Dịch bệnh, nắng nóng ảnh hưởng lớn tới nông nghiệp

Nắng nóng kéo dài và dịch bệnh diễn biến phức tạp thời gian qua đã và đang ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.
Nắng nóng kéo dài và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thời gian qua đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.

Tại tỉnh Thái Nguyên, theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, rầy nâu, rầy lưng trắng đã phát sinh trên diện tích lúa Xuân với diễn biến khá phức tạp.

Diện tích nhiễm toàn tỉnh khoảng 5.000ha, trong đó diện tích nhiễm nặng lên tới gần 400ha, xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh với mật độ trung bình là 300-500 con/m2, nơi cao 1.000-2.000 con/m2, cục bộ 4.000-5.000 con/m2.

Hiện nay, lúa Xuân đang ở giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trổ bông, dự kiến từ khoảng ngày 10/5 trở đi sẽ có một lứa rầy mới phát sinh với mật độ rất cao, có thể gây cháy rầy vào nửa cuối tháng Năm nếu không thực hiện tốt công tác phòng trừ.

Để tránh cho rầy phát triển trên diện rộng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã chỉ đạo trạm bảo vệ thực vật các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với trạm khuyến nông, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn trong tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đồng ruộng, chủ động hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả.

Để giúp cây lúa khỏe, có sức đề kháng sâu bệnh tốt, Chi cục khuyến cáo nông dân tại thời điểm này cần bón tăng cường thêm phân đạm kết hợp phân NPK với tỷ lệ hợp lý. Hạn chế diệt cỏ bằng thuốc mà thay vào đó là tăng cường làm cỏ bằng tay để vừa có tác dụng sục bùn giúp cho rễ cây lúa phát triển, vừa có tác dụng làm phá vỡ các ổ rầy ở phần gốc cây lúa. Khi phát hiện có rầy, nông dân cần chủ động phun thuốc kịp thời, đúng chủng loại theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Để tiết kiệm được chi phí, nông dân lưu ý chỉ phun thuốc khi mật độ rầy 12-15 con/khóm trở lên. Khi phun thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

Không chỉ nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, cây lúa còn bị đe dọa bởi các loại bệnh hại khác như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân cú mèo, bệnh đạo ôn lá, ốc bươu vàng... Tuy mức độ nhiễm nhẹ, nhưng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cũng đã chỉ đạo các trạm bảo vệ thực vật tích cực theo dõi, làm tốt công tác dự báo để hướng dẫn người dân cách phòng trừ kịp thời.

Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã gây nhiều khó khăn cho các vùng chuyên canh sản xuất rau màu ở Thừa Thiên-Huế. Riêng những hộ trồng rau má lại có thêm niềm vui vì rau được mùa, được giá.

Gần 200 hộ trồng rau má ở Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền phấn khởi khi nắng kéo dài giúp cây rau má sinh trưởng tốt và cho năng suất cao gấp đôi so với trước, giá rau cũng tăng từ 3.000 đồng/kg lên hơn 10.000 đồng/kg... Vùng sản xuất rau má Phước Yên có diện tích hơn 48ha, đợt nắng kéo dài này cho thu hoạch gần 200 tấn, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng. Hiện, vùng chuyên canh rau má Phước Yên đang chuyển đổi sang phương thức sản xuất thực hành tốt trong nông nghiệp (VietGap) để tăng giá trị.

Trong khi đó, nhiều hộ trồng rau khác ở xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền đã phải ra ruộng từ 4 giờ sáng. Nắng nóng làm nhiều loại rau bị táp và héo cụp lá, sản lượng đều bị sụt giảm, một số diện tích bị chết, phải làm đất để gieo lại. Nhiều hộ trồng rau ven đầm, phá ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang...lại lo nguồn nước tưới vốn phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên. Nhiều vùng đầm, phá xảy ra tình trạng xâm nhập mặn làm khan hiếm nguồn nước ngọt để tưới. Nắng nóng kéo dài, cũng khiến người trồng rau phải bỏ thêm chi phí để bảo vệ rau như căng bạt, che lưới, làm giàn che, khoan giếng lấy nước tưới hoặc tưới nhiều nước rồi phủ lên trên một lớp rơm dày đối với diện tích rau mới được gieo.

Huyện Diễn Châu (Nghệ An) hiện có trên 200ha đất màu, chuyên sản xuất những cây hàng hóa như: dưa hấu, lạc, ngô nếp và các loại rau cao cấp đang đối mặt với nguy cơ hạn hán, thiếu nước sản xuất. Để chủ động nguồn nước tưới, phong trào đào giếng tại chân ruộng được nông dân hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng vừa qua, các giếng bơm, giếng khoan đã phát huy hiệu quả đảm bảo nguồn nước tưới cho các loại cây trồng.

Tại các xã Diễn Thành, Diễn Kỷ, Diễn Phong, Diễn Hùng, Diễn Thịnh..., nông dân đã đào được trên 2.300 giếng khoan, giếng khơi cùng hàng chục ki lô mét đường điện kéo ra đồng phục vụ sản xuất. Nhờ chủ động được nguồn nước tưới đã tạo điều kiện cho nông dân luân canh cuối vụ liên tục trong năm, với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: dưa hấu, dưa lê, lạc, đậu xanh, bí xanh... Tại xã Diễn Thành đã huy động nội lực và tinh thần tự giác từ nông dân khá lớn. Toàn xã hiện có trên 500 giếng khoan, giếng đào; gần 10km đường điện kéo ra đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhờ chủ động nguồn nước tưới nên năng suất cây trồng cao, đời sống nông dân ngày càng được cải thiện . Ông Cao Ngọc Đại, xóm 4 xã Diễn Thành cho biết: trước đây phải huy động tất cả mọi người trong gia đình gánh nước từ ao về để tưới cho cây trồng, vất vả nhưng năng suất không cao. Từ khi đào được giếng bơm ngoài đồng, hàng ngày công việc tưới nước cho cây dưa, cây rau không còn vất vả mà năng suất tăng gấp hai lần so với trước.

Ông Phan Xuân Vinh, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết vụ Hè thu năm nay hạn hán rất lớn, nắng nóng nhiều ngày nên hệ thống giếng khoan, giếng đào đã phát huy tác dụng, đưa năng suất các loại cây trồng tăng cao như dưa hấu, dưa lê đạt gần 10 triệu đồng/sào...

Phong trào đào giếng, kéo điện ra đồng của nông dân Diễn Châu đã phát huy hiệu quả rất tốt, đây là cách làm hay, sáng tạo, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Để khuyến khích nông dân mở rộng mô hình này, Ủy ban Nhân dân huyện Diễn Châu đã hỗ trợ 5 triệu đồng/ha, chuyển đổi gắn với các công trình đào giếng ngoài đồng, nhằm tăng diện tích cánh đồng cho thu nhập cao trên toàn huyện./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục