Dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi một chiến lược đối phó toàn cầu

Các nền kinh tế phát triển đã công bố các gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có, ngược lại, các nước châu Phi lại không có các biện pháp can thiệp tương tự.
Dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi một chiến lược đối phó toàn cầu ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ một bệnh viện quân y tới bệnh viện ở Mulhouse, miền Đông Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Financial Times của Anh cho rằng hiện nay có một vấn đề lớn trong chiến lược đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Các nền kinh tế phát triển đã công bố các gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có, ngược lại, các nước châu Phi lại không có các biện pháp can thiệp tương tự.

Nếu COVID-19 không bị đánh bại ở châu Phi, dịch bệnh sẽ quay trở lại với phần còn lại của thế giới.

Đó là lý do tại sao chiến lược hiện tại, chỉ bao gồm các biện pháp của các quốc gia cụ thể mà không có sự phối hợp chung, là không bền vững và có thể phản tác dụng.

Chúng ta có thể đánh bại đại dịch với chiến lược toàn cầu. Thiếu những nỗ lực chung, châu Phi có thể đối mặt với tác động tồi tệ nhất, nhưng châu lục này không phải là nơi cuối cùng gánh chịu hậu quả. Các nước trên thế giới đều sẽ bị ảnh hưởng do đó tất cả phải cùng nhau hành động để chấm dứt dịch bệnh này.

[Các quốc gia Trung Đông, châu Phi ghi nhận những ca nhiễm mới]

Các nền kinh tế châu Phi đang ở thời điểm mong manh và dễ bị tổn thương. Lấy Ethiopia làm ví dụ. Trong hai thập kỷ qua, Ethiopia đã đạt được tiến bộ vững chắc trong việc cung cấp các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, nước này chưa đủ khả năng chuẩn bị cho các mối đe dọa do COVID-19 đặt ra.

Việc tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản vẫn là đặc quyền, không phải là tiêu chuẩn. Ngay cả việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa thông thường như rửa tay cũng là một sự xa xỉ đối với một nửa dân số nước này, những người không được tiếp cận với nước sạch.

Biện pháp giữ khoảng cách xã hội cũng khó thực hiện. Lối sống của người dân mang tính cộng đồng sâu sắc, với các đại gia đình truyền thống cùng nhau chia sẻ gánh nặng và niềm vui của cuộc sống, chia nhau đồ ăn từ cùng một đĩa.

Dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi một chiến lược đối phó toàn cầu ảnh 2Đóng cửa một trung tâm thương mại nhằm ngăn chặn sự lây lan COVID-19 tại Lagos, Nigeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nền nông nghiệp truyền thống và phụ thuộc vào lượng mưa, nên việc gieo trồng, làm cỏ và thu hoạch phải thực hiện theo các khung thời gian cố định của chu kỳ thời tiết.

Một sự gián đoạn nhỏ nhất, ngay cả trong một thời gian ngắn, cũng có thể đe doạ an ninh lương thực vốn đã mong manh.

Hãng hàng không Ethiopian Airlines là công ty lớn nhất của Ethiopia, chiếm 3% sản lượng quốc gia và là nguồn ngoại tệ chính. Ethiopian Airlines sẽ bị đẩy đến miệng vực vì hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Sự thiếu thốn ngoại tệ sẽ gây khó khăn cho hoạt động tìm nguồn cung cấp vật tư và thiết bị y tế thiết yếu từ nước ngoài. Chi phí trả các khoản nợ của Ethiopia cũng thường lớn hơn ngân sách hàng năm dành cho y tế.

Thực tế nghiệt ngã này không chỉ xảy ra với Ethiopia. Đó là thực tế chung của hầu hết các nước châu Phi. Nhưng nếu các nước châu Phi không thực hiện các biện pháp thích hợp để đấu tranh với đại dịch, không quốc gia nào trên thế giới an toàn.

Chiến thắng nhất thời của một quốc gia giàu có nào đó trong việc kiểm soát COVID-19 ở cấp quốc gia, cùng với các lệnh cấm đi lại và đóng cửa biên giới, có thể mang lại một kết quả bề ngoài. Nhưng chúng ta đều biết đây là tạm thời. Chỉ có chiến thắng toàn cầu mới có thể chấm dứt đại dịch này.

Chiến lược khắc phục những tổn thất về con người và kinh tế của tai họa này phải mang tính toàn cầu, từ khâu xây dựng và thực hiện hành động. Khi các quốc gia có các nguồn lực cần thiết để tập trung chống lại đại dịch thông qua các thể chế quốc gia của mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên được trao quyền và nguồn lực đủ để phối hợp các phản ứng trên toàn cầu và trực tiếp hỗ trợ chính phủ các nước đang phát triển.

Trong khi đó, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần cung cấp sự lãnh đạo tập thể cho một phản ứng toàn cầu có tính phối hợp.

Dựa trên những thông tin đã được các tổ chức tài chính quốc tế công bố, G20 cần xây dựng một quỹ toàn cầu để ngăn chặn sự sụp đổ của các hệ thống y tế ở châu Phi.

Cần thành lập phương tiện để cung cấp sự hỗ trợ về ngân sách cho các nước này. Vấn đề giải quyết gánh nặng nợ của châu Phi cũng cần được xem xét như là một vấn đề khẩn cấp.

Cuối cùng, tất cả các đối tác phát triển của châu Phi nên đảm bảo rằng ngân sách hỗ trợ phát triển của họ vẫn được duy trì và không bị chuyển hướng sang các ưu tiên trong nước. Đây là lúc mà mà lòng nhân đạo và sự đoàn kết được thể hiện, và những sự trợ giúp đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục