Trước diễn biến mới về tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam sáng 30/3 lại “lao dốc” ngay khi mở cửa.
Lúc 9 giờ 40, VN-Index giảm tới gần 35 điểm xuống hơn 661 điểm. Toàn sàn có tới 279 mã giảm giá, trong khi chỉ có 30 mã tăng giá và 25 mã đứng giá.
HNX-Index cũng gần 4 điểm xuống hơn 93 điểm. Toàn sàn có 96 mã giảm giá, trong khi chỉ có 9 mã tăng giá và 29 mã đứng giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên chỉ số VN-Index) thì cả 30 mã chìm trong sắc đỏ; trong đó, nhóm cổ phiếu họ Vingroup có VHM và VRE giảm sàn, VIC cũng nhiều thời điểm giảm xuống giá sàn, sau đó có tăng đôi chút và thoát giá sàn.
Bên cạnh đó, cổ phiếu đầu ngành bán lẻ là MWG cũng giảm xuống giá sàn. Các mã VJC, BVH, PNJ đều giảm hơn 6%, trong khi VNM, SAB, MSN, REE... cũng có mức giảm rất sâu.
[Chứng khoán tuần này: Có thể khó duy trì động lực tăng điểm]
Nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn mã nào tăng giá, tất cả đều ở chiều giảm giá. Nhiều mã thậm chí còn giảm xuống giá sàn như: VPB, TPB, KLB. Các mã còn lại nhiều mã có mức giảm rất sâu, xuống sát giá sàn như: EIB, CTG, HDB đều giảm hơn 6%. VCB, BID, ACB, SHB... có mức giảm tới hơn 5%.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến rất tiêu cực. Các mã GAS, PLX, POW, PVS, PVC, PVD... đều có mức giảm rất sâu; trong đó, PVD giảm 7% xuống mức gián sàn.
Lúc 10 giờ 30, xu hướng giảm của thị trường vẫn tiếp tục. Theo đó, VN-Index giảm 36,53 điểm (5,22%); trong khi HNX-Index giảm 3,79 điểm (3,91%).
Các thị trường chứng khoán ở châu Á giảm điểm vào đầu phiên giao dịch sáng 30/3 khi giới đầu tư tiếp tục quan ngại trước diễn biến mới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2.
Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm 3,26% (tương đương 631,50 điểm) xuống còn 18.757,93 điểm. Còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) mất 1,97% (463,43 điểm) xuống 23.020,85 điểm.
Cùng chung xu thế đi xuống, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1,17% (32,48 điểm) xuống 2.739,72 điểm, chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) giảm 2,76% (tương đương 47,39 điểm) xuống còn 1.670,34 điểm.
Trưởng chiến lược gia Yoshihiro Ito của Okasan Online Securities cho rằng hoạt động bán ra để chốt lời đã chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán Nhật Bản với sự tăng giá của đồng yen của Nhật Bản.
Tỷ giá giữa đồng USD và yen ở thị trường châu Á vào đầu phiên giao dịch 30/3 được giao dịch ở mức 107,55 yen/USD, thấp hơn so với mức 107,88 yen/USD ở thị trường New York (Mỹ) trong ngày 27/3.
Trong khi đó, theo các nhà phân tích, hoạt động bán ra trên thị trường cũng được thúc đẩy bởi việc quyền đăng ký nhận cổ tức của doanh nghiệp hết hạn vào ngày 30/3, khiến nhiều nhà đầu tư quyết định bán cổ phiếu./.