Dịch bệnh thương hàn đang gia tăng mạnh ở châu Á

Các chuyên gia y tế cảnh báo bệnh thương hàn đang gia tăng ở châu Á và kêu gọi các nước khu vực triển khai ngay tiêm vắcxin.
Ngày 13/6, tại Bangkok (Thái Lan), Liên minh phòng chống bệnh thương hàn (CaT), một sáng kiến của Viện nghiên cứu Vắcxin Sabin, đã tổ chức cuộc họp những người đứng đầu ngành y tế châu Á để bàn thảo về gánh nặng chồng chất mà bệnh thương hàn gây ra cũng như số người mắc bệnh đang bùng phát trong khu vực.

Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế thế giới kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và bộ trưởng y tế các nước đặt việc bào chế vắcxin thương hàn là ưu tiên tại đất nước của họ.

Bác sỹ Lalitha Mendis, Chủ tịch Nhóm Tư vấn Kỹ thuật về miễn dịch của Văn phòng Khu vực Đông Nam Á (SEARO) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tại New Delhi (Ấn Độ) và nguyên là Chủ tịch Hội đồng Y tế Sri Lanka xác nhận: “Các hiệp hội nhi khoa và các hiệp hội khác trên khắp khu vực nhận thấy tác động nghiêm trọng của bệnh thương hàn, đặc biệt là mối đe dọa đang gia tăng và lây lan của loại thương hàn kháng thuốc. Rất nhiều nước, trong đó có Ấn Độ và Indonesia - đã đưa ra đề nghị hỗ trợ sử dụng vắcxin thương hàn. Các nhà hoạch định chính sách và các nhà hữu quan cần xem xét tài liệu và thảo luận để thông qua việc sử dụng các vắcxin thương hàn.”

Mặc dù WHO chỉ thị và ưu tiên thực hiện “ngay lập tức” vắcxin thương hàn tại hội nghị WHO SEARO nhưng nhiều nước châu Á vẫn chưa đề nghị hoặc giới thiệu tiêm chủng vắcxin thương hàn.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia của Việt Nam cho biết: “Từ năm 1997, Bộ Y tế Việt Nam đã sử dụng vắcxin thương hàn để kiểm soát hiệu quả bệnh ở những nơi có nguy cơ cao. Các chương trình đã từng thành công này cũng được triển khai tại Trung Quốc, Thái Lan, và Sri Lanka.”

Theo WHO, bệnh thương hàn tác động lên khoảng 21 triệu người và khiến hơn 200.000 người tử vong mối năm, chủ yếu là trẻ bậc mầm non và trong tuổi đến trường tại các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi. Theo báo cáo của WHO, 90% số ca tử vong do thương hàn là tại châu Á. 

Theo bác sỹ Jeremy Farrar, Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam nhận định: “WHO ủng hộ những vắcxin thương hàn đang được sử dụng vào thời điểm này, tuy nhiên những công cụ này vẫn chưa được bộ y tế các nước châu Á tận dụng triệt để.”

Bệnh thương hàn gây ảnh hưởng đến việc đến trường của học sinh, thành tích, kìm hãm sự tham gia của lực lượng lao động và năng suất lao động. Bệnh thương hàn lây lan trong cộng đồng dân cư nghèo vốn không được đảm bảo về nước sạch và điều kiện vệ sinh cơ bản và lây qua đường thức ăn và nước uống nhiễm khuẩn.

Kết thúc cuộc họp, các đại biểu nhấn mạnh nhu cầu cần có các chương trình kiểm tra giám sát cải thiện trong khu vực, và lưu ý rằng để đạt được tác động lớn nhất, những nỗ lực tiêm chủng vắcxin thương hàn phải được triển khai cùng các chương trình y tế công khác, như cung cấp nước sạch và xúc tiến các hoạt động giữ gìn vệ sinh, trong đó có việc rửa tay thường xuyên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục