số ca tử vong được ghi nhận tại các nhà dưỡng lão cũng tăng trong hai tuần qua, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2021, bởi hầu hết người dân đã tiêm chủng.

Số ca mắc COVID-19, đặc biệt là biến thể Omicron, tăng cao ở nhiều bang và nhiều người có bệnh nền đã trở bệnh nặng hơn.

[Mỹ đối mặt làn sóng tử vong cao do COVID-19 trong vài tuần tới]

Theo dự báo của giới chuyên gia, nước này có thể sẽ có thêm khoảng 50.000-300.000 người tử vong từ nay cho tới khi dịch giảm dần vào giữa tháng 3 tới.

Tổng số ca tử vong vì đại dịch của nước Mỹ có thể sẽ cán mốc kỷ lục 1 triệu ca trong 1-2 tháng tới.

Viện Paul Ehrlich (PEI) - cơ quan quản lý vaccine của Đức - ngày 18/1 thông báo những người đã tiêm một liều duy nhất vaccine do hãng Johnson & Johnson (J&J) bào chế sẽ không còn được công nhận là đã tiêm chủng đầy đủ.

Từ mùa Thu năm ngoái, Chính phủ Đức đã khuyến nghị tiêm một mũi vaccine mRNA thứ hai cho những người đã tiêm J&J và coi đây là mũi tăng cường.

Tháng 12/2021, Chính phủ Đức thông báo những người đã tiêm J&J cần tiêm mũi thứ ba 3 tháng sau khi tiêm mũi hai mới được coi là đã tiêm mũi tăng cường.

Tuy nhiên, theo bản cập nhật của PEI về chứng nhận tiêm chủng trong Pháp lệnh miễn trừ các biện pháp bảo vệ COVID-19, từ ngày 15/1, một liều vaccine J&J không được coi là đã tiêm đầy đủ và cần phải tiêm mũi vaccine thứ hai mới được công nhận là hoàn thành “tiêm chủng cơ bản."

Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 15/1 tại Đức, tất cả những người đã tiêm mũi tăng cường (mũi thứ ba) sẽ không phải xét nghiệm COVID-19 trước khi vào nhà hàng hay quán càphê.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy Đức ghi nhận 74.405 ca mắc mới COVID-19 và 193 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.

Mặc dù số ca mắc mới theo ngày giảm so với ngày hôm trước, nhưng tỷ lệ mắc trong 7 ngày vẫn ở mức rất cao 553,2 ca/100.000 người.

Để ngăn chặn đà lây lan của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 18/1 đã kêu gọi người sử dụng lao động tạo điều kiện cho nhân viên đi làm việc từ xa.

Ông nhấn mạnh: "Điều này nhằm hỗ trợ các bác sỹ và giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế và không cản trở quá trình sản xuất."

Theo ông, giải pháp này trrước hết cần áp dụng cho những công dân lớn tuổi và những người mắc các bệnh mãn tính.

Theo Hội đồng điều phối phòng chống virus SARS-CoV-2 của Nga, trong vòng 24 giờ, số ca mắc COVID-19 hằng ngày tại nước này đã lên tới 31.252 trường hợp - mức cao nhất kể từ đầu tháng 12/2021. Sự gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 diễn ra ở tất cả các thành phố lớn của Nga.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Pierpaolo Sileri cho biết làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 tại nước này đã đạt đỉnh và các biện pháp phòng ngừa có thể được nới lỏng.

Phát biểu với đài Rai Radio1, Thứ trưởng Sileri cho biết biến thể Omicron đang lây lan nhanh hơn nhưng ít nghiêm trọng hơn ở nhóm người đã được tiêm vaccine.

Đại dịch tại Italy dường như đã đạt đỉnh và số ca nhiễm COVID-19 mới dự kiến sớm giảm xuống, theo đó cho phép chính phủ xem xét nới lỏng các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch.

Theo quan chức phụ trách phòng chống COVID-19 của Italy - Tướng Francesco Figliuolo, 69,5% người dân Italy trên 18 tuổi (tương đương 27.475.782 người) đã được tiêm mũi vaccine tăng cường. Italy đứng thứ ba trong Liên minh châu Âu (EU) và thứ 11 trên thế giới về số liều tiêm vaccine cho mỗi 100.000 dân.

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 18/1 nhấn mạnh các công ty dược phẩm nên cải tiến nhiều loại vaccine ngừa COVID-19, không chỉ phù hợp để đối phó với biến thể Omicron đang lây lan nhanh mà còn cho các phiên bản đối phó với sự kết hợp của nhiều biến thể.

Hiện các nhà sản xuất vaccine như BioNTech-Pfizer, Moderna và liên minh giữa AstraZeneca và Đại học Oxford đang tiến hành cải tiến các loại vaccine của họ để đối phó với Omicron, hiện đang lấn át biến thể Delta ở nhiều nơi trên thế giới.

Giám đốc điều hành BioNTech, ông Ugur Sahin, tại hội nghị trực tuyến JPMorgan Healthcare diễn ra ngày 11/1 vừa qua đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển các sản phẩm phù hợp với nhiều hơn để đối phó biến thể Omicron, vì khả năng miễn dịch đối với Omicron đã được chứng minh là có thể mang lại sự bảo vệ chống lại các biến thể trước đó.

Ông Sahin nhấn mạnh nhiễm Omicron và vaccine chống Omicron rất có thể kích thích phản ứng miễn dịch chống lại tất cả các biến thể hiện có.

Trước làn sóng lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron khiến các trung tâm xét nghiệm bị quá tải, Chính phủ Israel đã lên kế hoạch phát miễn phí bộ xét nghiệm cho người dân nhằm sớm phát hiện những ca mắc COVID-19 trong cộng đồng để vừa bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, vừa đảm bảo các hoạt động kinh tế bình thường.

Dự kiến trong giai đoạn 1, mỗi học sinh dưới 18 tuổi sẽ được phát 6 bộ xét nghiệm để sử dụng trong 2 tuần.

Sau đó, chính quyền sẽ cân nhắc khả năng phân phát tiếp trong giai đoạn 2 nếu cần thiết.

Các bệnh viện lão khoa và nhà dưỡng lão sẽ được phân phối tổng cộng 2,5 triệu bộ xét nghiệm cho nhân viên và người cần điều dưỡng theo chỉ dẫn của Bộ Y tế.

Trong khi đó, mỗi hộ gia đình theo diện hưởng chế độ an sinh xã hội (khoảng 450.000 hộ) sẽ được nhận 20 bộ xét nghiệm.

Khoảng 25.000 người cao tuổi đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ thuộc Bộ An sinh Xã hội, mỗi người sẽ được phát 3 bộ xét nghiệm/tuần trong vòng 3 tuần.

Dịch bệnh COVID-19 đến 19/1: Hơn 270 triệu người đã hồi phục ảnh 2Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 10/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi người dân nước này hạn chế các hoạt động ngoài trời nếu không có vấn đề khẩn cấp, đồng thời ưu tiên làm việc tại nhà.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh các ca lây nhiễm biến thể Omicron đang lây lan nhanh tại Indonesia.

Ngày 16/1, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận 1.054 ca mắc COVID-19 mới, cao nhất kể từ ngày 14/10.

Ông Widodo cũng tiếp tục nhắc nhở người dân giữ gìn sức khỏe bằng cách đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách và rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đồng thời lập tức đi tiêm mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19, trong khuôn khổ chương trình được phát động vào ngày 12/1 vừa qua và hiện được mở rộng trên toàn quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục