Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21 giờ ngày 28/11 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 62.130.253 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.451.991 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục hiện nay là 42.909.010 người.
Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 với 13.454.346 ca mắc và 271.029 ca tử vong.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Mỹ dự báo có 21.400 ca tử vong mới trong tuần kết thúc ngày 19/12, nâng tổng số ca tử vong của cả nước lên 321.000 ca.
CDC cũng cảnh báo số ca nhiễm và ca phải nhập viện đang liên tục tăng.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, hạt Los Angeles, bao gồm thành phố cùng tên lớn thứ hai tại Mỹ, đã thông báo lệnh phong tỏa mới, theo đó tạm thời cấm các cuộc tụ tập giữa những người khác gia đình.
Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 30/11 và kéo dài 3 tuần đến ngày 20/12. Tuy nhiên, các biện pháp "an toàn ở nhà" mới áp dụng sẽ không nghiêm ngặt như trong đợt phong tỏa đầu tiên ở thành phố này hồi tháng Ba.
Một số nơi vẫn được phép mở cửa như hiệu sách, trung tâm spa, các cửa hàng kinh doanh. Trường học cũng được hoạt động bình thường trừ phi ghi nhận bùng phát dịch.
Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 9.354.426 ca mắc COVID-19 và 136.267 ca tử vong, tiếp đến là Brazil với 6.238.350 ca mắc và 171.998 ca tử vong...
Châu Âu tiếp tục là vùng tâm dịch của thế giới. Ngày 28/11, châu Âu chứng kiến số ca tử vong do COVID-19 vượt ngưỡng 400.000 ca, trở thành khu vực có số ca tử vong cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ Latinh và Caribe.
Đáng chú ý, riêng tuần qua châu Âu có tới 3.147 ca tử vong, mức cao nhất theo tuần kể từ khi đại dịch bùng phát.
[Dịch COVID-19: Số ca tử vong ở châu Âu vượt ngưỡng 400.000 ca]
Anh là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu lục, chiếm gần 70% với 57.551 ca trong gần 1,6 triệu ca mắc. Tiếp đến là Italy với 53.677 ca tử vong và 1,5 triệu ca mắc, Pháp với 51.914 ca tử vong và 2,2 triệu ca mắc, Tây Ban Nha (44.668 ca tử vong và 1,6 triệu ca mắc) và Nga (39.068 ca tử vong và 2,2 triệu ca mắc).
Trước tình hình này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho rằng các biện pháp phong tỏa một phần đang được áp đặt tại nước này có thể sẽ kéo dài đến đầu mùa Xuân tới.
Trả lời phỏng vấn báo Die Welt ngày 28/11, Bộ trưởng Altmaier cho biết tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 vẫn ở mức hơn 50/100.000 người ở các khu vực rộng lớn của Đức.
Ông cảnh báo nước Đức còn phải trải qua 3-4 tháng mùa Đông dài phía trước, do đó các biện pháp hạn chế có thể sẽ vẫn được duy trì cho đến những tháng đầu năm 2021.
Trong khi đó, tại Anh, Chánh văn phòng Nội các Michael Gove cùng ngày cho biết các bệnh viện tại xứ England có nguy cơ bị quá tải nếu các nhà lập pháp không ủng hộ kế hoạch triển khai các biện pháp hạn chế mới.
Hơn 20 triệu người ở England sẽ phải sống chung với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sau khi lệnh phong tỏa toàn khu vực này kết thúc vào ngày 2/12 tới.
Các nhà lập pháp dự kiến sẽ bỏ phiếu về việc triển khai các biện pháp hạn chế này một ngày trước khi lệnh phong tỏa trên hết hiệu lực.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson phản đối kế hoạch áp đặt các biện pháp hạn chế theo từng mức độ.
Tình hình dịch bệnh cũng không khả quan hơn ở châu Á. Ngày 28/11, Bộ Y tế Iran công bố thêm 13.402 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 935.799 ca. Số ca tử vong cũng tăng 391 ca lên 47.486 ca.
Hiện, Iran có 27 tỉnh bị coi là có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Trong khi đó, tại khu vực Đông Nam Á, các điểm nóng như Indonesia, Philippines và Malaysia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày.
Cụ thể, Indonesia có thêm 5.418 ca mắc mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc lên 527.999 ca, trong đó có 16.646 ca tử vong.
Philippines và Malaysia ghi nhận lần lượt 1.893 và 1.315 ca mắc mới, đưa tổng số lên 427.797 ca và 63.176 ca. Số ca tử vong lần lượt ở mức 8.333 ca và 354 ca./.