Từ ngày 23/3-27/3 thị trường chứng khoán có một tuần giao dịch trung tính với hai phiên giảm điểm hồi đầu tuần và ba phiên hồi phục liền sau đó. VN-Index xác lập mức cao nhất 703,22 điểm và thấp nhất là 652,27 điểm. Sau cả tuần, chỉ số này đã mất 13,67 điểm (giảm tương ứng 1,9%) và xuống 696,06 điểm.
Khối ngoại gia tăng bán ròng
Trên thị trường, mã ABS có mức tăng giá mạnh nhất tuần tới 39,5%, từ 14.800 đồng/cổ phiếu lên 20.650 đồng/cổ phiếu, tiếp tiếp là KPF tăng 25%, từ 19.000 đồng/cổ phiếu lên 23.800 đồng/cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, mã QCG lại giảm mạnh nhất 30%, từ 8.830 đồng/cổ phiếu xuống 6.170 đồng/cổ phiếu.
[Tổng sản phẩm quý 1 của Việt Nam ước tính tăng 3,82%]
Bên cạnh đó, HNX-Index để rơi 4,44 điểm (giảm tương ứng 4,4%), xuống 97,348 điểm. Mã DNY là cổ phiếu tăng giá ấn tượng 33% từ 1.800 đồng/cổ phiếu lên 2.400 đồng/cổ phiếu và MBG giảm mạnh nhất 40% từ 9.000 đồng/cổ phiếu xuống 5.400 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ra. Cụ thể khối ngoại đã bán ròng trên sàn HoSE với giá trị 1.406 tỷ đồng (tương ứng 68,48 triệu cổ phiếu) và tại sàn HNX là 92,59 tỷ đồng (tương ứng 8,74 triệu cổ phiếu).
Trên thị trường quốc tế, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tiếp tục là tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu. Chính phủ Mỹ đã phải tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Theo đó, động thái này đã giúp cho phố Wall có ba tăng điểm liên tiếp, qua đó Dow Jones lấy lại được ngưỡng 22.000 điểm khi kết phiên 26/3.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ thấp hơn nhiều so với mức 2,9% của năm 2019 đồng thời Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 chỉ đạt 2,4% - mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Trong nước, theo các thành viên thị trường, thông tin vĩ mô sẽ tác động đến tâm lý thị trường là báo cáo của Tổng cục Thống kê với công bố GDP quý 1 tăng 3,82%, thấp nhất 10 năm.
Xu hướng tiêu cực
Về phân tích kỹ thuật, ông Nguyễn Khắc Thành chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi rơi liên tiếp hai phiên đầu tuần đã hồi phục trở lại trong ba phiên cuối tuần, song tính trong cả tuần thì thị trường vẫn giảm điểm và VN-Index vẫn chưa lấy lại được ngưỡng 700 điểm.
Bên cạch đó, việc khối ngoại tiếp tục bán ròng với khoảng 1.500 tỷ đồng trên hai sàn là điểm tiêu cực và cần phải theo dõi. Ngoài ra, tại thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 4/2020 đã giảm mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30 và nới rộng mức cơ bản âm lên thành 27,23 điểm. Điều này thể hiện sự tiêu cực lớn của nhà đầu tư đối với xu hướng thị trường.
Theo ông Thành, trong tuần tới (từ ngày 30/3-3/4), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm tại khu vực kháng cự 700 điểm (xu hướng nối các đáy từ đầu 2012 đến nay) và ngưỡng hỗ trợ 640 điểm (xu hướng nối các đáy từ đầu 2009 đến nay).
“Do đó, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể tiếp tục tận dụng những nhịp hồi phục về ngưỡng kháng cự quanh 700 điểm để hạ dần tỷ trọng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể tận dụng những nhịp thị trường giảm về ngưỡng hỗ trợ quanh 640 điểm để tích lũy một phần tỷ trọng danh mục,” ông Thành nói./.