Dịch bệnh nCoV sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung ra sao?

Mỹ và cả thế giới đang hướng về Trung Quốc, bởi mọi thứ phần lớn phụ thuộc vào cách quốc gia này ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Dịch bệnh nCoV sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung ra sao? ảnh 1Kiểm tra thân nhiệt một hành khách nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV) tại nhà ga đường sắt Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN_

Theo trang mạng asiatimes.com, ngày 15/1, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp gỡ tại Washington để ký kết thỏa thuận thương mại chính thức đánh dấu giai đoạn đầu tiên của cuộc đàm phán nhằm chấm dứt tranh chấp kinh tế giữa hai "người khổng lồ" này.

Tuy nhiên, sự lây lan của virus corona chủng mới mang tên 2019-nCoV đã làm phức tạp bối cảnh hiện nay.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chắc chắn cho thấy bước đi quan trọng hướng đến thời cơ mới trong quan hệ Mỹ-Trung, song tương lai hai nước vẫn chưa chắc chắn.

Trên thực tế, ngay cả khi thỏa thuận này đạt được một số kết quả, nó cũng không phải là lý do khiến các chuyên gia và các giám đốc doanh nghiệp quá lạc quan về các xu hướng sẽ tác động đến vũ đài quốc tế trong năm 2020. Và đó là điều thậm chí được cảm nhận trước khi đợt bùng phát virus corona chủng mới xảy ra.

Theo thỏa thuận dài 94 trang này, Trung Quốc sẽ phải tiến hành kế hoạch hành động để tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, thắt chặt kiểm soát hoạt động bán hàng trên mạng và thực thi các biện pháp chống hàng giả. Họ cũng phải nới lỏng việc cấp phép tại địa phương cho các nhà đầu tư mua tài sản trực tiếp từ các ngân hàng.

Trong khi đó, Mỹ đồng ý cắt giảm thuế đối với 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuống 7,5% và đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ.

Thêm vào đó, Mỹ sẽ xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD sang Trung Quốc trong vòng 2 năm tới, từ thịt heo, thịt bò và gạo tới năng lượng và dịch vụ, cũng như hàng gia công.

Tuy nhiên, thỏa thuận này bỏ lỡ cơ hội để tạo nền tảng xây dựng các trụ cột kinh tế vững chắc mà lẽ ra có thể củng cố môi trường cạnh tranh tốt hơn. Nó dường như nhằm mục tiêu chính trị để đưa ra những câu trả lời các công ty và người tiêu dùng Mỹ vốn đang phải trả giá thành cao hơn trước thềm cuộc bầu cử Mỹ năm 2020.

Việc thiếu vắng các điều khoản cụ thể về vai trò và ảnh hưởng của các doanh nghiệp nhà nước và việc hạn chế đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc khiến nhiều người coi văn kiện này là chiến thắng biểu tượng của Bắc Kinh.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã không bị hăm dọa bởi các hành động của Trump trong 18 tháng qua.

Người khổng lồ châu Á bước vào năm mới với sức ép từ các cuộc biểu tình ở Hong Kong, làn sóng chỉ trích quốc tế về tình hình ở Tân Cương và kết quả bầu cử Đài Loan.

Các sự kiện này đặt ra những thách thức khó khăn với Trung Quốc, vốn đang đối đầu với tốc độ tăng trưởng GDP chậm nhất kể từ năm 1990. Các số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,1% năm 2019, so với 6,6% năm 2018.

Các công ty hoạt động trong ngành sản xuất thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị văn phòng và hóa chất đã hứng chịu bất ổn lớn từ cuộc xung đột với Mỹ, bất luận một số biện pháp tài khóa và tiền tệ mà chính phủ và Ngân hàng trung ương Trung Quốc thực hiện.

Trong khuôn khổ này, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình khôi phục sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tết Nguyên đán 2020 đánh dấu một trở ngại khác của Trung Quốc, vốn đang đối mặt với sự lây lan virus corona được phát hiện từ cuối năm ngoái. Tâm điểm của đợt bùng phát là thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, nơi hàng triệu người đang bị cô lập để ngăn chặn bệnh dịch lây lan, trong khi chính quyền đang nhanh chóng xây dựng một bệnh viện, chữa trị cho các bệnh nhân và phối hợp với các đối tác nước ngoài nghiên cứu vắcxin phòng bệnh.

Các hành động để hạn chế virus lây lan - cách ly tại nhà, dừng các chuyến bay và tour du lịch, và đóng cửa các cửa hàng và trường học - sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tiêu thụ và sản xuất, điều sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

[Volkswagen hoãn khởi động lại một số nhà máy tại Trung Quốc]

Cuộc khủng hoảng này khiến chuỗi cung ứng trở nên dễ bị tổn thương hơn, tạo ra những gián đoạn ở mức độ khác nhau với các doanh nghiệp vốn phải đương đầu với kịch bản không thể dự đoán.

Ngay cả các công ty như Starbucks, McDonald’s, Ikea, Toyota, Nissan, Apple và General Motors có các nhà máy, nhà cung cấp và cửa hàng tại Trung Quốc cũng đang chịu tác động tiêu cực do tình trạng khẩn cấp này gây ra, điều chắc chắn cho thấy sức ảnh hưởng của thị trường này trong hệ thống kinh tế toàn cầu có sự kết nối chặt chẽ.

Cụ thể, với việc các công nhân bị cách ly, ngành sản xuất đang đối mặt với các nguy cơ nghiêm trọng, cũng như tất cả đối tác nước ngoài phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc lây lan virus corona cũng ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ do lệnh hạn chế đi lại được ban hành và do ngành công nghiệp tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới giảm tốc, trong bối cảnh giá dầu tụt xuống dưới mức 60 USD/thùng.

Trong bối cảnh nhạy cảm này, giới phân tích đặt câu hỏi về khả năng Trung Quốc thực thi các mục tiêu trong thỏa thuận thương mại. Các mục tiêu này sẽ không nằm trong chương trình nghị sự được ưu tiên của Trung Quốc ở thời điểm hiện nay. Bắc Kinh có thể cũng đang hy vọng vào sự linh động từ phía Mỹ.

Liệu điều gì sẽ tác động đến quan hệ Mỹ-Trung trong những tháng tới? Mỹ và cả thế giới đang hướng về Trung Quốc, bởi mọi thứ phần lớn phụ thuộc vào cách quốc gia này ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục