Dịch COVID-19: Ngân hàng đồng hành cùng nông dân vượt khó

Để đồng hành với nông dân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-10, ngành ngân hàng đang tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời vốn cho quá trình sản xuất.

Cầm trên tay khoản tiền vừa được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt ông Nguyễn Hà ở xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Ông Hà chia sẻ: “Dịch COVID-19 đang hoành hành. Nhờ được tiếp cận vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội nên gia đình chúng tôi có nguồn vốn để tăng gia sản xuất và chăn nuôi.”

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khu vực nông nghiệp, nông thôn dễ bị tác động mạnh và người nông dân là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi.

Tại nhiều địa phương, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay trên thị trường, giá rau, củ đang giảm mạnh. Có những mặt hàng giảm đến trên 50%.

Nguyên nhân chính bởi thời điểm dịch, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp do các nhà hàng, quán xá vắng khách; nhu cầu tiêu dùng ít hơn nhiều so với ngày thường.

Bà Hồ Thị Hà ở phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị chia sẻ, hiện nay người trồng rau thiệt hại lớn do rau không được giá vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nhiều người rao bán không được nên đã bỏ, với tình hình dịch như thế này thu nhập từ sản xuất không đủ để trang trải cuộc sống.

Đồng hành với nông dân, ngành ngân hàng đang tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời vốn cho quá trình sản xuất.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường trực Chính phủ ngày 31/3/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành hữu quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

[Ban hành Nghị quyết hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19]

Dự thảo có nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động. Dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, với 3 triệu lao động được hỗ trợ.

Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chủ động báo cáo Hội đồng quản trị để trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm lãi vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nếu phương án được thông qua, từ 1/4 vừa qua đến hết năm nay hộ nghèo và các chương trình có lãi suất bằng hộ nghèo hoặc tham chiếu theo mức lãi suất cho vay hộ nghèo sẽ được giảm lãi vay 15% và các đối tượng chính sách ở các chương trình khác giảm 10%.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nguyễn Đức Hải cho biết trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố liên tục nắm bắt tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác để rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại đến các khách hàng vay vốn.

Cụ thể là gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, hướng dẫn các khách hàng bị rủi ro do dịch đủ điều kiện xử lý rủi ro lập hồ sơ và đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan theo quy định.

Tính đến 30/3 vừa qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội dã gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn nợ cho hơn 40.000 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh kỳ hạn và gia hạn nợ là gần 1.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã tập trung nguồn vốn để cho vay giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống với số tiền hơn 11.900 tỷ đồng cho hơn 275.400 khách hàng.

Cùng với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng là đơn vị đang đồng hành cùng nông dân vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.

Dịch COVID-19: Ngân hàng đồng hành cùng nông dân vượt khó ảnh 1Ngân hàng Agribank nhanh chóng triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ tài chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: Hải Quân/TTXVN )

Ông Phạm Hoàng Đức, Thành viên phụ trách Hội đồng thành viên Agribank khẳng định quyết tâm cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chung tay vượt qua khó khăn do dịch bệnh, Agribank dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Hoàng Đức cũng cho biết, chương trình này được áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 1/4 vừa qua đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.

Trước đó, Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh chủ động tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó lưu ý các khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu… để kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng.

Cụ thể, Agribank cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; miễn, giảm phí giao dịch ngân hàng điện tử; linh hoạt đối tượng đầu tư thay thế phù hợp; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cho vay mới nhằm duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Lãnh đạo Agribank cũng cam kết luôn đồng hành, chia sẻ và đóng góp nguồn lực nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước; đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt khôi phục và duy trì sản xuất đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Agribank cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế.

Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục