Hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với Thủ hiến 16 bang ở Đức ngày 18/11 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến bàn về các biện pháp đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Hội nghị đã nhất trí nhiều biện pháp nghiêm ngặt chống dịch bệnh trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tục gia tăng lên mức cao kỷ lục mới trong suốt nhiều ngày qua, trong khi khả năng tiếp nhận bệnh nhân nặng tại nhiều địa phương đã tới hạn.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, các biện pháp mới được thông qua, bao gồm yêu cầu tất cả người tới thăm và nhân viên các cơ sở dưỡng lão phải làm xét nghiệm hằng ngày. Các nhân viên đã tiêm đủ vẫn cần làm xét nghiệm 3 lần trong tuần.
Ngoài ra, Hội nghị cũng mở đường cho việc áp dụng quy tắc 2-G (chỉ nới lỏng với người đã tiêm và đã khỏi bệnh) trên cả nước, thậm chí có thể có thể thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn như 2-G+ (cần thêm xét nghiệm) hoặc chặt chẽ hơn nữa, tuỳ thuộc vào tỷ lệ nhập viện trung bình 7 ngày/100.000 dân ở các bang.
Nếu tỷ lệ nhập viện vượt quá năng lực của các bệnh viện, các bang cần có biện pháp nghiêm ngặt hơn. Cụ thể, Hội nghị đề ra ba cấp độ với mức hạn chế khác nhau, trong đó nếu tỷ lệ nhập viện vượt quá 3, các bang sẽ phải áp dụng quy tắc 2-G đối với các sự kiện hay việc vào các nhà hàng, các cơ sở làm đẹp.
Thực tế, hiện hầu hết các bang đều đã vượt quá ngưỡng này. Nếu tỷ lệ nhập viện vượt ngưỡng 6, các bang phải áp dụng quy tắc 2-G+ hoặc các biện pháp khác.
Khi tỷ lệ nhập viện vượt quá ngưỡng 9, các bang cần có những biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa, trong đó có thể áp đặt các biện pháp cứng rắn như hạn chế tiếp xúc hoặc hạn chế và cấm các sự kiện.
Hội nghị cũng kêu gọi tất cả những người chưa tiêm chủng thể hiện tinh thần đoàn kết và nhanh chóng đi tiêm chủng. Chính quyền các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng, làm rõ lợi ích (kể cả các nguy cơ) của việc tiêm chủng.
Các địa phương sẽ mở rộng cơ hội tiêm chủng cho người dân, như các nhóm tiêm chủng lưu động, các trung tâm tiêm chủng, bệnh viện, phòng khám, bác sĩ doanh nghiệp, các sở y tế hoặc các khả năng khác. Sau khi được cấp phép vào cuối tháng 11 này, trẻ từ 5-11 tuổi cũng có thể được tư vấn để tiêm chủng từ nửa sau tháng 12 tới.
Việc tiêm mũi tăng cường (sớm nhất sau khi đã tiêm đủ 5 tháng) đối với tất cả mọi người trên 18 tuổi cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19. Chính quyền liên bang và các bang cũng yêu cầu áp dụng quy tắc 3-G (đã tiêm đủ, đã khỏi bệnh và đã làm xét nghiệm cho kết quả âm tính) tại nơi làm việc.
Khi chỉ số lây nhiễm ở mức cao, người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng như tàu liên vùng, ngoài việc đeo khẩu trang bắt buộc, cần phải tuân thủ quy tắc 3-G.
Ngoài các biện pháp trên, các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh có thể tiếp tục được hỗ trợ kinh tế dài hơn. Khoản Viện trợ bắc cầu III+ vốn hết hiệu lực vào cuối năm nay sẽ được kéo dài tới cuối tháng 3/2022. Đức cũng sẽ kéo dài hỗ trợ khởi nghiệp cho người tự kinh doanh và linh hoạt hơn đối với quỹ đặc biệt dành cho các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hoá.
[Các nước châu Âu tăng cường biện pháp ngăn chặn làn sóng dịch mới]
Theo Thủ tướng Merkel, nước Đức đang ở tình thế thực sự nghiêm trọng và giờ là lúc phải nhanh chóng hành động nhằm ngăn chặn hoặc kiềm chế xu thế gia tăng ca nhiễm mới theo cấp số nhân.
Theo số liệu của các cơ quan y tế Đức thu thập tới tối 18/11, trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận có thêm 63.505 ca nhiễm mới, số ca nhiễm trong một ngay cao nhất từ đầu dịch tới nay. Số ca tử vong trong ngày cũng tăng thêm 270 người.
Hiện trên cả nước Đức đang có 553.900 ca mắc COVID-19 (ở thời điểm hiện tại). Trong khi đó, số ca xét nghiệm PCR trong tuần qua ở Đức đã tăng từ con số 1,2 lên 1,6 triệu, trong đó tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính ở mức cao kỷ lục 17,27%./.