Dịch COVID-19: Thế giới có gần 59 triệu người được điều trị khỏi bệnh

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 31/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 83.029.478 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.810.610 ca tử vong.
Dịch COVID-19: Thế giới có gần 59 triệu người được điều trị khỏi bệnh ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 31/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 83.029.478 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.810.610 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 58.845.629 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 350.429 ca tử vong trong tổng số 20.201.192 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 148.774 ca tử vong trong số 10.267.283 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 193.940 ca tử vong trong số 7.619.970 bệnh nhân.

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 167 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 127 người và Bosnia-Herzegovina với 123 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 26 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 562.500 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 502.100 ca tử vong trong hơn 15,3 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 353.900 ca tử vong trong hơn 20 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 217.700 ca tử vong trong hơn 13,8 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 89.500 ca tử vong, châu Phi có hơn 64.200 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 945 người.

Tại châu Âu, Bộ Y tế Pháp ngày 30/12 đã ghi nhận 26.457 ca mắc mới COVID-19, cao hơn rất nhiều so với hôm 29/12 (11.395 trường hợp) và thể hiện mức độ gia tăng nghiêm trọng nhất kể từ ngày 18/11. Đến nay, Pháp đã ghi nhận tổng cộng 2.600.498 ca COVID-19 (cao thứ 5 thế giới), trong đó có 64.381 người tử vong.

Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal xác nhận quốc gia châu Âu này không dự định áp đặt các biện pháp phong tỏa cục bộ để ngăn chặn đại dịch COVID-19 căn cứ vào tốc độ lây lan hiện tại. Ông Attal nêu rõ: “Tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 chưa tới mức phải áp đặt các biện pháp phong tỏa cục bộ.”

Cũng theo người phát ngôn trên, Pháp hiện không thiếu vắcxin ngừa COVID-19 và nước này sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 1 triệu người dân vào tháng 2/2021. Ý kiến của ông Attal được đưa ra sau khi xuất hiện luồng ý kiến chỉ trích ngày càng gay gắt về việc Chính phủ Pháp khởi động chiến dịch tiêm chủng chậm hơn so với các quốc gia châu Âu khác.

Chính phủ Ba Lan đã áp dụng hạn chế các hoạt động đêm Giao thừa trong một nỗ lực nhằm tránh sự lây lan của bệnh COVID-19. Bắt đầu từ ngày 28/12, các hạn chế mới về chống COVID-19 đã được áp dụng trong khoảng thời gian 3 tuần trên toàn quốc, sau ghi nhận đã có tổng số 1.281.414 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 1.025.889 ca đã hồi phục (tăng 11,884), hơn 28.000 ca tử vong.

[COVID-19: Thái Lan cấm tụ tập, Đức gia hạn biện pháp phòng dịch]

Trong số các biện pháp hạn chế có lệnh cấm người dân đi lại vào tối 31/12, nhằm hạn chế đông người tập trung tổ chức mừng đón Năm mới. Mọi người sẽ không được phép di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác từ 7 giờ tối 31/12 cho đến 6 giờ sáng 1/1/2021. Các biện pháp khác được áp dụng là đóng cửa các khu trượt tuyết, hộp đêm, hồ bơi, phòng tập thể thao và trung tâm mua sắm. Tiệc đón Năm mới cũng chỉ có tối đa năm người được tham dự. Những người đến từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) phải tuân thủ lệnh cách ly 10 ngày, trong khi di chuyển bằng đường sắt qua biên giới EU bị đình chỉ.

Latvia ngày 30/12 đã áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên phạm vi toàn quốc nhằm ngăn chặn đà lây lan của đại dịch COVID-19. Cảnh sát và quân đội của Latvia đã tiến hành hoạt động tuần tra trên các đường phố để thực thi lệnh cấm này. Tổng thống Egils Levits nêu rõ: “Lệnh giới nghiêm và các quy định khác được Chính phủ áp đặt trong tuần này là hoàn toàn cần thiết.”

Theo quy định, mọi người dân Latvia sẽ được yêu cầu ở nhà trong khoảng thời gian 22h00 đêm hôm trước đến 5h00 sáng hôm sau (theo giờ địa phương) từ ngày 30/12 đến 10/1/2021. Các cửa hàng và doanh nghiệp khác sẽ phải đóng cửa vào lúc 21h00 hàng ngày để các nhân viên có thể về nhà. Chỉ có các cây xăng và dịch vụ khẩn cấp được phép hoạt động trong giờ giới nghiêm.

Hệ thống giao thông công cộng ở Latvia vẫn hoạt động bình thường, song các hành khách phải mang theo thẻ căn cước và in biểu mẫu khai báo lý do rời khỏi nhà. Đáng chú ý, cảnh sát, lực lượng biên phòng, vệ binh quốc gia và quân đội Latvia sẽ thực thi lệnh giới nghiêm, hoạt động theo cơ chế luân phiên với ít nhất 2.000 người được triển khai vào mỗi tối. Lavia cùng ngày đã ghi nhận 1.367 ca mắc mới COVID-19, nhiều nhất từ trước đến nay. Đến nay, quốc gia Baltic này đã xác nhận tổng cộng 39.043 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 626 người tử vong.

Trong khi đó, các nguồn thạo tin tiết lộ Chính phủ Mỹ trong tuần tới sẽ có thể mở rộng những yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với khách nhập cảnh từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác, ngoài nước Anh. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) và các cơ quan khác của Chính phủ Mỹ đã thực hiện những cuộc điện đàm rất dài với các hãng hàng không của nước này trong cùng ngày để thảo luận về quyết định mở rộng các yêu cầu.

Trước đó, Washington hôm 28/12 đã yêu cầu tất cả các hành khách đi máy bay nhập cảnh từ Vương quốc Anh, trong đó có các công dân Mỹ, có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 tiếng trước khi xuất phát.

Tuyên bố ngày 30/12 của CDC nêu rõ “những nỗ lực đang được thực hiện ở Mỹ, để đánh giá về sự giảm bớt nguy cơ kết hợp với hoạt động xét nghiệm và các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo, sẽ quyết định chế độ xét nghiệm khả thi đối với hoạt động đi lại theo đường hàng không và đạt được mức độ thống nhất nào đó về các tiêu chuẩn phục vụ phương pháp tiếp cận hài hòa đối với công tác xét nghiệm dành cho hoạt động đi lại quốc tế theo đường hàng không.”

Chính phủ Argentina ngày 30/12 tuyên bố nước này đã trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới, sau Anh, cấp phép lưu hành vắcxin ngừa COVID-19 do AstraZeneca và Đại học Oxford hợp tác phát triển. Theo cơ quan quản lý dược phẩm Argentina, quốc gia Nam Mỹ này cũng đã ký thỏa thuận sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Oxford.

Trong một động thái liên quan, hãng dược phẩm Pfizer Inc cùng ngày thông báo đã thảo luận với Anvisa - cơ quan quản lý y tế của Brazil về cách thức đẩy nhanh tiến trình cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin ngừa COVID-19.

Pfizer cho hay dựa trên những cuộc đàm phán hiện nay với Chính phủ Brazil và cuộc gặp được lên kế hoạch với Anvisa, hãng dược phẩm này sẽ cân nhắc khả năng đăng ký vắcxin ngừa COVID-19 cho mục đích sử dụng khẩn cấp. Pfizer đang tiếp tục gửi dữ liệu thử nghiệm một cách thường xuyên tới Anvisa trong một phần của tiến trình tìm cách có được sự phê chuẩn đầy đủ đối với sản phẩm của hãng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục